Đẩy mạnh nghiên cứu văn hóa dân gian

07:35, 10/05/2024

Chi hội văn nghệ dân gian (VNDG) Nam Định thuộc Hội VNDG Việt Nam được thành lập nhằm tập hợp, đoàn kết những người hoạt động về văn hóa, văn nghệ dân gian, góp phần xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Với định hướng cụ thể, nhiều năm qua, chi hội đã tích cực vận động hội viên tham gia nghiên cứu các công trình văn hóa dân gian có giá trị lịch sử về thân thế, sự nghiệp các danh nhân, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể dân tộc.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Tam.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Tam.

Điểm nổi bật trong công tác nghiên cứu, sưu tầm VNDG Nam Định những năm gần đây là sự mở rộng phạm vi, đối tượng nghiên cứu, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và sưu tầm. Chi hội đã tập hợp, động viên hội viên nghiên cứu, sưu tầm, học tập, phổ biến di sản văn hóa dân gian, góp phần củng cố đội ngũ chuyên môn; đồng thời giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các Hội nghề nghiệp ở địa phương nhằm nâng cao trình độ sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, VNDG. Trong hoạt động của chi hội, nhiều hội viên tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt huyết với các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian như: Bùi Văn Tam, Hồ Đức Thọ… Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam năm nay đã ngoài 90 tuổi, với tâm huyết nghề, đến nay, ông đã có hơn 40 đầu sách và nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử - văn hóa được các nhà xuất bản (NXB) uy tín trong nước in ấn, phát hành. Trong đó, các công trình về mảnh đất Thiên Bản lục kỳ xưa của ông được các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đánh giá cao như: “Trạng nguyên Lương Thế Vinh”, “Thiên Bản lục kỳ huyền thoại đất Sơn Nam” (NXB Văn hoá dân tộc 2000), “Họ Lương trong cộng đồng dân tộc” (xuất bản năm 2001), “Phủ Dầy và tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh” (NXB Văn hoá dân tộc 2001), “Địa chí văn hoá huyện Vụ Bản” (xuất bản năm 2016), “Vụ Bản thời Hùng Vương” (NXB Hồng Đức năm 2019), “Phủ Dầy và các nữ thần Vụ Bản trong tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh” (NXB Hồng Đức năm 2020), “Núi Ngăm và Khu du lịch sinh thái” (NXB Hồng Đức năm 2021)… Công trình nghiên cứu về “Trạng nguyên Lương Thế Vinh” của ông được 4 NXB in và phát hành với số lượng lớn (Hội Văn hóa nghệ thuật tỉnh xuất bản năm 1990; NXB Văn hóa Dân tộc xuất bản năm 1996; NXB Đồng Nai tái bản năm 1997; NXB Thanh Hóa tái bản năm 2000). Tác phẩm “Giai thoại Trạng Lường” của ông được NXB Văn hóa Dân tộc xuất bản năm 1999 (tái bản 2001). Sưu tầm nghiên cứu về danh nhân nổi tiếng Trạng nguyên Lương Thế Vinh, tác giả Bùi Văn Tam đã dày công tổng hợp, phân tích tư liệu. Từ năm 1973, ông đã lặn lội đi khắp các tỉnh có dấu tích lưu lạc của dòng họ Lương (Nghệ An, Thái  Bình, Hà Nội, Thái Nguyên...) để tìm kiếm những manh mối liên quan đến cuộc đời của vị Quan trạng họ Lương. Lặn lội ở khắp các địa phương, ông sưu tầm được tư liệu quý trong đó có ghi lại tiểu sử của Trạng Lường và bài luận văn nổi tiếng “Đối đình sách văn” cùng hai bài phú và hai bài thơ của vị Trạng Nguyên... Qua các tư liệu, tổng hợp, phân tích của nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam đã góp phần khẳng định luận điểm Trạng nguyên Lương Thế Vinh là vị quan tài ba lỗi lạc, bản lĩnh cao khiết và những cống hiến cho dân, cho nước. Với những đóng góp cho sự nghiệp văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam đã được nhận 2 Huy chương “Vì sự nghiệp văn hoá dân gian”, “Vì sự nghiệp văn hóa nghệ thuật Việt Nam”; cùng nhiều giải thưởng về văn hóa nghệ thuật...

Nhà nghiên cứu Hồ Đức Thọ, năm nay đã 84 tuổi và có gần 30 đầu sách về văn hóa, VNDG được các NXB uy tín trong nước xuất bản. Trong đó, tiêu biểu là các công trình nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu. Vừa là cán bộ Bảo tàng tỉnh, vừa là hội viên Hội VNDG Việt Nam (năm 1995) nên ông có nhiều điều kiện để tiếp cận nghiên cứu sưu tầm các tài liệu quý. Sau nhiều năm nghiên cứu các câu đối, đại tự, văn bia ca ngợi công lao của Mẫu, năm 2000 cuốn “Mẫu Liễu sử thi” của ông được NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành. Để có tư liệu, ông đã dầy công nghiên cứu các văn bia, câu đối ở các di tích thờ Mẫu như: Phủ Dầy (Nam Định), Sòng Sơn (Thanh Hóa), Lảnh Giang (Hà Nam), Điện Hòn Chén (Huế), Phủ Tây Hồ (Hà Nội)… Cuốn sách sau khi xuất bản được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá cao. Thành công của cuốn sách đầu tiên về đề tài Thánh Mẫu đã truyền thêm niềm tin để ông tiếp tục nghiên cứu. Năm 2004, cuốn sách “Huyền tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Di sản văn hóa lễ hội Phủ Dầy” của ông được NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành. Chia sẻ về quá trình hoàn thiện và xuất bản cuốn sách “Huyền tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Di sản văn hóa lễ hội Phủ Dầy”, ông cho biết: Sau khi cuốn sách đầu tiên về Mẫu được xuất bản, tác giả đã nhận được những ý kiến phản hồi tích cực của nhiều độc giả, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa. Điều đó khiến ông trăn trở bởi ngay trên mảnh đất Nam Định có nhiều di tích thờ Mẫu, trong đó Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy là một trong những trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu của cả nước. Nghĩ là làm, ông tiếp tục đến các đền, phủ ở quần thể di tích Phủ Dầy khảo sát, ghi chép các văn tự chữ Hán, sau đó đối chiếu nhiều tài liệu khác nhau để ra đời cuốn sách “Huyền tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Di sản văn hóa Lễ hội Phủ Dầy”. Bên cạnh nghiên cứu, viết sách về tín ngưỡng thờ Mẫu, ông có nhiều tham luận tại các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Trong đó tiêu biểu là các tham luận: “Văn hóa thờ Nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và châu Á - Bản sắc và giá trị” Hội thảo khoa học quốc tế năm 2012; “Nghiên cứu và thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh tổ chức năm 2016. Tham luận của ông được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cùng nhiều nhà quản lý, đại diện cộng đồng thực hành tín ngưỡng tham dự các hội thảo về tín ngưỡng thờ Mẫu đánh giá cao.

Một trong những khó khăn của các chi hội VNDG trên cả nước nói chung đó là số hội viên ít, tuổi cao. Để đảm bảo phát triển được hội viên mới, thời gian qua Ban Chấp hành Chi hội VNDG Nam Định đã triển khai và tổ chức kết nạp hội viên trẻ thuộc Chi hội tỉnh, tiến tới hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình Ban Chấp hành Trung ương Hội VNDG Việt Nam kết nạp đảm bảo đủ cơ cấu, số lượng. Đến nay, một số hội viên mới kết nạp chi hội VNDG Nam Định như: Nguyễn Xuân Cao, Nguyễn Văn Nhượng đã tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm và xuất bản các tài liệu, sách về văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh Nam Định. Trong đó, công trình “Văn hóa dân gian Làng - Làng Gạo” của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Cao đã được Hội VNDG Việt Nam nghiệm thu. Hiện nay, anh Cao đang tiếp tục nghiên cứu công trình “Văn hóa dân gian làng Việt Cổ Bách Cốc”, xã Thành Lợi (Vụ Bản).

Để nâng cao chất lượng hoạt động, thời gian tới Chi hội VNDG Nam Định tiếp tục quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ nhà nghiên cứu trẻ, đồng thời động viên mỗi tác giả làm công tác nghiên cứu cần tiếp tục tự trau dồi năng lực chuyên môn, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, để chất lượng tác phẩm, công trình nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực, giàu giá trị văn hóa./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com