Phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần

08:04, 23/02/2024

 Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) là tín ngưỡng dân gian của người Việt phổ biến ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, được hình thành qua quá trình “thần thánh hóa” nhân vật có thật trong lịch sử - Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông là vị Anh hùng dân tộc có công lớn trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông bờ cõi nước Đại Việt. Trong tâm thức dân gian, với tấm gương trung hiếu, tài năng và công lao to lớn đối với đất nước nên khi ông mất, Nhân dân đã suy tôn ông là đức Thánh và lập đền ở khắp nơi để thờ phụng, tri ân công đức.

Nghi thức rước Nước trong Lễ rước Nước, tế Cá Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2024.
Ảnh: Việt Thắng

Nghi thức rước Nước trong Lễ rước Nước, tế Cá Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2024.

Ảnh: Việt Thắng

Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) sinh ra tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, là con trai thứ của An Sinh Vương Trần Liễu, anh trai của Vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo gắn liền với 3 lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII, được muôn đời ngợi ca bởi tấm gương trung hiếu, khí phách kiên cường, tài năng quân sự. Với tri thức quân sự uyên bác và tư tưởng đoàn kết giai cấp, dân tộc tiến bộ, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã đưa khoa học và nghệ thuật quân sự nước Đại Việt thời Trần đạt tới đỉnh cao về “võ công, văn trị”, lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Ông là tác giả nổi tiếng của thiên hùng văn “Hịch tướng sĩ” và 2 cuốn binh thư là “Binh thư yếu lược” và “Vạn kiếp tông bí truyền thư”. Sau khi mất, ông được triều đình phong tặng danh hiệu “Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương”. Ghi nhận công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong lịch sử cũng như vai trò của tín ngưỡng tâm linh thờ Đức Thánh Trần trong đời sống tinh thần của người Việt, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22C-NV/CC quy định những ngày tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo trong năm của đất nước; trong đó có ngày kỷ niệm lịch sử Trần Hưng Đạo là ngày 20-8 âm lịch.

Từ đó đến nay, ngày 20-8 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ quan trọng của dân tộc. “Sinh vi tướng, tử vi thần” (sinh thời làm tướng giúp dân, giúp nước; mất đi hóa thần giúp nước, giúp dân), các thế hệ người dân ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc đã lập đền thờ phụng, tri ân công đức Đức Thánh Trần và xưng tụng ông làm đức Thánh “Cha”. Trên địa bàn tỉnh có hàng trăm di tích riêng thờ hoặc phối thờ Đức Thánh Trần cùng các vị vua, công chúa, dòng tộc nhà Trần. Dòng tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, ngoài thờ Hưng Đạo Đại Vương là Thần chủ còn thờ các danh tướng nhà Trần gắn liền với công cuộc chống giặc ngoại xâm Nguyên - Mông như: Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão... Bên cạnh những di tích thờ Trần Hưng Đạo, có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo xuất hiện từ thời Trần như: múa bài bông, hát xẩm, hát văn, ca trù - những loại hình dân ca, dân vũ nguyên thể độc đáo trong di sản phi vật thể của vùng đất Thiên Trường xưa, Nam Định nay. 

Hưng Đạo Đại Vương được “thánh hóa” là hiện tượng hợp với tâm thức và ước nguyện của người Việt. Việc thờ phụng Đức Thánh Trần hiện nay đã trở thành một hình thức tín ngưỡng dân gian phổ biến của nước ta. Cũng như các tín ngưỡng dân gian khác, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là một hình thái biểu thị đức tin, niềm tin của Nhân dân, thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Trải qua hơn 700 năm, các truyền thuyết và nghi lễ, lễ hội thờ phụng Đức Thánh Trần đã hình thành và phát triển rộng khắp, tạo nên sức sống trường tồn, bền bỉ và có sức hấp dẫn mãnh liệt trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng. Trong tâm thức của người dân, ngày kỵ Đức Thánh Trần là ngày lễ trọng - ngày hội. “Tháng tám giỗ Cha (Đức Thánh Trần) - tháng ba giỗ Mẹ (Đức Thánh Mẫu)” đã trở thành một tập quán tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tại Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) hàng năm có 2 lễ hội quy mô lớn gồm: Lễ hội Trần truyền thống (tháng 8 âm lịch) và Lễ hội Khai ấn Đền Trần (tháng Giêng).

Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, có lúc bị gián đoạn do chiến tranh, dịch bệnh nhưng đến nay, cả 2 lễ hội vẫn được dân làng Tức Mặc gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ đầy đủ các lễ nghi nghiêm cẩn theo luật tục xưa. Trong đó, lễ hội Trần truyền thống có từ thời Nguyễn, đời Vua Thành Thái 7 (1895). Ngày nay, các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng trong lễ hội này chủ yếu diễn ra từ ngày 15 đến 20-8 âm lịch. Phần lễ gồm: Rước kiệu, dâng hương, tế lễ. Phần hội sôi động với nhiều sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức cho người dân địa phương và du khách thập phương về hành lễ thưởng thức như: Chọi gà, hát văn, hát chèo, đấu vật, biểu diễn võ thuật, múa lân - sư - rồng...

Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu Xuân hàng năm diễn ra từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng; trong đó chính lễ Khai ấn diễn ra vào đêm ngày 14 là một tục lệ cổ được thực hiện tại Tiên Miếu nhà Trần (phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu cho “Quốc thái dân an”, “Thiên hạ thái bình, thịnh trị”; mọi nhà chung hưởng lộc ấn “Tích phúc vô cương” của Đền Trần; mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập và công tác tốt. Đến với Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu Xuân, người dân không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu may, cầu phúc mà còn được chiêm ngưỡng cảnh quan, những giá trị di sản truyền thống của Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp. Từ những công trình kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật, phong cách kiến trúc thời Trần đến các tài liệu, hiện vật được lưu giữ, bảo tồn qua hàng trăm năm... Hơn 10 năm qua, từ khi thực hiện Đề án đổi mới công tác tổ chức các lễ hội gắn với khu di tích Đền Trần, cùng với việc hạ tầng giao thông, các công trình văn hóa tâm linh được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo; không gian lễ hội không chỉ trong phạm vi Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp mà còn lan toả sang các điểm di tích tại các xã: Mỹ Trung, Mỹ Phúc (Mỹ Lộc), phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định) - khu vực Hành cung Thiên Trường xưa, nơi có các di tích thờ Đức Thánh Trần và các tướng lĩnh nhà Trần. Nổi bật trong các nghi lễ của lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu Xuân có lễ rước Nước, tế Cá và lễ rước kiệu Ngọc Lộ trước ngày Khai ấn mới được chính quyền và người dân địa phương phục dựng theo các thư tịch tài liệu cổ và duy trì tổ chức trong nhiều năm qua. Lễ Khai ấn Đền Trần được tổ chức trang trọng vào đúng giờ Tý, đêm 14 tháng Giêng. Theo truyền thuyết, người xin được lộc ấn mang về treo tại những nơi thờ tự linh thiêng hoặc tại gia có ý nghĩa trừ ma quỷ, hóa giải rủi ro và điềm xấu, thu hút may mắn và thuận lợi trong đường công danh, sự nghiệp cả năm. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội gắn với khu di tích Đền Trần (bao gồm: Lễ hội Khai ấn Đền Trần và lễ hội Trần truyền thống) là một trong 8 lễ hội dân gian của tỉnh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo kế hoạch tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024, tại các khu vực: Sân quảng trường Đông A - khu trung tâm lễ hội Trần, trong và ngoài Khu di tích Đền Trần, Ban tổ chức lễ hội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, hấp dẫn như: biểu diễn trống hội cà rùng; chơi cờ bỏi; tổ tôm điếm; múa lân - sư - rồng; thả diều sáo; hát chèo; hát văn; hát xẩm; múa rối nước; tổ chức chương trình “Mùa Xuân thượng võ”, biểu diễn võ thuật, thi đấu vật, các chương trình nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh và các đoàn nghệ thuật của các địa phương; trưng bày triển lãm sinh vật cảnh, giới thiệu các sản phẩm OCOP Nam Định; tổ chức triển lãm “Hành cung Thiên trường - Dấu ấn vàng son”, triển lãm “Ảnh đẹp du lịch Nam Định”..., góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, nhân văn truyền thống của Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu Xuân và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần.

Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là một tổng thể các di sản văn hóa vật thể truyền thống, hiện hữu rõ nét qua các công trình thờ tự đặc sắc về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc dân gian. Cùng với đó là một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, thấm đẫm giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc với các nghi lễ linh thiêng, các tục lệ truyền thống làng xã và những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh gắn với mỗi lễ hội. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần không chỉ có ở địa phương nơi quê hương ông mà đã phát triển trở thành tín ngưỡng chung của người dân cả nước, ngày nay vẫn đang được các thế hệ con cháu nhà Trần nói riêng và người dân nước Việt nói chung gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sẽ mãi là biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa yêu nước, yêu dân tộc Việt./.

Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com