Ngày thơ Việt Nam tôn vinh di sản thi ca và khối đại đoàn kết dân tộc

08:38, 23/02/2024

Với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024 diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) từ ngày 23 đến 24-2 (tức 14-15 tháng Giêng âm lịch). Ngày Thơ Việt Nam góp phần giới thiệu đến với công chúng những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca 54 dân tộc Việt Nam và tác phẩm tiêu biểu của các nhà thơ dân tộc, viết về các thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc. Không gian Ngày Thơ năm nay được lấy cảm hứng từ chính chủ đề “Bản hòa âm đất nước” với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sân khấu chính của đêm thơ “Bản hòa âm đất nước”.
Sân khấu chính của đêm thơ “Bản hòa âm đất nước”.

Từ ngày 14 âm lịch (23-2) công chúng bắt đầu tham quan Nhà ký ức và tìm hiểu về các nhà thơ dân tộc do Ban tổ chức lựa chọn, giới thiệu. Ngày Rằm tháng Giêng (24-2) sẽ diễn ra sự kiện chính của Ngày Thơ. Buổi sáng sẽ diễn ra tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ” với sự tham gia của nhiều nhà thơ, học giả, nhà lý luận phê bình văn học để lý giải về mối quan hệ đồng nhất nhưng cũng riêng biệt giữa bản lĩnh và bản sắc của công việc sáng tạo thi ca. Buổi tối là đêm thơ “Bản hòa âm đất nước” gồm 4 phần. Phần 1 là trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực phía Bắc; tiếp đó là sự tham gia của nhà thơ quốc tế giao lưu và đọc thơ; phần ba là trình diễn, đọc thơ của các tác giả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam; phần cuối mang tên “Những dư âm còn mãi”.

Trưng bày 150 cổ vật, hiện vật tiêu biểu thời Lý - Trần

Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2024, tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang vừa phối hợp với các đơn vị tổ chức trưng bày chuyên đề “Cổ vật tiêu biểu thời Lý - Trần trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”, “Thơ văn Lý - Trần qua thư pháp” và “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày.
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày.

Ban Tổ chức trưng bày 60 hiện vật là cổ vật tiêu biểu, đồ dùng, vật dụng bằng chất liệu sành, gốm, sứ… mang đậm phong cách tạo tác thời Lý - Trần được sưu tầm trên địa bàn tỉnh thời gian qua; cùng 40 hình ảnh, 50 hiện vật lựa chọn từ 8 điểm khai quật khảo cổ thực hiện trong thời gian qua. Ngoài ra, Ban Tổ chức trưng bày và trình diễn thư pháp Hán - Nôm về các tác phẩm văn học diễn tả cảm xúc, tư tưởng sâu sắc của vị Hoàng đế được mệnh danh là Thiền sư - thi sĩ Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông. Ban Tổ chức cũng trưng bày hệ thống một số di tích lịch sử tiêu biểu bên sườn Tây Yên Tử, nằm trên 8 tuyến điểm du lịch Phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc lâm Yên Tử, những dấu ấn Phật giáo Trúc lâm Yên Tử còn lưu lại ở các văn bia, di vật.

Thông qua cuộc trưng bày nhằm tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng đến nhân dân và du khách thập phương hiểu rõ hơn giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh và những tư tưởng sâu sắc của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com