Nét đẹp văn hóa cúng họ Rằm tháng Giêng

08:50, 23/02/2024

Đã thành thông lệ, cúng họ ngày Rằm tháng Giêng đã trở thành nghi thức mang nét văn hóa truyền thống không thể thiếu đối với các dòng họ ở huyện Hải Hậu.

Ông Bùi Thanh Sơn, Trưởng tộc họ Bùi, xã Hải Bắc (Hải Hậu) thực hiện nghi lễ cúng tổ tiên.
Ông Bùi Thanh Sơn, Trưởng tộc họ Bùi, xã Hải Bắc (Hải Hậu) thực hiện nghi lễ cúng tổ tiên.

Huyện Hải Hậu hiện có hơn 800 dòng họ với trên 200 từ đường; trong đó nhiều từ đường dòng họ được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Tiêu biểu là từ đường các dòng họ: thủy tổ Vũ Chi, thủy tổ Phạm Cập xã Hải Anh; thủy tổ Trần Vu, thủy tổ Hoàng Gia xã Hải Trung; thủy tổ Trần Quốc Thể xã Hải Phúc; họ Nguyễn Giữa xã Hải Hà; họ Nguyễn xã Hải Sơn; họ Lâm xã Hải Lộc… Trong tâm thức người Việt Nam, Rằm tháng Giêng (còn gọi là Tết Nguyên tiêu, Tết Thượng nguyên) là ngày lễ hết sức quan trọng, chính thức khép lại những ngày Tết Nguyên đán. Những ngày này, người dân thường đến đền, chùa cầu an và sắm sửa lễ vật cúng gia tiên. Đặc biệt, nhiều dòng họ tổ chức tế Tổ với quy mô lớn, tập trung đông đảo con cháu về dâng hương, dâng lễ bày tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà, tổ tiên. Đây cũng là dịp để các thế hệ trong dòng họ thể hiện tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn và hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Theo thông lệ hàng năm, khi công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất, thường vào ngày 14 tháng Giêng, con cháu trong dòng họ Phạm ở xã Hải Trung sẽ thực hiện lễ cáo giỗ, thắp hương tại nghĩa trang, mời tổ tiên và các bậc tiền nhân về từ đường. Đến sáng ngày Rằm tháng Giêng, đông đảo con cháu quy tụ tại nhà thờ để thực hiện lễ chính tế. Mâm cỗ chính tế cũng có xôi, gà, rượu và trầu. Bài tế hướng tới ca ngợi công đức của tổ tiên và tấm lòng hiếu thuận của đời đời con cháu. Tại đây, con cháu còn được nghe về cội nguồn, lịch sử hình thành của dòng họ, những bậc tiền nhân có nhiều công trạng với dân, với nước. Từ đó, bồi đắp niềm tự hào về truyền thống của tổ tiên đã dày công vun đắp, hướng con cháu nâng cao ý chí, quyết tâm trong học tập, lao động sản xuất, xứng đáng với những đóng góp của thế hệ đi trước. Xong nghi lễ tế Tổ, con cháu vui sum vầy, đoàn tụ bên mâm cỗ. Trong bữa cơm thân tình, mọi người đều thể hiện niềm vui hội ngộ, cùng nhau chia sẻ những tâm tình, nỗi buồn, vui để cùng nhau đoàn kết, xây dựng dòng họ, quê hương thêm đẹp giàu. Ở mỗi dòng họ sẽ có một người là trưởng họ tộc. Người này thường được vinh dự giao trách nhiệm thờ cúng tổ tiên và dòng tộc, gìn giữ nền nếp gia phong và đứng đầu trong các sự kiện và nghi thức của dòng họ. Ông Phạm Văn Nam, trưởng họ Phạm ở xã Hải Trung cho biết: “Cúng Rằm tháng Giêng là một trong những truyền thống của dòng họ. Dù không tổ chức quy mô lớn nhưng năm nào con cháu nội ngoại cũng đều sum vầy, thành kính thắp hương cho ông bà tổ tiên. Đó cũng là cách gắn kết anh em dòng tộc, gìn giữ gia phong. Có những người là con cháu trong dòng họ, dù ở xa nhưng vẫn cố gắng bố trí thời gian để về”. Anh Phạm Thanh Tú, một người con trong dòng họ chia sẻ: “Con cháu đông, nhiều người làm ăn tận miền Nam. Nếu không về được dịp Tết thì Rằm tháng Giêng cũng sẽ cố gắng sắp xếp về tham dự lễ cúng. Đây là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, cầu mong một năm an lành, hạnh phúc và cũng là dịp anh em họ tộc quây quần, sum vầy”.

Cũng như các dòng họ ở Hải Hậu, con cháu dòng họ Bùi ở xã Hải Bắc cũng tề tựu đông đủ ở nhà thờ họ trong dịp Rằm tháng Giêng. Việc tế lễ bắt đầu từ chiều 14 tháng Giêng. Thế nhưng từ ngoài 20 tháng Chạp âm lịch ông Bùi Thanh Sơn, trưởng tộc họ Bùi ở xã Hải Bắc đã bắt đầu dọn dẹp lại nhà thờ để chuẩn bị “mời” ông bà, tổ tiên về ăn Tết. Nhà thờ được con cháu chung tay xây dựng sửa sang khang trang, sạch đẹp. Ông Sơn cho biết: “Cả năm có ngày Tết và ngày cúng họ Rằm tháng Giêng là anh em, con cháu trong dòng họ mới có dịp gặp gỡ, ngồi hàn huyên tâm sự về một năm đã trải qua. Qua đó, con cháu trong dòng họ sẽ được gắn kết với nhau, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập, công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày”. Những người con của dòng họ đang làm ăn, sinh sống khắp mọi miền đất nước đã tìm về trong niềm vui sum vầy, đoàn tụ. Mặc dù gia đình anh Bùi Văn Hoàn đã chuyển sinh sống cách xa quê hương hàng trăm cây số, nhưng năm nào cũng vậy cứ dịp Rằm tháng Giêng là vợ chồng con cái lại trở về nơi chôn rau cắt rốn. Anh Hoàn cho biết: “Năm nào cũng vậy, vợ chồng tôi đều sắp xếp thời gian để về quê vào dịp Rằm tháng Giêng, để dâng hương tại nhà thờ dòng họ và bàn thờ gia đình, đó cũng là cách thể hiện lòng hiếu kính với tiên tổ, mẹ cha. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để anh em về gặp mặt vì tết có người phải trực tết không được về rồi ở xa cũng không về được nhưng Rằm tháng Giêng họ cũng cố gắng về để quây quần bên nhau để thắp hương, nhớ đến công ơn tổ tiên. Mong muốn phù hộ cho con cháu làm ăn, học hành tiến bộ đạt được nhiều kết quả tốt”.

Ngoài nghi lễ cúng tổ tiên, Rằm tháng Giêng cũng là dịp để gia phả - tài sản thiêng liêng lưu truyền từ đời này sang đời khác của mỗi dòng họ được các thế hệ con cháu bổ sung, hoàn thiện. Qua gia phả, các thế hệ cháu con không chỉ nhớ đến tên tuổi, thân thế của từng người trong dòng họ, mà còn nhớ đến những ngày húy kỵ, mộ táng của ông bà tổ tiên. Nhiều dòng họ còn truyền tụng cho nhau gia phong, gia huấn để khuyên răn mọi người giữ gìn nếp sống, khuyến khích con cháu học hành, tu dưỡng để làm rạng danh dòng tộc.

Ở Hải Hậu, hầu hết các dòng họ đều tế Tổ vào Rằm tháng Giêng nên ngày này khắp làng xóm đều rộn ràng, náo nức. Dù mỗi dòng họ có cách thức tổ chức khác nhau nhưng tục cúng họ ngày rằm đã thực sự trở thành một nghi thức quen thuộc trong đời sống tâm linh từ bao đời nay của người dân Hải Hậu, là cách mà mỗi người con hướng về nguồn cội với cả tấm lòng thành kính, biết ơn./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com