Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu xuân, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) là một tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa cầu mong “Quốc thái dân an", "Thiên hạ thái bình, thịnh trị”, mọi người bước vào một năm mới mạnh khoẻ, lao động hăng say, học tập và công tác tốt. Mở đầu cho lễ hội Khai ấn Đền Trần là nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ - rước hương linh (chân nhang) Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ Chùa Phổ Minh (Chùa Tháp) sang bái yết tiên tổ Trần triều và chứng kiến các nghi lễ thờ thủy tổ tại Đền Thiên Trường. Lễ rước kiệu Ngọc Lộ biểu hiện cho sự dung nạp, dung hòa giữa tín ngưỡng dân tộc và tôn giáo (đạo Phật) của Việt Nam. Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông là vị vua thứ 3 của nhà Trần. Với đời, ngài là vị vua anh minh kiệt xuất, lãnh đạo, đoàn kết quân dân đánh giặc Nguyên - Mông xâm lược nước ta. Với đạo, ngài là vị Thiền sư đắc đạo, người sáng lập và lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền riêng của Phật giáo Việt Nam.
Nghi thức rước kiệu Ngọc Lộ và chân nhang Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ Chùa Phổ Minh về Đền Trần trong lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024. |
Theo cuốn “Tân biên Nam Định tỉnh dư địa chí lược” của Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh viết vào đầu thế kỷ XX: “Tức Mặc có lệ 15 tháng Giêng đấu vật ở Trần Miếu. Cứ đến chiều 14 tháng Giêng thì các nơi: Bảo Lộc, Lựu Phố, Hậu Bồi, Đệ Tứ, Phương Bông, Cố Trạch, Chùa Tháp đều chồng kiệu để sáng 15 rước cả vào sân miếu. Các nơi rước kiệu đến sân Rồng sau đó lần lượt vào lễ, tế. Lễ vật dùng cá Triều đẩu (cá quả), cá Long ngư (cá chép), trâu, dê, lợn là chính”. Lễ hội đầu năm tại Đền Trần xưa có sự tham gia của nhiều thôn, làng xung quanh, song sau này chỉ có làng Tức Mặc hành lễ. Do lễ hội phải chi phí tốn kém nên làng Tức Mặc quy định cứ 3 năm mới vào đám 1 lần vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Từ chiều ngày 14 tháng Giêng, làng Tức Mặc thờ Vua Trần Nhân Tông ở Chùa Phổ Minh tổ chức rước kiệu về Đền Thượng (Đền Thiên Trường) để tham gia. Tại làng Tức Mặc, dân làng rước kiệu Ngọc Lộ từ chùa Phổ Minh, đưa bát hương thờ Thượng hoàng Trần Nhân Tông sang Đền Thiên Trường.
Nghi thức rước kiệu Ngọc Lộ. |
Lễ rước kiệu Ngọc Lộ là nghi lễ có từ lâu đời, được ghi chép trong các tư liệu lịch sử và trong văn bia đặt tại Chùa Tháp. Theo truyền thống, trước khi rước kiệu Ngọc Lộ, ông trưởng họ Trần vào Thượng điện Chùa Phổ Minh - nơi đặt ngai, bài vị Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông làm lễ xin rước bát hương ra kiệu Ngọc Lộ. Khi đoàn rước kiệu từ Chùa Phổ Minh về đến sân Đền Thiên Trường, chủ tế rút 5 nén hương ở bát hương trên kiệu Ngọc Lộ cắm vào bát hương chỗ thần vị Đức Vua Trần Nhân Tông, sau đó thực hiện các nghi thức tế lễ và lưu kiệu tại đền, đến chiều ngày 16 tháng Giêng thì rước kiệu trở về Chùa Phổ Minh.
Kiệu Ngọc Lộ được rước từ Chùa Phổ Minh về đến Đền Thiên Trường. |
Sau một thời gian dài bị mai một, năm 2014, lễ rước kiệu Ngọc Lộ được phục dựng để hoàn thiện các nghi lễ cốt lõi trong các hoạt động lễ hội Khai ấn Đền Trần, đảm bảo theo phong tục truyền thống. Lễ rước kiệu Ngọc Lộ ngày nay được tổ chức vào 7 giờ 30 phút, ngày 11 tháng Giêng hàng năm. Đoàn rước kiệu xuất phát từ Đền Trần sang Chùa Phổ Minh với hàng trăm người, gồm đội múa lân - sư - rồng, đội cờ ngũ sắc, nghi trượng, dàn bát âm, đoàn tế nam quan, đoàn tế nữ quan, kiệu sứ giả, kiệu Ngọc Lộ, theo sau là các già làng, phật tử tụng kinh. Tại đây, các cụ cao niên thực hiện các nghi lễ xin chân nhang tại ban thờ Đức Vua-Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Sau đó, siêu hương được đặt trên kiệu Ngọc Lộ rước về Đền Thiên Trường để thực hiện các nghi lễ tiếp theo.
Múa rồng trong lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024. |
Theo các nhà nghiên cứu bảo tồn văn hóa, hiện nay lễ hội Khai ấn Đền Trần đã phục dựng đầy đủ các nghi lễ truyền thống; tiêu biểu là 3 nghi lễ quan trọng: lễ rước kiệu Ngọc Lộ, lễ rước Nước, tế Cá và lễ Khai ấn, xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh cấp quốc gia. Lễ hội là dịp để các thế hệ người dân tưởng nhớ nguồn gốc thủy tổ triều Trần, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với các vị vua anh minh, các vị tướng tài ba, anh hùng dân tộc có công với dân, với nước, khơi dậy niềm tự hào về hào khí Đông A của quân dân Đại Việt trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin