Mùa đông mang cái rét cắt da cắt thịt đến với muôn loài. Cây cối như sắt lại, cằn cỗi. Rặng xoan đầu ngõ gió lay rụng hết lá, chỉ còn lại những thân cây gầy guộc, héo hắt. Chim chóc cũng xù bộ lông để chống lại cái rét. Tiếng kêu khe khẽ, ríu rít. Nền trời, chỉ một màu chì nặng trịch. Gió hun hút. Cát bụi bốc lên từng đợt, từng đợt...
Tranh minh họa. |
Rồi xuân về! Sự sống như bừng tỉnh. Chồi non ngơ ngác, bật vỏ. Tuy vậy, trời vẫn còn rét. Bếp lửa nhà tôi được ủ ấm suốt ngày. Hơi ấm như xua đi cái giá buốt của những ngày cuối đông. Bếp lửa trở nên gắn bó máu thịt với người dân quê tôi, nó đưa mọi người về cái tổ ấm gia đình. Tôi lớn lên cùng hơi ấm nồng nàn của bếp lửa chốn làng quê. Bếp lửa luôn gợi lên trong tôi một tình cảm sâu nặng về quê hương, về những người thân yêu nhất. Lửa thắp sáng bao căn nhà, lửa xua đuổi bao bóng tối. Ở đâu có lửa, ở đó có sự sống con người. Tôi chẳng thể nào quên những đêm đông giá rét, bên bếp lửa hồng, bóng mẹ liêu xiêu hoà vào màn đêm dày đặc. Có những chiều mưa dầm gió bấc, củi đuốc ướt nhèm, nhóm được cái bếp là cả một sự vật lộn. Khói cay xè, cơm hạt sống, hạt chín. Mọi người ăn vẫn thấy ngon... Ngày giáp hạt, mẹ tần tảo vay mượn, lận đận thân cò, thân vạc cố kiếm tìm thêm củ khoai, hạt gạo nuôi chúng tôi. Bếp lửa thiêng liêng vẫn ấp ủ niềm tin cho anh em tôi vượt qua “giông bão” của tháng tám, ngày ba. Có buổi đi học sớm, bố làm cho tôi một ngọn đuốc bằng nắm ruột tre đã khô nỏ. Ngọn lửa nhỏ nhoi được lấy từ trong bếp đưa tôi ra tận đầu làng. Vượt qua bao cái bờ ao làng ken dày đặc một thứ bèo Nhật Bản và lác đác vẫn còn ánh đom đóm lập loè. Cũng có lúc tôi sơ ý làm tắt bếp, mẹ vội lấy nắm trấu rắc lên trên. Ngọn lửa bùng lên, sáng rực. Bếp lại được ủ kỹ. Hơi ấm toả ra, thơm phức. Chú mèo mướp cứ cuộn tròn cạnh bếp, ngủ ngon lành.
Ngày mùa vui, bếp lửa như reo hát. Tối đến, cả nhà lại quây quần quanh bếp lửa, vừa ăn cơm, vừa ôn lại ngày tháng đã qua... Tôi gối đầu vào lòng mẹ, nghe mẹ thì thầm câu chuyện niêu cơm thần của Thạch Sanh, mười tám nước chư hầu ăn mà chẳng hết. Tôi ước ao có được niêu cơm Thạch Sanh để bố mẹ đỡ vất vả, lo toan. Đêm giao thừa, chúng tôi rải chiếu nằm cạnh bếp lửa cùng bố để canh nồi bánh chưng to đùng. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Tiếng pháo giao thừa bỗng rộ lên hoà lẫn tiếng reo hò, tiếng chúc Tết từ chiếc loa công cộng đầu làng làm tôi choàng tỉnh. Xuân đã về! Mẹ vừa đi hái cành lộc đầu xuân. Tôi đã thêm một tuổi!
Mẹ tôi nay đã già. Mái tóc bạc trắng bởi những năm tháng nhọc nhằn, lam lũ. Mỗi năm giao thừa đến, người vẫn ngồi bên bếp lửa trò chuyện cùng con cháu, ôn lại những kỷ niệm của gia đình, của hàng xóm. Ánh mắt mẹ rạng ngời bên bếp lửa bập bùng. Tôi hiểu rằng: Mẹ là nguồn cội gia đình, là bếp lửa luôn ấm nóng và toả sáng. Dù bây giờ, cuộc sống đổi mới, các loại bếp ga, bếp điện ra đời... nhưng cái bếp ủ trấu nơi gia đình vẫn như một dấu lặng trong cái bản nhạc thanh bình nơi làng quê yên ả./.
Lưu Thị Hoà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin