Chào đón năm mới 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành bộ tem “Tết Giáp Thìn” gồm hai mẫu tem và một blốc thể hiện hình ảnh con rồng - con giáp thứ 5 trong 12 con giáp. Bộ tem do họa sĩ thiết kế Nguyễn Quang Vinh thiết kế trên khuôn khổ tem là 37x37mm. Blốc tem có khổ 80x80mm.
2 mẫu tem Tết Giáp Thìn. Ảnh: TTXVN |
Hai mẫu tem đều thể hiện hình rồng vàng trên màu nền xanh và hồng tươi tắn, thể hiện không khí Tết. Ý tưởng thiết kế tem bắt nguồn từ hình ảnh rồng bay lên (thăng long) và rồng hạ xuống (hạ long). Đây là biểu tượng cho hai Di sản thế giới của Việt Nam cần được gìn giữ, bảo tồn là Hoàng thành Thăng Long - nơi rồng bay lên và Vịnh Hạ Long - nơi bình an rồng hạ xuống. Đặc biệt, hình tượng cá chép hóa rồng được tác giả thể hiện chìm và hòa quện trên nền tem. Qua hình ảnh này, bộ tem thể hiện sự đổi thay mạnh mẽ của đất nước trong thời đại mới, hòa nhịp cùng sự phát triển của thế giới để hiện thực giấc mơ trở thành đất nước phát triển, thành con rồng châu Á của Việt Nam. Mẫu blốc bộ tem “Tết Giáp Thìn” thể hiện đại gia đình nhà rồng bay lên cùng những áng mây hình khánh tượng trưng cho sự bình an, may mắn của các gia đình Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về. Hình ảnh 9 con rồng quần tụ được thể hiện trên blốc biểu tượng cho dòng sông Cửu Long với 9 dòng uốn lượn đổ ra 9 cửa biển đem lại sự trù phú cho kinh tế nông nghiệp miền Tây Nam Bộ.
Bộ tem “Tết Giáp Thìn” có thời hạn cung ứng trên mạng lưới 18 tháng, từ tháng 1-2024 đến hết tháng 6-2025.
Tái hiện lễ lên ngôi và đại phá quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung
Tại Khu tưởng niệm Anh hùng Dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ ở núi Bân (phường An Tây), UBND thành phố Huế vừa tổ chương trình nghệ thuật tái hiện lễ lên ngôi và đại phá quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung, nhân kỷ niệm 235 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế.
Tái hiện lễ lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung. |
Năm 1786, Đô thành Phú Xuân được Nguyễn Huệ giải phóng khỏi ách thống trị của họ Trịnh và trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào Tây Sơn. Ngày 22-12-1788 (tức ngày 25-11 năm Mậu Thân), chính tại khu vực núi Bân linh thiêng, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã cho xây đàn tế cáo trời đất và làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung. Sau lễ đăng quang một ngày, Vua Quang Trung ra lệnh xuất quân ra Bắc, đại phá quân Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long, đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Thanh. Năm 1988, khu vực núi Bân được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Chương trình nghệ thuật thể hiện lòng tôn kính, tri ân đối với công lao hiển hách của vương triều Quang Trung, của người anh hùng dân tộc “áo vải cờ đào”; đồng thời khơi dậy niềm tự hào, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin