Người giữ hồn rối nước

07:20, 12/01/2024

Về làng Rạch, xã Hồng Quang (Nam Trực), hỏi thăm anh Phan Duy Triển, nghệ nhân múa rối nước và là người chế tác ra những con rối, không ai là không biết bởi lòng nhiệt huyết, sức sáng tạo không ngừng của anh đã và đang “giữ hồn” cho nghệ thuật rối nước truyền thống độc đáo của quê hương.

Anh Phan Duy Triển, làng Rạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) kiểm tra con rối trước khi biểu diễn.
Anh Phan Duy Triển, làng Rạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) kiểm tra con rối trước khi biểu diễn.

Sinh ra trong gia đình có ông ngoại làm nghệ nhân tạc tượng nên anh Triển sớm làm quen với những kỹ năng của nghề. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nam, anh Triển trở về quê hương tham gia vào đoàn múa rối nước của làng. Với những kiến thức sẵn có, năm 2000, anh mở cơ sở sản xuất, tạo hình rối nước. Làm con rối nước không chỉ đơn thuần là đục đẽo, mà phải có sự tỉ mỉ và tâm huyết của người nghệ nhân thì con rối mới có thể chinh phục được khán giả. Cũng như những nghệ nhân tạo hình rối nước khác, anh Triển tạo hình rối nước thường dựa vào các nhân vật từ các câu chuyện cổ tích, nhân vật ngoài đời thật hoặc tự tưởng tượng ra, sao cho phù hợp với bối cảnh nông thôn. Tạo hình nhân vật được kết hợp hài hòa hai yếu tố: điêu khắc dân gian và điêu khắc cung đình nhưng đều phải thể hiện được tính cách nhân vật rõ nét.

Để có thể làm ra những con rối nước với đủ hình dáng, trạng thái nhân vật là cả một quá trình lao động nghiêm túc của người nghệ nhân. Con rối là một trong những yếu tố quan trọng trong việc quyết định vở rối có hay và thu hút người xem hay không. Để con rối có thể nổi trên mặt nước dễ dàng và không bị nứt vỡ, theo anh Triển, chất liệu tốt nhất là dùng gỗ sung, gỗ mít. Khi đã tìm được khúc gỗ như ý, người nghệ nhân phải đục thô để tạo hình nhân vật, tiếp tục làm rõ nét hơn bằng những đường đục tinh xảo. Sau đó, nhân vật được tạo độ nhẵn và bóng bằng cách bào và đem phơi nắng. Vì đặc thù chìm nổi liên tục trong nước nên con rối sau khi phơi nắng phải liên tục được sơn kín, rồi lại đem phơi, cứ như thế từ 3 đến 4 lần mới đạt chất lượng. Cuối cùng là bước quan trọng nhất, vẽ nét tạo hồn cho con rối. Khâu này đòi hỏi người nghệ nhân phải thật khéo tay, có óc thẩm mỹ và khả năng sáng tạo. Để hoàn thành một bộ rối nước phải mất khoảng 4-5 tháng, chưa kể nếu thời tiết ẩm thời gian còn kéo dài hơn vì chờ con rối khô hoàn toàn với 7-8 lớp sơn. Đa phần kích thước con rối nước không to, chỉ khoảng 30-70cm. Mỗi vở diễn, mỗi câu chuyện là một con rối khác nhau. Hình thù của con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, có tính hài và tính tượng trưng cao.

Mỗi con rối đều được xây dựng hình dáng, tính cách điển hình, giúp cho khán giả có thể dễ dàng phân biệt. Theo anh Triển việc tạo hình rối nước dù được cách điệu để tạo sự cuốn hút nhưng cũng vẫn phải đảm bảo một cách chuẩn mực phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục như trang phục miền Bắc là áo tứ thân, miền Nam là áo bà ba... Có những hôm say sưa với những con rối mà anh Triển quên ăn, quên ngủ. Hiện tại, cơ sở sản xuất của anh Triển rộng hơn 200m2, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức lương từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, gia đình anh sản xuất được khoảng 2.000 con rối nước để phục vụ khách hàng làm quà tặng hoặc dùng mang đi để biểu diễn. Con rối từ cơ sở sản xuất của anh Triển có mặt ở khắp các tỉnh trong cả nước như: Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát múa rối Trung ương và nhiều nhà hát múa rối khác trong cả nước… Thu nhập từ nghề chế tác con rối nước cũng từng bước được nâng cao do ngày càng nhiều người biết đến và yêu thích nghệ thuật múa rối nước. Chia sẻ về mong muốn trong tương lai với múa rối nước làng Rạch, anh Triển bày tỏ rất nhiều. Nhưng hơn hết là mong có được sự ủng hộ, quan tâm của mọi người, những du khách, những bạn trẻ có nhu cầu tìm hiểu về nghệ thuật rối nước độc đáo này. Đây là điều mà anh đã dành cả tình yêu và đam mê của mình trong việc gìn giữ về bảo vệ giá trị truyền thống của quê hương. 

Trải qua bao thăng trầm cùng nghệ thuật múa rối nước, nghề chế tác con rối tại thôn Rạch vẫn được anh Triển cũng như nhiều người dân nơi đây bền bỉ “giữ lửa”. Nghệ thuật tạo hình trong múa rối đóng góp một vai trò rất lớn trong sáng tạo cũng như hoạt động múa rối; giúp người nghệ sĩ biểu diễn, gợi ý trước về cá tính nhân vật, gợi ý cho người biểu diễn những đặc điểm rất riêng của mỗi nhân vật trong một tiết mục. Ông Phan Văn Hữu, Trưởng đoàn rối nước làng Rạch cho biết: “Cùng với múa rối nước, làng Rạch được biết đến là nơi tạc con trò đẹp và có hồn nhất miền Bắc. Anh Phan Duy Triển vừa là nghệ nhân múa rối nước, vừa là người chế tác ra con rối. Anh Triển cũng như chúng tôi luôn trăn trở gìn giữ và phát triển nghệ thuật rối nước truyền thống độc đáo của quê hương”./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 


Từ khóa:

Người giữ hồn

rối nước


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com