Những người trẻ đam mê nghệ thuật chèo

07:38, 18/08/2023

Trong khi đa số giới trẻ hiện nay yêu thích các môn nghệ thuật mới mẻ, năng động, những dòng nhạc hiện đại thì cũng có nhiều bạn trẻ lại có niềm đam mê với nghệ thuật chèo - môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội vào tháng 5-2023, anh Nguyễn Xuân Tuấn, sinh năm 2000, ở phường Cửa Nam (thành phố Nam Định) xin làm cộng tác viên của Nhà hát chèo Nam Định. Kể về quá trình bén duyên với nghệ thuật truyền thống, anh Tuấn cho biết: Sinh ra trong gia đình yêu nghệ thuật truyền thống, có bố chơi các loại nhạc cụ dân tộc; ngay từ lúc nhỏ em được đi theo bố xem biểu diễn ở các hội làng, các lễ hội, tế lễ trong từ đường, dòng họ. Được xem các vở diễn, các trích đoạn trong sân khấu chèo đã khơi dậy sự đam mê với nghệ thuật truyền thống cha ông. Năm 2019, Tuấn quyết tâm thi đỗ vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, khoa kịch hát dân tộc, chuyên ngành nhạc cụ dân tộc. Trong quá trình học tập, được sự dìu dắt của các thầy, cô giáo, các nghệ sĩ gạo cội đã giúp cho Tuấn dần tiến bộ hơn trong việc xử lý kỹ thuật nhạc cụ như sáo và đàn bầu. Tuy là nhạc công nhưng Xuân Tuấn được trời phú cho giọng hát đẹp, vang, trong sáng nên thường xuyên tham gia biển diễn các tiết mục chèo cùng các đồng nghiệp. Chứng kiến Xuân Tuấn biểu diễn thuần thục các nhạc cụ, hát chèo mượt mà, đằm thắm có thể cảm nhận được tình yêu và ngọn lửa đam mê trong chàng trai trẻ đối với nghệ thuật truyền thống của cha ông.

Nghệ sĩ trẻ Lại Hồng Toan giao lưu về nghệ thuật chèo với học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định). 
Ảnh: Do nhân vật cung cấp

Nghệ sĩ trẻ Lại Hồng Toan giao lưu về nghệ thuật chèo với học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định).

Ảnh: Do nhân vật cung cấp

Còn đối với nghệ sĩ trẻ Lại Hồng Toan, sinh ra trong một gia đình thuần nông ở làng Hướng Thiện, xã Hải Long (Hải Hậu). Dòng họ Lại quê anh là một dòng họ đông nhất trong làng, đặc biệt có một đội nhạc cổ truyền rất đông đảo (thời điểm cao nhất lên đến trên 20 nhạc công) phục vụ việc tế lễ tổ tiên vào các dịp tế lễ và các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của địa phương. Những thành viên trong dàn nhạc của dòng họ cũng là nòng cốt truyền dạy âm nhạc cổ truyền cho các dòng họ khác và thế hệ trẻ của quê hương. Chính từ cái nôi này đã nuôi dưỡng tâm hồn say mê, yêu nhạc dân tộc của cậu bé Toan ngày từ nhỏ. Năm 2007, anh Hồng Toan thi đỗ vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nam Định. Đến năm 2011, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc, anh chính thức được nhận về công tác tại Nhà hát chèo Nam Định và biên chế trong dàn nhạc của Nhà hát cho đến nay. Về Nhà hát chèo Nam Định công tác, với khả năng chuyên môn khá toàn diện, anh Lại Hồng Toan không chỉ là một nhạc công, mà còn tham gia làm công tác dàn dựng, hướng dẫn và dạy hát truyền thống cho các diễn viên trẻ của đoàn và lồng hát cho các vở diễn. Đến nay, anh được tín nhiệm giao nhiệm vụ là Phó dàn nhạc Nhà hát chèo Nam Định, Bí thư Chi Đoàn thanh niên Nhà hát chèo.

Để lĩnh hội được những tinh túy của nghệ thuật chèo, Hồng Toan và Xuân Tuấn luôn nhắc nhở bản thân luôn không ngừng nỗ lực cố gắng học hỏi. Các bạn trẻ đã say mê học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ sĩ lớn tuổi giàu kinh nghiệm đi trước, học ở các đồng nghiệp, và đặc biệt không quản ngại “tầm sư học đạo” ở thủ đô và các tỉnh, thành bạn. Qua quá trình tiếp xúc, tìm tòi, học hỏi, Lại Hồng Toan và Nguyễn Xuân Tuấn đã được các nghệ sĩ “tên tuổi” của làng chèo Việt Nam như: Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Bình, Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Ngọc, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Theo, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hải, Nghệ sĩ Ưu tú Quý Bôn... tâm huyết truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp, cái hay, cái đẹp trong ca từ của chèo cổ, cách ngắt câu, nhả chữ… Nhờ vậy, đến nay, Hồng Toan và Xuân Tuấn đã giành được nhiều thành tích trong hoạt động chuyên môn. Cùng với tập thể nhạc công và diễn viên, Hồng Toan đã giành một Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc cho các vở diễn của Nhà hát; còn Xuân Tuấn đoạt Huy chương Bạc cuộc thi học sinh sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2020, giải đặc biệt tài năng trẻ của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 2022, cùng tập thể đoạt giải Nhì cuộc thi độc tấu và hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023 tại Hòa Bình.

Ước mơ được góp sức vào việc gìn giữ những giá trị của nghệ thuật dân tộc, xa hơn là quảng bá đến với bạn bè quốc tế, Lại Hồng Toan và Nguyễn Xuân Tuấn còn thành lập nhóm hát gồm 5 thành viên để quảng bá nghệ thuật chèo tới đông đảo người dân trên mạng xã hội facebook. Bằng phong cách thể hiện tươi mới, trẻ trung, tâm hồn trong sáng của những chàng trai thời 4.0, các chàng trai trẻ đất Thành Nam đã làm sống lại hồn xưa của dân tộc qua những làn điệu chèo cổ với sông nước mênh mang, dịu dàng, tình tứ, sống động. Với mỗi video đăng tải, các thành viên trong nhóm đã thu hút trên 100 nghìn lượt xem, hàng nghìn lượt yêu thích. Bên cạnh đó, hai bạn còn tham gia lớp học thuộc dự án “Đưa nghệ thuật truyền thống từ sân đình vào sân trường” do các thành viên của Dự án "Chèo 48 giờ - Tôi chèo về quê hương" phối hợp với khoa Văn học, Câu lạc bộ tuyên truyền văn hóa lịch sử (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) và giáo phường Đình làng Việt tổ chức. Đây là một dự án cộng đồng phi lợi nhuận với sứ mệnh truyền cảm hứng về văn hóa nghệ thuật cổ truyền đến với công chúng hiện đại, đặc biệt là giới trẻ thông qua cách tiếp cận gần gũi, sáng tạo; qua đó khơi dậy niềm yêu thích, tự hào về giá trị bản sắc dân tộc, thúc đẩy những hành động gìn giữ, bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật chèo. Ngoài ra, anh Lại Hồng Toan cũng tham gia giảng dạy âm nhạc cổ truyền và dạy nghi thức tế cho nhiều dòng họ ở các huyện trong tỉnh. Đến nay, anh đã đào tạo được khoảng gần 100 học sinh thi đỗ vào các trường nghệ thuật của tỉnh và Trung ương, mở được 4 lớp dạy nhạc cổ truyền và tế lễ cho các dòng họ trong tỉnh.

Với những nỗ lực từng ngày, hai nghệ sĩ trẻ Lại Hồng Toan và Nguyễn Xuân Tuấn mong muốn được tham gia vào việc giữ gìn, phát huy những “báu vật ngàn đời” mà cha ông để lại và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khác. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, việc thế hệ trẻ tham gia bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, ngoài việc góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, còn là thể hiện trách nhiệm, chung sức vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Văn Huỳnh

 



Kết quả xsmb 90 ngày mới nhất

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com