Những “điểm sáng” về văn hoá nông thôn mới ở Nam Trực

07:43, 04/08/2023

Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH)” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu ở huyện Nam Trực luôn được các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng ĐSVH ở cơ sở” và Nghị quyết số 13-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Xây dựng khu dân cư (KDC) văn hóa NTM”.

Tiết mục biểu diễn hát chèo trong lễ hội Đền Xám, xã Hồng Quang.
Tiết mục biểu diễn hát chèo trong lễ hội Đền Xám, xã Hồng Quang.

Các xã, thị trấn đã kiện toàn Ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH”, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đồng thời chỉ đạo các chi bộ thôn, xóm kiện toàn tiểu ban chỉ đạo tại các KDC. Xác định xây dựng KDC văn hóa NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, 100% chi bộ thôn, xóm đã tổ chức họp bàn, phối hợp với Ban công tác Mặt trận cơ sở xây dựng, triển khai kế hoạch đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Công tác tuyên truyền được các KDC đặc biệt coi trọng với tinh thần mỗi đoàn viên, hội viên là một tuyên truyền viên, tích cực vận động người dân tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua. Ở xã Nam Thái, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phong trào xây dựng “KDC văn hóa NTM” được triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, cả 20 thôn được công nhận danh hiệu “Xóm văn hóa”; 3/20 KDC được công nhận đạt chuẩn “KDC văn hoá NTM; cả 3 trường: mầm non, tiểu học, THCS và Trạm y tế của xã đều đạt chuẩn nếp sống văn hoá; tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” chiếm 95,8% so với tổng số hộ. Thành công trong xây dựng KDC văn hóa NTM ở Nam Thái có sự góp sức của phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT) quần chúng. Xã đã tạo điều kiện thuận lợi để các đội, câu lạc bộ (CLB) văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả như: hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất thiết chế nhà văn hóa thôn xóm; đẩy mạnh xã hội hóa tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở; các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng. Xã có 1 CLB dân ca và 20 đội văn nghệ, dân vũ ở các thôn, biểu diễn đa dạng các loại hình nghệ thuật như: hát chèo, hát văn, ca trù, múa hát dân gian...

Ở xã Nam Hồng, diện mạo văn hóa NTM được thể hiện qua những cánh đồng, khu vườn xanh mướt; những con đường trục xóm được cứng hóa, rộng rãi; ven đường nhà cao tầng mọc lên san sát; các công trình: nhà văn hóa, sân thể thao,… tạo nên bức tranh nông thôn khang trang, hiện đại. Ở các KDC văn hóa NTM, 100% các tuyến đường giao thông đều được rải nhựa hoặc đổ bê tông kiên cố, rộng từ 3-3,5m, có rãnh thoát nước; trong đó xóm Đông Thành có 3 tuyến đường (tổng chiều dài 790m), xóm Tiền Làng có 6 tuyến đường (tổng chiều dài hơn 1km), xóm Trung Thịnh có 6 tuyến đường (tổng chiều dài gần 1,5km), xóm Phú Thịnh có 2 tuyến đường (tổng chiều dài 850m). Việc xây dựng và thực hiện theo hương ước, quy ước KDC văn hóa NTM ở Nam Hồng có nhiều chuyển biến từ nhận thức đến hành động của người dân. Nội dung các hương ước, quy ước có sự kế thừa, chọn lọc những thuần phong mỹ tục, dần xóa bỏ hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, lễ hội. Việc cưới, việc tang ở xã có nhiều đổi mới trong tổ chức, đã hạn chế tình trạng “làm cỗ chia phần và ăn cỗ lấy phần”; lễ hội truyền thống được tổ chức văn minh, tiết kiệm, trang nghiêm. Đây là tiền đề để cả 16 xóm trong xã thực hiện các tiêu chí về nếp sống văn minh (tiêu chí số 8) và an ninh trật tự (tiêu chí số 9) trong xây dựng KDC văn hóa NTM.

Phong trào dân vũ ở xã Nam Cường (Nam Trực) phát triển mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các chị em phụ nữ.
Phong trào dân vũ ở xã Nam Cường (Nam Trực) phát triển mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các chị em phụ nữ.

Trong quá trình xây dựng NTM, các làng, xã ở huyện Nam Trực đều xác định: Để lưu giữ “hồn quê” trong xây dựng NTM cần phải bảo tồn được những thiết chế mang bản sắc văn hoá làng truyền thống như: cổng làng, giếng nước, cây cổ thụ, chợ quê; văn hoá làng nghề; giá trị lịch sử, nghệ thuật kiến trúc di tích; hội làng truyền thống; các loại hình nghệ thuật dân gian... Về làng Thanh Khê, xã Nam Cường, chúng tôi được chứng kiến không gian làng quê cổ kính với những di tích và hàng chục cây cổ thụ trăm năm tuổi. Di tích lịch sử - văn hoá Đền Thanh Khê thờ Bản cảnh Thành hoàng, Chiêu Minh Viện phi Công chúa (thời Lý). Vào mồng 9-3 âm lịch hàng năm, bà con trong làng tạm gác công việc đồng áng, tham gia vào các hoạt động lễ, hội như: thi đánh cờ tướng, cờ người, chọi gà, chơi đu... thu hút đông đảo già trẻ, trai gái tham gia. Ở xã Nam Thanh, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Các thiết chế văn hóa cổ như di tích, danh thắng, cổng làng được đầu tư tu bổ đảm bảo nguyên trạng kiến trúc gốc, ngày càng phát huy giá trị trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Các thiết chế văn hóa hiện đại như: nhà văn hóa, sân thể thao, khu vui chơi, sinh hoạt, học tập cộng đồng được quy hoạch, đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Những năm gần đây, hệ thống giao thông, các công trình văn hóa, y tế, giáo dục của xã được đầu tư xây dựng, nâng cấp với tổng kinh phí trên 34,6 tỷ đồng. Với vị trí địa lý và mạng lưới giao thông đồng bộ là điều kiện thuận lợi để xã Nam Thanh phát triển kinh tế, dịch vụ và giao lưu văn hoá với các địa phương trong và ngoài huyện. Ngoài nông nghiệp là nghề chính của người dân, nhiều năm qua, huyện Nam Trực còn tạo điều kiện gìn giữ và phát triển nhiều nghề truyền thống như: nghề rèn thôn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang; nghề làm hoa giấy, đèn ông sao, đồ chơi Trung thu cổ truyền thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang; nghề làm kẹo lạc thôn Thượng Nông, xã Bình Minh; nghề trồng hoa, cây cảnh thôn Vị Khê, xã Điền Xá; nghề làm miến, bánh đa thôn Phượng, xã Nam Dương… Người dân các làng nghề truyền thống luôn ý thức, trách nhiệm cao trong bảo tồn, lưu giữ tinh hoa văn hóa làng nghề, xây dựng môi trường văn hóa trong lao động, sản xuất, kinh doanh, xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình, dòng họ…

Phong trào thi đua xây dựng KDC văn hóa NTM ở Nam Trực đã lan tỏa sâu, rộng trên địa bàn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; con em ở xa quê cũng tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT. Tại các KDC văn hóa NTM, các chi Hội: Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ, Người cao tuổi và chi Đoàn Thanh niên đã phát huy tích cực vai trò tập hợp hội viên, đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động cộng đồng tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải vào ngày Chủ nhật xanh. Các hoạt động văn hóa lành mạnh phát triển, thu hút người dân tham gia, góp phần phòng ngừa tránh xa tệ nạn. Trong các KDC tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn kết, bền chặt. Đến nay, toàn huyện có 223/223 thôn, xóm, TDP đạt danh hiệu văn hóa; 132 KDC (166 thôn, xóm, TDP) đạt danh hiệu “KDC văn hóa NTM”; tỷ lệ “Gia đình văn hóa” hàng năm luôn đạt trên 95%. 10/20 xã, thị trấn có khu thể thao trung tâm, trong đó 3 khu thể thao lắp đặt bộ dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời; 210/223 thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa; 132/223 thôn, xóm, tổ dân phố có sân thể thao, trong đó 70 sân thể thao lắp đặt bộ dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời. Toàn huyện có 942 CLB, đội văn hóa, nghệ thuật, TDTT, trong đó có 528 CLB văn thể của các ngành, đoàn thể; 210 đội văn nghệ, 204 CLB TDTT cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố.

Phong trào xây dựng KDC văn hóa NTM ở Nam Trực lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của huyện. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền về phát triển sự nghiệp văn hóa đến các KDC. Đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “KDC văn hóa NTM”, thực hiện tốt công tác xây dựng ĐSVH, quy chế dân chủ ở cơ sở, nếp sống văn minh, tạo không khí thi đua sôi nổi, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận xã hội trong thực hiện toàn diện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com