Hợp Hưng quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

08:03, 14/04/2023

Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Hợp Hưng (Vụ Bản) luôn quan tâm, chỉ đạo công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa; huy động các nguồn lực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.

Lễ rước kiệu trong ngày hội truyền thống làng Vàng, xã Hợp Hưng (Vụ Bản).
Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Lễ rước kiệu trong ngày hội truyền thống làng Vàng, xã Hợp Hưng (Vụ Bản). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Hàng năm, Đảng ủy, UBND xã Hợp Hưng triển khai các giải pháp hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa; trong đó đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, mô hình gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa; đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng, tập luyện thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Các thôn, xóm đã đưa các tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa vào quy ước, hương ước như: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống tệ nạn xã hội; đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài... Nhờ đó, việc thực hiện các quy ước nếp sống văn hoá của xã có chuyển biến tích cực; tình trạng tổ chức ăn uống linh đình trong các đám cưới, đám tang, mừng thọ và hiện tượng mê tín dị đoan đã giảm hẳn. Năm 2022, qua bình xét, toàn xã có 2.058/2.122 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt tỷ lệ 96,98%; cả 11 thôn (đạt 100%) được công nhận “Thôn văn hóa”; 5/5 cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn “Nếp sống văn hóa”. Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, biểu diễn văn nghệ trên địa bàn được thực hiện theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, sau khi về đích nông thôn mới nâng cao năm 2021, xã Hợp Hưng tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2024. Bằng nguồn lực xã hội hóa, năm 2022, xã đã đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng, nâng cấp các công trình, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn. Nhiều thôn triển khai lắp đặt mạng wifi miễn phí ở nơi sinh hoạt cộng đồng, tiêu biểu như các thôn: Tiên Chưởng, Nội Chế, Thị An, Đồng Lạc... Xã hiện có 2 sân bóng đá với diện tích mỗi sân 2.400m2; cả 11 thôn đều có nhà văn hóa, hội trường sinh hoạt văn hóa, khu vui chơi, các sân tập thể thao cho người dân như sân cầu lông, sân bóng chuyền và sân bóng đá mi ni với diện tích trên dưới 1.000m2. Thiết chế văn hóa được đầu tư khang trang hiện đại là điều kiện thuận lợi để xã Hợp Hưng đẩy mạnh các phong trào văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương.

Trên địa bàn xã Hợp Hưng có 10 di tích văn hóa nằm trong danh mục kiểm kê và 3 di tích lịch sử, văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng, gồm Đền Vụ Nữ (Di tích Lịch sử cấp quốc gia), Đền Chùa Vàng và Đình Nội Chế (Di tích Lịch sử cấp tỉnh). Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện khóa XXII về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, UBND xã tăng cường quản lý, phát huy giá trị văn hóa di sản, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Các thôn có di tích đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực cộng đồng cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích. Tiêu biểu là Đền Vụ Nữ được xây dựng dưới thời Hậu Lê (thế kỷ XV-XVI) và mở rộng dưới triều nhà Nguyễn (thế kỷ XIX-XX). Đây là một trong số ít những công trình tín ngưỡng cổ ở xã hiện còn bảo tồn nguyên vẹn. Theo tài liệu còn lưu tại đền thì Đền Vụ Nữ thờ nữ tướng Mai Thị Hồng giữ chức vụ Thuỷ sư, Tả tướng chỉ huy thủy quân trấn giữ vùng Sơn Nam. Bà có công xây dựng hành cung Thám Thanh và Phường Nứa ở hai quê nội, ngoại tại địa phương; khuyến khích dân chăm chỉ nông trang, lo cứu giúp người nghèo khổ. Sau khi Hai Bà Trưng lui quân về Cấm Khê và tuẫn tiết, bà Mai Thị Hồng chạy về Đông Cao và gieo mình xuống sông tự trẫm. Xác bà trôi về quê, nhân dân vớt được chôn cất vào ngày 12-2 năm 43. Để tưởng nhớ công lao của nữ tướng, nhân dân đã lập đền thờ bà. Tại đền hiện còn bảo lưu được một chiêng đồng đường kính 0,6m có giá trị nghệ thuật cao về hình dáng và hoạ tiết trang trí theo phong cách thời Nguyễn. Hàng năm, người dân tổ chức tế lễ vào ngày sinh của bà (10-10 âm lịch) và tổ chức lễ hội vào ngày kỵ của bà (12-2 âm lịch) trong 3 ngày với các hoạt động lễ tế, rước kiệu và nhiều trò chơi mô phỏng các hoạt động lúc sinh thời bà luyện quân đánh giặc như: vật, võ, đánh gậy, múa cờ, thổi cơm thi, bơi thuyền... Năm 2023, UBND xã đã tổ chức lễ kỷ niệm tròn 1980 năm ngày nữ tướng Mai Thị Hồng hóa và ngày lễ truyền thống của thôn Vụ Nữ. Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể, xã Hợp Hưng còn lưu giữ được một số loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, trong đó có hát chèo. Từ thế kỷ trước, đội chèo thôn Vụ Nữ đã nức tiếng gần xa với những làn điệu chèo mượt mà được cất lên bởi những nghệ sĩ nông dân. Câu lạc bộ Chèo của thôn đến nay có gần 30 thành viên, thường xuyên sáng tác, dàn dựng nhiều trích đoạn lấy chủ đề phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt của người dân, biểu diễn phục vụ cộng đồng trong các lễ hội Đền Vụ Nữ, Đền Chùa Vàng, Đình Nội Chế…

Việc quan tâm, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương, tạo nền tảng tinh thần quan trọng động viên toàn Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị; xây dựng quê hương phát triển, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao./.

Huyền Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com