Đại Thắng bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử

08:25, 17/03/2023

Xã Đại Thắng (Vụ Bản) là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, còn lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa truyền thống thể hiện qua các di tích đình, đền, chùa gắn với những phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xã đã triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích lịch sử tại địa phương.

Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia ở làng Thi Liệu, xã Đại Thắng (Vụ Bản). 
Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia ở làng Thi Liệu, xã Đại Thắng (Vụ Bản).

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Hiện nay, trên địa bàn xã Đại Thắng có 15 di tích đình, đền, chùa, từ đường; trong đó có 6 di tích lịch sử được Nhà nước xếp hạng. Tiêu biểu là Đền làng Thi Liệu và Đền Miễn Hoàn là 2 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia. Căn cứ các tư liệu lưu giữ, Đền làng Thi Liệu là nơi thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ. Trong kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược, ông đã chỉ huy hơn 5.000 quân phối hợp với Ngô Quyền tổ chức trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng. Sau đó, trong cuộc dẹp loạn 12 sứ quân, tướng Phạm Bạch Hổ đã liên minh với Đinh Bộ Lĩnh hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước và trở thành một trụ cột của triều đình. Khi nhà Tống ở phía Bắc xâm lược Đại Cồ Việt, tướng Phạm Bạch Hổ tuổi đã cao nhưng quyết chí xin ra trận, lo việc quân lương, được Vua Lê Đại Hành ban chức Bình Tống Độ Liệu lương quan, đóng quân ở vùng Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản). Ông mất năm 983, được dân làng Thi Liệu phụng thờ tôn làm Thành hoàng. Đền tọa lạc trong một khuôn viên rộng 1.174m2, mặt quay hướng nam, kết cấu kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm tiền đường 3 gian, cung cấm 3 gian trên nền đất. Tại đền còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu như: ngai và bài vị, khám thờ, tượng hầu, nghê thờ mang đậm phong cách nghệ thuật thời hậu Lê thế kỷ XVII-XVIII. Ngôi đền không chỉ là nơi thờ tự tri ân công đức của tướng quân Phạm Bạch Hổ mà còn là nơi lưu giữ, diễn ra những sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân. 

Theo các cụ cao niên trong làng Thi Liệu, hàng năm vào hai ngày 15 và 16-11, dân làng lại tưng bừng tổ chức lễ hội. Sau khi tiến hành các nghi lễ: mở cửa đền, dâng hương, dâng lễ cáo yết thần linh, nhân dân tổ chức lễ rước kiệu của tướng quân Phạm Bạch Hổ, kiệu Bát cống 12 giáp trong làng, lễ vật... từ đình làng về đền Thi Liệu. Theo sự tích, tướng quân Phạm Bạch Hổ sau khi mất đã hiển linh thành con chim Cuốc dẫn đường cho Vua Lý Thái Tổ sang đánh quân Chiêm Thành. Do đó, vào ngày hội, chim Cuốc là lễ vật không thể thiếu trên mâm cỗ để làng lễ thánh. Bên cạnh các nghi thức tế lễ, hội làng còn diễn ra các trò chơi dân gian như: Hát chèo, chọi gà, tổ tôm điếm, đấu vật... tạo nên không khí lễ hội tưng bừng náo nhiệt. Trải qua thời gian, một số nghi thức tổ chức trong ngày hội truyền thống ở Đền Thi Liệu đã bị mai một. Những năm qua, địa phương đã từng bước khôi phục các nghi lễ và các hoạt động văn hóa dân gian đáp ứng nhu cầu người dân. Đặc biệt là tổ chức lại thi đấu vật - môn thể thao đã gắn liền với đời sống tinh thần của dân làng từ lâu đời. Thi đấu vật trong ngày hội truyền thống, các đô vật tham gia thi đấu đều cởi trần, đóng khố và tuân theo thể thức thi đấu truyền thống, đã thu hút sự quan tâm, cổ vũ của đông đảo người dân. Ngày nay, lễ hội truyền thống Đền Thi Liệu đã quy tụ được các đoàn hội trong và ngoài xã cùng về tham dự với nhiều hoạt động văn hoá dân gian phong phú, tiêu biểu là hội múa Rồng với sự tham gia của trên 50 thành viên trong làng biểu trưng cho sức mạnh tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng dân cư. Ngoài lễ hội, đầu xuân hàng năm, tại Đền làng Thi Liệu, Đảng bộ cùng nhân dân phối hợp tổ chức mừng thọ, trao quà cho các cụ cao tuổi. 

Đền Miễn Hoàn cũng ở thôn Thi Liệu, thờ Công chúa Thái Đường - con thứ ba của Vua Trần Thái Tông và Hoàng hậu Lý Thuận Thiên. Vì nghĩa lớn, công chúa đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa ở kinh đô Thăng Long, lên miền sơn cước cùng chồng trấn giữ vùng đất trọng yếu của quốc gia. Sau đó, bà đã về làng Thi Liệu chiêu mộ dân khai hoang, lập điền trang, lập nên xóm làng trù phú, yên bình. Sau khi bà qua đời, nhân dân lập đền thờ bà trên điền trang Miễn Hoàn xưa. Vì địa thế nằm ngoài đê, cách xa làng nên Đền Miễn Hoàn xưa còn được gọi là Đền Ngoài, Đền Chính. Hiện nay, dấu tích của ngôi đền cũ không còn. Do đền Chính thờ công chúa nằm phía ngoài đê sông Đào, đường đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, nước sông dâng cao ảnh hưởng đến việc tổ chức các nghi lễ tâm linh nên sau này dân làng xây dựng thêm đền thờ bà tại xóm Thanh Ý, thôn Thi Liệu (gọi là đền Trong, đền bà Quốc Mẫu), cách đền Chính khoảng 1km, giữa khu dân cư đông đúc, giao thông thuận lợi. Theo các cụ cao niên trong làng, ngôi đền hiện nay được xây dựng vào thời Vua Bảo Đại, kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn và đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Đền có bố cục hình chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, bằng chất liệu gỗ lim. Ngoài công trình chính còn cả 2 nhà giải vũ, mỗi dãy 5 gian, mái lợp ngói nam. Trong văn bia “Miễn Hoàn bi ký” khẳng định Đền Miễn Hoàn là “ngôi đền rất linh thiêng, thờ Công chúa Thái Đường, được triều đình ban tặng sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783) và sắc phong niên hiệu Khải Định 9 (1924)”. Đền Miễn Hoàn hiện còn lưu giữ 3 đạo sắc phong, gồm 1 sắc triều Lê và 2 sắc triều Nguyễn, 1 văn bia niên đại năm 1938 nói về thân thế, sự nghiệp của Công chúa Thái Đường. Trải qua các cuộc chiến tranh và ảnh hưởng của thiên tai nên ngôi đền từng bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1989, sau trận bão lớn, ngôi đền bị đổ sập hoàn toàn. Năm 2005, chính quyền và nhân dân xã Đại Thắng phục dựng lại toà hậu cung; năm 2010, phục dựng toà tiền đường theo đúng kiến trúc cũ bằng chất liệu bê tông cốt sắt.  

Với nhận thức sâu sắc về giá trị và tầm quan trọng của các di tích lịch sử đối với sự phát triển của quê hương, thời gian tới, xã Đại Thắng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, nhất là thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn di tích lịch sử địa phương; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản như: các loại hình văn hóa, trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống gắn với lễ hội tại các di tích./.

Huyền Trang
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com