Từ đường họ Nguyễn, xã Yên Lương (Ý Yên) được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2022. Nơi đây thờ Tiến sĩ, Đại Hành khiển Nguyễn Công Huy có công giúp dân nghèo, khai hoang lập ấp, đồng thời ủng hộ tiền của xây cầu, mở chợ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương buôn bán, phát triển kinh tế, tham gia chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc.
Đại diện dòng tộc họ Nguyễn, xã Yên Lương đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh. |
Giá trị lịch sử di tích
Theo các nguồn tư liệu lịch sử, Thủy tổ, Tiến sĩ Nguyễn Công Huy quê ở xã Cổ Liêu, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng (nay là xã Yên Lương, huyện Ý Yên). Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ dưới triều Trần. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được bổ làm quan Trấn thủ Bồng Châu (nay là thôn Bồng Châu, xã Phú Cường, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), làm quan đến chức Nhập thị Á Thượng phẩm Đại Hành khiển. Trong những năm tháng làm quan trên đất Bồng Châu, Tiến sĩ Nguyễn Công Huy đã có nhiều công lao, đóng góp trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trên mảnh đất quê hương Cổ Liêu (nay là xã Yên Lương), Tiến sĩ Nguyễn Công Huy đã giúp dân nghèo, khai hoang lập ấp, đồng thời ủng hộ tiền của xây cầu, mở chợ. Ghi nhớ công ơn to lớn của Tiến sĩ Nguyễn Công Huy, sau khi ông mất nhân dân Cổ Liêu xưa đã lập đền thờ, suy tôn ông là bậc Phúc thần, con cháu dòng họ Nguyễn dựng từ đường để thờ phụng, suy tôn ông là Thủy tổ. Công danh, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của Tiến sĩ Nguyễn Công Huy được các triều đại phong kiến ghi nhận, ban tặng nhiều sắc phong. Tại từ đường, hiện lưu giữ 2 đạo sắc phong ban dưới triều vua Nguyễn, niên hiệu Khải Định 2 (1917) và niên hiệu Khải Định 9 (1924). Trong đó, đạo sắc phong niên hiệu Khải Định 9 (1924) khẳng định Tiến sĩ Nguyễn Công Huy đã có công “Hộ quốc” - đại diện cho vua cai trị các thần làng và nhân dân, tham gia chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc và “Tí dân” - phù hộ nhân dân, đem lại mưa thuận gió hoà, xã hội an ninh, không bị tai ương, thiên tai địch hoạ. Trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), từ đường họ Nguyễn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng như các đồng chí: Phan Đình Tụng (sau là quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Ninh), đồng chí Nguyễn Văn Ngạn, một trong 8 đảng viên được kết nạp đầu tiên tham gia hoạt động cách mạng tại Chi bộ xã Minh Lương (xã Yên Lương ngày nay). Những năm tháng chống Mỹ cứu nước (1954-1975), từ đường họ Nguyễn là nơi đưa tiễn, thể hiện quyết tâm lên đường tòng quân đánh giặc của các thế hệ con cháu dòng họ.
Tính từ Thủy tổ Nguyễn Công Huy đến nay, dòng họ Nguyễn đã tồn tại trên mảnh đất này trên 600 năm, truyền được khoảng 30 đời. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở địa phương, dòng họ Nguyễn có nhiều người con lên đường nhập ngũ, trong đó có 8 người đã anh dũng hy sinh tại các chiến trường; nhiều gia đình có công với cách mạng được Nhà nước tặng “Bảng gia đình vẻ vang”; nhiều cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng khen các loại.
Kiến trúc truyền thống
Từ đường họ Nguyễn, xã Yên Lương (Ý Yên). |
Từ đường họ Nguyễn được xây dựng trong khuôn viên có diện dích rộng 138m2, mặt quay hướng Tây Nam. Di tích gồm các hạng mục công trình: bình phong, sân và công trình chính. Công trình chính Từ đường có bố cục mặt bằng kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ đinh, gồm tiền đường 3 gian, trung đường 3 gian, hậu đường 1 gian. Tòa tiền đường mái lợp ngói nam, đường bờ nóc họa tiết rồng chầu mặt trời… Bộ khung tòa tiền đường được liên kết với nhau bởi 4 bộ vì bằng gỗ, thiết kế theo kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy”. Ngăn cách giữa trung đường và tiền đường là hệ thống 3 khoang cửa gỗ lim, thiết kế theo kiểu “thượng song hạ bản”. Trung đường đặt khám thờ các vị tổ kế thành của dòng họ Nguyễn. Hậu đường nối với trung đường bằng kỹ thuật giao mái bắt vần tạo thành kiến trúc chữ đinh truyền thống. Tại đây, đặt ngai và bài vị Tiến sĩ Nguyễn Công Huy. Bên cạnh kiến trúc truyền thống, di tích từ đường họ Nguyễn hiện lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: Hiện vật bằng gỗ, hiện vật bằng đồng, hiện vật bằng sứ... tiêu biểu như: 2 câu đối treo tại tòa hậu đường và 1 câu đối treo tại tòa tiền đường. Ngoài phần nội dung ghi nhận và ca ngợi công lao của Tiến sĩ Nguyễn Công Huy, dòng lạc khoản còn ghi nhận niên đại lập câu đối vào năm Đinh Sửu niên hiệu Tự Đức (1877) và năm Tân Sửu (1901). Đại tự chạm nổi 3 chữ Hán màu vàng: “Trung đẳng thần” có niên đại thời Nguyễn, thế kỷ XIX-XX. Ngai và bài vị thờ Tiến sĩ Nguyễn Công Huy được sơn son thếp vàng, có niên đại thời Nguyễn, thế kỷ XIX-XX.
Trải qua thời gian, công trình từ đường họ Nguyễn nhiều lần bị xuống cấp. Để bảo tồn những di sản văn hóa của cha ông, con cháu dòng họ và nhân dân địa phương đã đóng góp công sức, tiền của để trùng tu, tôn tạo lại ngôi từ đường. Trên thượng lương của tòa tiền đường, trung đường và hậu đường còn ghi niên đại tu sửa vào các năm: Canh Thìn, Quý Mùi niên hiệu Bảo Đại (1940, 1943), năm Canh Thìn (2000). Năm Tân Sửu (2021), con cháu dòng họ đã đóng góp tiền của, công sức để đại trùng tu từ đường, đồng thời mở rộng thêm không gian nơi thờ tự để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của con cháu dòng họ và nhân dân địa phương.
Hàng năm, tại từ đường còn diễn ra các hoạt động tâm linh tưởng nhớ Tiến sĩ Nguyễn Công Huy của con cháu dòng họ Nguyễn và nhân dân địa phương. Các nghi thức tế, lễ truyền thống trong các ngày giỗ Thủy tổ 22-8 âm lịch, Tết cổ truyền... không chỉ tri ân công đức đối với tổ tiên, mà còn giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, xây dựng ý chí trong học tập, lao động, qua đó góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh./.
Viết Dư
Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin