Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giảng dạy ở khối các trường THPT, ngành GD và ĐT thường xuyên chỉ đạo các trường THPT nghiên cứu, tổ chức đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh. Một trong số đó là đổi mới sinh hoạt chuyên môn.
Cô và trò Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) trong một giờ học Sinh học. |
Công tác sinh hoạt chuyên môn luôn nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Sở GD và ĐT, Ban giám hiệu các nhà trường THPT trên địa bàn tỉnh và có sự thống nhất cao giữa Ban giám hiệu với các tổ/nhóm chuyên môn của nhà trường. Qua đó, giáo viên có thể học hỏi kinh nghiệm nhau trong tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục môn học, trong phương pháp dạy học các môn. Các nhà trường đã đổi mới sinh hoạt theo chuyên đề với nội dung đa dạng, thiết thực như: Dạy học theo chủ đề; dạy học STEM; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; xây dựng kế hoạch giáo dục môn học, kế hoạch bài dạy; xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra; ứng dụng CNTT trong dạy học; bồi dưỡng năng lực dạy học trực tuyến cho giáo viên; trao đổi phương pháp giảng dạy bài học khó, các chuyên đề ôn thi cuối cấp, ôn thi tốt nghiệp của từng môn học; dạy học dự án.
Cùng với sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề, các trường cũng chọn sinh hoạt theo hướng nghiên cứu bài học. Đây là hình thức giúp giáo viên chia sẻ tham khảo kinh nghiệm qua việc cùng nhau xây dựng kế hoạch bài học, dự giờ, phân tích bài học... Các buổi sinh hoạt chuyên môn dưới hình thức này đã mang lại hiệu quả cao: hình thức đổi mới, bớt áp lực cho giáo viên vì có sự làm việc chung, giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, khả năng sáng tạo, học hỏi, quan tâm hơn đến học sinh tiếp thu bài như thế nào… Sau các buổi sinh hoạt chuyên môn này, giáo viên đã tạo được thói quen, nếp làm việc khoa học hơn, việc xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ được thống nhất. Nhiều trường có cách làm đổi mới, sáng tạo như tăng cường phân tích đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT của Bộ GD và ĐT, phương pháp ôn tập thi tốt nghiệp, giải pháp duy trì sĩ số ôn tập của học sinh trong các buổi ôn…
Tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) yêu cầu mỗi học kỳ, mỗi tổ/nhóm chuyên môn tổ chức ít nhất 1 lần sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; thống nhất các nội dung, chương trình cho từng đối tượng học sinh trong mỗi tuần, đánh giá, góp ý xây dựng, rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng giảng dạy bài dạy. Nhà trường chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tại chỗ, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đáp ứng việc triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Tổ trưởng chuyên môn chủ động tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách xác định mục tiêu bài học, đổi mới cách học của học sinh, đổi mới cách kiểm tra, đánh giá, kiến thức chuyên môn, nguồn học liệu, chương trình GDPT 2018... tại các nhóm chuyên môn. Mỗi nhóm chuyên môn có ít nhất 1 người tiên phong đi đầu đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá. Nhà trường chủ động phối hợp đề nghị Hội đồng chuyên môn của Sở GD và ĐT hoặc các trường THPT có đội ngũ giáo viên trình độ chuyên môn cao hỗ trợ nhằm tạo sức lan tỏa để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà trường... Còn tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh), nhà trường chỉ đạo thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn cụ thể đối với các khối lớp đang áp dụng chương trình GDPT 2006 riêng, các khối lớp thực hiện chương trình GDPT 2018 riêng. Các khối lớp đều yêu cầu có kế hoạch, sản phẩm cụ thể để báo cáo chuyên đề.
Ngoài ra, các trường cũng tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, tập trung vào những vấn đề cụ thể, cấp thiết của các nhà trường như trao đổi kinh nghiệm, công tác quản lý tổ chuyên môn; công tác ôn thi tốt nghiệp THPT; các cuộc thi như ngày hội Tiếng Anh, ngày hội STEM, KHKT; Dự giờ rút kinh nghiệm các môn học cụ thể; các hình thức, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát huy năng lực người học, giáo dục STEM; phương pháp tổ chức đổi mới kiểm tra đánh giá. 57 trường THPT trên địa bàn tỉnh chia làm 9 cụm sinh hoạt chuyên môn (Thành phố Nam Định, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Mỹ Lộc - Vụ Bản, Ý Yên). Qua sinh hoạt theo cụm trường, các trường đã triển khai hiệu quả các hoạt động chuyên môn, tổ chức thành công Hội thảo các chuyên đề, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn dựa trên phân tích hoạt động học của học sinh. Qua đó, các đơn vị giúp đỡ nhau về chuyên môn như: Dự giờ, góp ý giờ dạy, chia sẻ tài liệu phụ đạo, tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi; giúp nhau nâng cao chất lượng dạy học để không ảnh hưởng đến thành tích thi đua chung của cụm. Tùy theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng, hàng quý, Ban giám hiệu các trường trong cụm trao đổi trực tiếp với cụm trưởng hoặc ban quản lý cụm để xây dựng kế hoạch, nội dung sinh hoạt thiết thực, phù hợp với thực tế. Từ việc sinh hoạt chung, các trường nhìn ra điểm yếu của mình để khắc phục, ghi nhận điểm mạnh của trường bạn để học hỏi. Tiêu biểu như: Các trường cụm Giao Thủy, Trực Ninh, Hải Hậu đã tổ chức Hội thảo cụm thông qua việc thực hành các tiết dạy và đánh giá tiết dạy theo tinh thần đổi mới; báo cáo chuyên đề dạy học; chia sẻ kinh nghiệm đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình mới. Các đơn vị đã tổ chức chu đáo các giờ dạy; sử dụng tốt và khai thác có hiệu quả công nghệ thông tin; đã sử dụng linh hoạt các kỹ thuật dạy học đạt hiệu quả. Một số báo cáo chuyên đề dạy học có chất lượng đã được chia sẻ cho các trường. Các cụm trường Giao Thủy, Hải Hậu, Mỹ Lộc - Vụ Bản, Nam Trực, thành phố Nam Định, Ý Yên còn tổ chức Hội thi giáo viên giỏi cụm. Hội thi thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên các trường THPT trong cụm huyện đến dự, là cơ hội để giáo viên các trường học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ... Một số cụm trường còn tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 với đề thi đảm bảo đúng cấu trúc của Bộ GD và ĐT có tính phân hóa cao, chính xác, giúp các nhà trường đánh giá được trình độ của học sinh tương đối sát với kết quả thực tế để làm cơ sở tư vấn định hướng việc chọn trường cho học sinh và điều chỉnh phương pháp giảng dạy, ôn tập cho sát đối tượng học sinh của các nhà trường (cụm Trực Ninh)... sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường đã tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên mở rộng tầm nhìn, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy, học; tạo động lực cho các đơn vị phấn đấu, thi đua.
Tuy nhiên, sinh hoạt chuyên môn trong các trường THPT còn một số khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ: Một số giáo viên còn tâm lý ngại đổi mới, chưa thường xuyên sử dụng dạy học theo hướng đổi mới tích cực; Kiến thức một số môn học còn khá nặng, gây khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động để học sinh tích cực chủ động học tập; Một số học sinh nhận thức chậm hơn trong lớp chưa tích cực chủ động học tập nên việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực hiệu quả chưa cao; Học sinh mất nhiều thời gian chuẩn bị nội dung bài học theo phân công nhiệm vụ học tập nên không có thời gian đào sâu kiến thức.
Thực tiễn triển khai cho thấy việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong các trường THPT là cần thiết, góp phần đẩy mạnh phong trào dạy tốt, học tốt, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học. Sở GD và ĐT đang chỉ đạo tiếp tục duy trì và đẩy mạnh việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo không chỉ vững về chuyên môn, tâm huyết với nghề mà còn tinh thông trong nghiệp vụ quản lý. Đặc biệt, hướng tới thực hiện đổi mới ở tất cả các khối lớp để thực hiện chương trình GDPT 2018, trong những năm học tiếp theo, các nhà trường tiếp tục thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy năng lực, phẩm chất học sinh; đổi mới kiểm tra đánh giá theo yêu cầu của chương trình mới; Tăng cường phối hợp tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin