Lễ hội Khai ấn Đền Trần Nam Định được tổ chức vào dịp đầu xuân hằng năm nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều nhà Trần đã có công dựng nước khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi với hào khí Đông A sáng ngời. Nghi lễ khai ấn đền Trần được tổ chức với ý nghĩa nhân văn cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người chung hưởng lộc ấn, tích phúc vô cương.
Toàn cảnh không gian Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024. |
Đền Trần tấp nập khách du Xuân
Thong thả dạo bước ngắm kỹ từng hoa văn trang trí ở Đền Cố Trạch, ông Nguyễn Thế Ngọc, du khách đến từ tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Tôi quê gốc ở huyện Xuân Trường nhưng xa quê cũng đã lâu. Tuy nhiên, năm nào tôi cũng cố gắng đưa cả gia đình về quê ăn Tết và đi du Xuân Đền Trần. Đến thăm di tích lịch sử đặc biệt này, tôi cầu mong một năm mới bình an, may mắn cho cả gia đình. Năm nay lễ Hội Khai ấn Đền Trần trùng vào ngày nghỉ cuối tuần nên gia đình tôi ở lại dự lễ Khai ấn luôn. Tôi nhận thấy lượng du khách đến Đền du xuân đông hơn mọi năm, mọi người ai cũng hoan hỉ, tươi vui khi đến nơi linh thiêng này”.
Đoàn rước kiệu trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần. |
Gần đến ngày Khai ấn Đền Trần, hầu như ngày nào bà Nguyễn Thị Phương Thu, du khách đến từ tỉnh Bình Phước cũng đến Đền Trần vãn cảnh, thắp hương. Bà Thu cho biết: “Đã 10 năm rồi tôi mới có dịp trở lại Nam Định để cùng với gia đình đi đền Trần. Năm nay, tôi còn cho cả các cháu nội, ngoại lên đền Trần để vừa vãn cảnh, cầu sức khỏe, lộc tài vừa tìm hiểu thêm về lịch sử, cội nguồn của dân tộc, ghi nhớ công lao to lớn của Vương Triều Trần đã có công dựng nước, giữ nước với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh đánh thắng giặc Nguyên-Mông”.
Cũng đi cùng con cháu vãn cảnh Đền như bà Thu, bà Phạm Thị Nụ, phường Trần Quang Khải (thành phố Nam Định) chia sẻ: “Năm nào cả đại gia đình tôi cũng đi lễ Đền Trần vào ngày mùng 1 tháng Giêng trước khi đi chúc Tết họ hàng. Vào đêm ngày 14 rạng ngày 15, gia đình tôi tiếp tục tham gia dự lễ Khai Ấn”. Theo cảm nhận của bà Nụ, mỗi lần đi Đền Trần là lại có dịp được hòa mình vào không khí tâm linh của lễ hội. Đặc biệt, các năm gần đây nhờ làm tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội nên khách đến tham quan, đi lễ ở Đền Trần cảm thấy rất văn minh, trang nghiêm.
Các bậc cao niên phường Lộc Vượng thực hiện nghi thức tâm linh trước khi rước kiệu Ngọc Lộ. |
Không chỉ dịp Khai ấn lượng khách đổ về Khu di tích lịch sử, văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp mới đông mà ngay từ sáng mùng 1 tháng Giêng, rất đông du khách đã đến với Đền Trần. Theo ghi nhận của phóng viên, năm nay do thời tiết nắng ấm, là điều kiện lý tưởng để mọi người du Xuân, đi lễ nên ngay từ đầu năm Đền Trần đã đón hàng nghìn lượt khách thăm viếng. Đồng chí Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp cho biết: “Sau 3 năm không tổ chức do dịch bệnh COVID-19, từ năm 2023, Lễ hội Khai ấn Đền Trần đã được tổ chức trở lại. Năm ngoái, lượng khách đổ về Đền dự lễ Khai ấn đã rất đông, năm nay dự kiến còn đông hơn. Từ ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn đến nay, theo ước tính Khu di tích lịch sử, văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp đã đón khoảng gần 200 nghìn lượt khách tới thăm, đi lễ, vãn cảnh”.
Nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ đặc sắc
Rước thuyền rồng trong lễ "rước Nước, tế Cá". |
Lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu xuân là một phong tục có từ lâu đời, thể hiện lòng tri ân của nhân dân đối với các vị vua Trần bằng nghi thức mô phỏng nghi lễ triều chính - ban dấu Ấn tín. Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 20-2 đến ngày 25-2 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng). Trong đó, ngày 11 tháng Giêng (20-2) tổ chức Lễ rước kiệu Ngọc Lộ.
Tế Nam quan trong Lễ rước nước, tế cá Xuân Giáp Thìn 2024. |
Ngày 12 tháng Giêng (21-2) tổ chức Lễ rước Nước, tế Cá. Ngày 14 tháng Giêng (23-2): từ 22h15 đến 22h40 thực hiện nghi lễ dâng hương; từ 22h40 đến 23h10 tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn; từ 23h15 thực hiện nghi lễ Khai ấn.
Nước được múc từ giếng Rồng. |
Ngày 15 tháng Giêng (24-2), từ 2h00 thực hiện nghi lễ hồi Kiệu ấn; từ 5h00 tổ chức phát ấn cho người dân và du khách ở các điểm: nhà Giải Vũ tại Cung Thiên Trường, Đền Cố Trạch và nhà trưng bày tại Cung Trùng Hoa. Ngày 16 tháng Giêng (25-2) tổ chức tế, lễ Tết Thượng nguyên tại Đền Cố Trạch và làm lễ dâng Chúc văn hoàn cung…
Nước từ chóe được dâng lên ban thờ tại Đền Thiên Trường. |
Để Lễ hội Khai ấn đầu xuân năm nay thực sự trở thành “điểm đến” hấp dẫn du khách gần xa, nét mới của Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân năm nay, Ban tổ chức lễ hội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi như: biểu diễn trống hội cà rùng; chơi cờ bỏi; tổ tôm điếm; múa lân - sư - rồng; thả diều sáo; hát Chèo; hát Văn; hát Xẩm; múa rối nước; tổ chức Chương trình “Mùa Xuân thượng võ”, biểu diễn võ thuật, thi đấu vật; các chương trình nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh; trưng bày triển lãm sinh vật cảnh, giới thiệu các sản phẩm OCOP Nam Định; Triển lãm “Hành cung Thiên trường - Dấu ấn vàng son”, triển lãm “Ảnh đẹp du lịch Nam Định”...
Nghi thức (lễ) rước Nước, tế Cá mang nhiều ý nghĩa nhân văn và gắn với truyền thống xuất thân nghề sông nước, chài lưới của nhà Trần. |
Nghi thức tế cá trong Lễ rước Nước, tế Cá. |
Chúng tôi gặp bà Vũ Thị Minh, nghệ sỹ múa trống đến từ xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động (Hưng Yên) khi bà vừa cùng các thành viên trong Đoàn nghệ thuật múa trống tỉnh Hưng Yên xuống xe ô tô đến Đền Trần khoảng 15 phút. Đến với Đền Trần lần này bà Minh sẽ biểu diễn tiết mục giao lưu múa trống tại chương trình Chào Xuân Giáp Thìn 2024. Bà Minh chia sẻ, ấn tượng đầu tiên khi đến với Khu di tích lịch sử, văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp là cảnh quan ở đây rất đẹp, sạch sẽ, khang trang, công tác tổ chức lễ hội được thực hiện bài bản, quy củ. “Sang năm nếu có điều kiện, nhất định tôi sẽ rủ bạn bè về đi lễ, tham quan Đền Trần”, bà Minh phấn khởi khẳng định.
Thả cá phóng sinh tại sông Hồng. |
Cùng với việc tổ chức đa dạng các hoạt động văn hoá văn nghệ, để tạo không gian rộng rãi cho Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm nay, chính quyền thành phố cũng đã di chuyển toàn bộ các ki-ốt trưng bày, triển lãm, dịch vụ sang sân Quảng trường Đông A khu trung tâm lễ hội Trần. Từ đó, tạo không gian thông thoáng cho khu vực khuôn viên Đền Trần, đảm bảo uy nghiêm, tránh tình trạng du khách đi lễ, tham quan phải chen lấn, xô đẩy như mọi năm.
Đảm bảo an ninh trật tự và nét đẹp văn hóa Lễ hội
Đồng chí Phạm Duy Hưng, TUV, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ hội. |
Với điều kiện thời tiết thuận lợi, phần lễ chính Khai ấn Đền Trần năm nay lại diễn ra vào đúng dịp cuối tuần nên Ban tổ chức lễ hội dự báo lượng khách về dự lễ sẽ rất đông. Để Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân 2024 diễn ra trang nghiêm, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi, Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành liên quan của tỉnh phối hợp với UBND thành phố Nam Định triển khai thực hiện các công tác: an ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ… cho lễ hội.
Lãnh đạo Công an thành phố Nam Định kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy tại Lễ hội Khai ấn Đền Trần. |
Có mặt thường xuyên tại Đền Trần để kiểm tra tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông trước khi Lễ hội Khai ấn Đền Trần diễn ra, Thượng tá Nguyễn Nam Trung, Trưởng Công an Thành phố Nam Định cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh, để đảm bảo lễ hội Khai ấn Đền Trần được diễn ra an ninh, an toàn, Công an tỉnh giao Công an thành phố Nam Định phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ huy động hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các lực lượng tham gia đảm bảo ANTT chia thành 5 vòng, trong đó trực tiếp 4 vòng tại khu vực Đền Trần với gần 40 chốt bảo vệ, không để xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, mất an toàn trong lễ hội”.
Múa rồng trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần. |
Du khách tham quan triển lãm cây cảnh tại khu vực Đền Trần, phường Lộc Vượng. |
Đông đảo du khách xin chữ đầu xuân tại Đền Trần. |
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, người dân trong tỉnh nói chung luôn nâng cao ý thức gìn giữ các giá trị văn hoá, lịch sử đặc biệt của Khu di tích lịch sử, văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp. Không chỉ trong mỗi dịp du xuân và lễ hội truyền thống, Di tích lịch sử, văn hoá này luôn là điểm đến quan trọng trên hành trình để các thế hệ hôm nay hiểu hơn về hào khí Đông A, một trong những triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, con người Nam Định, lan tỏa giá trị văn hoá truyền thống, nhân văn đến với bạn bè, du khách./.
Bài: Hoa Xuân
Ảnh: Viết Dư - Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin