Qua 15 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới (từ năm 2007 đến nay), công tác bình đẳng giới ở tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn thực hiện các nội dung của Luật Bình đẳng giới, nội dung các kế hoạch của tỉnh thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và 2021-2025.
Ban nữ công Công đoàn Trường Chính trị Trường Chinh tham gia Hội thi nấu ăn Bữa cơm gia đình do Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức. |
Toàn tỉnh hiện có khoảng 1,88 triệu người, trong đó, nữ giới chiếm khoảng 51% dân số. Thực hiện Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ đã ban hành: 1 Chương trình, 2 Nghị quyết, Kế hoạch và 1 Kết luận quy định cụ thể về công tác cán bộ, trong đó nhấn mạnh công tác cán bộ nữ. UBND tỉnh đã ban hành các văn bản: Kế hoạch số 54/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch số 56/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 42/KH-UBND về thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 26/KH-UBND về thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; Kế hoạch số 38/KH-UBND về thực hiện Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Nam Định, giai đoạn 2021-2025. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, các địa phương biên tập và phát hành hơn 45 nghìn cuốn Bản tin tuyên truyền pháp luật liên quan tới bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; tổ chức tập huấn các nội dung về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cho hơn 7.000 lượt người tham dự; tổ chức các buổi “tọa đàm về giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý của tỉnh”, “Tọa đàm về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trong y tế”, “Toạ đàm về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới”, “Toạ đàm về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị”...
Thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, nhiều chính sách, biện pháp khuyến khích, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực kinh tế, các hoạt động hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, trong đó ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nữ, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Năm 2022, tỷ lệ nữ có việc làm là 51,15%; tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động có việc làm đã giảm từ 41,16% năm 2007 xuống còn 39,55% năm 2022, tương ứng với tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương tăng từ 39,05% năm 2007 lên 40,21% năm 2022. Chất lượng đội ngũ lao động nữ được nâng lên: Tỷ lệ nữ có việc làm đã qua đào tạo tăng từ 8,45% năm 2007 lên 14,93% năm 2017 và đạt 17,50% năm 2022. Đến nay, tỉnh ta là một trong những địa phương dẫn đầu toàn quốc về thực hiện công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động; trong đó, lao động nữ: Giai đoạn 2011-2020, đã thực hiện đào tạo nghề cho hơn 54 nghìn người theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, số lao động nữ dưới 45 tuổi được đào tạo nghề chiếm trên 80%. Tỷ lệ nữ ở nông thôn (có nhu cầu) được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 80% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020. Toàn tỉnh có trên 2.200 chủ doanh nghiệp là nữ, chiếm tỷ lệ 20,7% tổng số doanh nghiệp.
Sau 15 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe bà mẹ trẻ em được chú trọng, các biện pháp kỹ thuật được tăng cường, bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế ngày càng được đảm bảo. Tỷ lệ giới tính khi sinh (trẻ em trai/trẻ em gái) đã giảm từ 120/100 em năm 2011 xuống còn 113/100 năm 2022. Để đảm bảo cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế triển khai thực hiện nghiêm Pháp lệnh Dân số, Chiến lược dân số - Sức khỏe sinh sản, chấp hành quy định không thông báo giới tính thai nhi cho phụ nữ mang thai và người thân của họ và quy định không cung cấp dịch vụ loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, người lao động nữ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa cho nữ giới; vận động chị em có thai đi khám thai định kỳ và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, vận động thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình.
Cùng với thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các đơn vị tăng cường sự tham gia của nữ giới vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị và đang từng bước thực hiện quy hoạch cán bộ. Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã tham mưu, đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác cán bộ nữ; nâng tỷ lệ cán bộ nữ vào quy hoạch; tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, chủ động tham mưu trong công tác giới thiệu nguồn và quy hoạch cán bộ nữ; tổng hợp, rà soát đánh giá thực trạng cán bộ nữ cấp tỉnh. Hội LHPN tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chương trình hành động của Chính phủ về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; các chỉ đạo của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới... Tham mưu với cấp ủy các cấp trong chỉ đạo Đại hội đại biểu phụ nữ nhiệm kỳ 2021-2026 và đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Kết quả, Quốc hội khóa XV đã có 4/8 đại biểu là nữ (tỷ lệ 50%) và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, số nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 15/61 đại biểu (tỷ lệ 24,59%), nữ đại biểu HĐND cấp huyện là 90/350 đại biểu (tỷ lệ 25,71%) và nữ đại biểu HĐND cấp xã là 1.396/5.552 đại biểu (tỷ lệ 25,14%). Tỷ lệ nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chính quyền (Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND các cấp) tăng từ 4,22% năm 2007 lên 9,09% năm 2022; tỷ lệ UBND các cấp có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) tăng từ 6,25% năm 2007 lên 12,65% năm 2022; đặc biệt tỷ lệ các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ tăng từ 23,81% năm 2007 lên 42,10% năm 2022. Trong cơ quan hành chính Nhà nước, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nữ so với tổng cán bộ, công chức đã được nâng lên so với giai đoạn 2015 (từ 28,4% năm 2015 lên 39,5% năm 2022)... Nhiều cán bộ, công chức, viên chức nữ được tín nhiệm giao giữ những trọng trách quan trọng và qua thực tiễn công tác đã thể hiện được năng lực trong quản lý, điều hành ở lĩnh vực được phân công phụ trách.
Để thực thi hiệu lực, hiệu quả Luật Bình đẳng giới thời kỳ 4.0, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND về thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đề ra mục tiêu: Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững. Đến năm 2025, toàn tỉnh đạt 60% các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025. 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng và cam kết thực hiện bình đẳng giới. Để thực hiện thắng lợi hiệu quả các chỉ tiêu trên, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng và triển khai các chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác pháp chế, tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách./.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin