Tiêm phòng vụ xuân 2023 đạt kết quả thấp

07:40, 23/05/2023

Để góp phần bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tích cực triển khai công tác tiêm vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) vụ xuân 2023. Vụ xuân là thời điểm chuyển mùa, nhiều nguy cơ dịch bệnh dễ phát sinh trên đàn vật nuôi do môi trường khí hậu thuận lợi, sức đề kháng của vật nuôi giảm sau khi trải qua mùa đông rét kéo dài... Tuy nhiên, kết quả tiêm thực tế vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra; nguy cơ lây nhiễm bệnh cho gia súc, gia cầm là rất cao, không chỉ gây thiệt hại cho hộ chăn nuôi mà đe dọa cả đàn vật nuôi trên địa bàn. 

Anh Nguyễn Văn Tuấn ở xã Minh Tân (Vụ Bản) đã tự tiêm phòng cho đàn lợn theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y xã.
Anh Nguyễn Văn Tuấn ở xã Minh Tân (Vụ Bản) đã tự tiêm phòng cho đàn lợn theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y xã.

Đồng chí Trần Thị Thêu, Chủ tịch Hội Nông dân, Trưởng Thú y xã Trực Tuấn (Trực Ninh) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, quy mô đàn vật nuôi của xã giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo kế hoạch xây dựng, xã dự kiến tiêm các loại vắc-xin cho 969 con lợn, 49 con trâu, bò, 170 con dê và đàn chó, mèo…”. Để công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn GSGC đạt kết quả, UBND xã đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền trên Đài truyền thanh nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của vắc-xin phòng bệnh đối với sức khỏe vật nuôi nói riêng và cả ngành chăn nuôi của địa phương nói chung, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ và người chăn nuôi trong việc tuân thủ kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi đã đề ra; đồng thời triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường” trên toàn xã. Lịch tiêm cụ thể đến ngày, giờ, địa điểm tiêm cho từng thôn, xóm được xây dựng và niêm yết phổ biến công khai tại nhà văn hóa, thông báo trên hệ thống loa để các hộ dân biết và sắp xếp công việc phối hợp thực hiện. Riêng việc tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo được thực hiện vào thứ bảy, chủ nhật… Bằng cách tổ chức chặt chẽ, quá trình tiêm phòng cho đàn vật nuôi trên địa bàn được thực hiện hiệu quả, tiêm tập trung và tiêm róc số lượng các đối tượng trong diện phải tiêm.

Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu tiêm phòng vắc-xin dịch tả, tụ huyết trùng cho 199.900 con lợn; vắc-xin lở mồm long móng cho 30.665 con trâu, bò, dê, 29.120 con lợn nái, lợn đực giống; vắc-xin phòng bệnh dại cho 57.770 con chó, mèo và viêm da nổi cục cho 21.075 con trâu, bò. Thời gian tiêm cho đàn GSGC tại các địa phương từ ngày 15-4 đến 15-5-2023 bởi đây là thời điểm thích hợp để phòng bệnh cho 2 vụ nuôi chính trong năm. Mặc dù UBND tỉnh đã có Công văn số 121/UBND-VP3 ngày 2-3-2023 chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; Công văn số 299/UBND-VP3 ngày 8-5-2023 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại, song theo báo cáo nhanh của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố, tiến độ tiêm phòng cho đàn GSGC của các địa phương hiện đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch. Tính đến ngày 15-5-2023, toàn tỉnh tiêm vắc-xin dịch tả được 130.862 con lợn, đạt 64,8% kế hoạch; tiêm vắc-xin lở mồm long móng được 25.646 con trâu, bò, dê, đạt 80,6% kế hoạch và 14.791 con lợn nái, đực giống, đạt 62,7% kế hoạch; tiêm vắc-xin viêm da nổi cục cho trâu, bò được 15.695 con, đạt 79,9% kế hoạch; tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó được 33.968 con, đạt 70,5% kế hoạch.

Nguyên nhân khiến kết quả tiêm phòng vụ xuân đạt thấp là do một bộ phận người chăn nuôi nhận thức chưa đúng về ý nghĩa, vai trò của vắc xin cũng như trách nhiệm của người chăn nuôi đối với hoạt động sản xuất của mình và sức khỏe, môi trường cộng đồng nên không chấp hành nghiêm quy định tiêm phòng vắc-xin cho đàn GSGC. Mặt khác, lực lượng tham gia tiêm phòng của nhiều xã, thị trấn quá mỏng, một số nơi chưa kiện toàn được trưởng thôn sau khi sáp nhập, thậm chí có nơi chỉ giao cho một mình Trưởng thú y xã thực hiện nhiệm vụ tiêm phòng nên công việc quá tải. Cấp ủy Đảng, chính quyền một số xã, thị trấn chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc tổ chức công tác tiêm phòng; không bố trí kinh phí hỗ trợ lực lượng tham gia tiêm phòng; Công tác rà soát, thống kê, báo cáo tổng đàn GSGC còn nhiều bất cập, chưa chính xác làm ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch và tổ chức tiêm phòng. Bên cạnh đó, một số bệnh dịch nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn châu Phi luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan nên nhiều hộ, trang trại nuôi không muốn người từ bên ngoài, kể cả cán bộ thú y vào khu vực chuồng nuôi để phòng lây nhiễm cũng gây khó khăn cho công tác tiêm phòng của địa phương. Một nguyên nhân khác là tiền thù lao cho công tác tiêm phòng thấp nên không thể thu hút đội ngũ cán bộ thú y cơ sở trẻ tuổi, tâm huyết, trách nhiệm tham gia thực hiện công tác tiêm phòng nên rất khó hoàn thành kế hoạch được giao. Đợt tiêm phòng vụ xuân vừa qua diễn ra sau khi các thôn, xóm vừa tổ chức sáp nhập, cán bộ cơ sở có sự thay đổi, nhiều đồng chí trưởng thôn, xóm mới được bầu nên chưa nắm rõ được tình hình chăn nuôi, số lượng đàn vật nuôi của các trang trại, gia trại và hộ nuôi.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT)  thời gian tới, thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng, mưa, bão ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi và là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật phát sinh, lây lan trên diện rộng. Trước tình hình trên, ngày 11-5-2023, Sở NN và PTNT đã có Công văn số 1277/SNN-CNTY đôn đốc tiêm phòng vắc-xin vụ xuân năm 2023 và tăng cường công tác phòng, chống nắng nóng, dịch bệnh động vật. Theo đó, Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phát triển sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn diện tiêm. Chỉ đạo chính quyền cơ sở, mạng lưới thú y cấp xã, cơ quan chuyên môn cấp huyện thực hiện giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận các hộ nuôi. Khi phát hiện GSGC nuôi ốm chết bất thường hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải báo ngay cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y để phối hợp kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp xử lý dứt điểm ngay, không giấu dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com