Thúc đẩy xây dựng mã số vùng trồng nông sản hàng hoá

08:26, 24/05/2023

Cụ thể hóa nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là để phát triển sản xuất hàng hóa, đưa nông sản địa phương tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã chủ động phối hợp với các địa phương hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, đăng ký mã số vùng trồng (MSVT) - tấm “hộ chiếu” giúp nông sản có thể vươn đi các thị trường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc cấp MSVT cho nông sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra chất lượng lúa tại vùng trồng lúa chất lượng cao xã Tam Thanh (Vụ Bản).
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra chất lượng lúa tại vùng trồng lúa chất lượng cao xã Tam Thanh (Vụ Bản).

Theo Điều 64, Luật Trồng trọt quy định, MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Đồng thời, bảo đảm nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó, tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số. Đây là giải pháp quan trọng nhằm quản lý để khắc phục những “rào cản” về kiểm dịch thực vật của một số quốc gia đối với nông sản Việt Nam nói chung và tỉnh nói riêng và minh bạch nguồn gốc nông sản. Như vậy, ngoài đáp ứng yêu cầu về thị trường để nông sản được lưu thông trong các siêu thị, trung tâm thương mại nội địa và xuất khẩu theo đường chính ngạch thì MSVT còn mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho người nông dân như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất… Từ đó, cây trồng cho năng suất, chất lượng cao, đồng đều, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. 

Trên địa bàn tỉnh, việc áp dụng MSVT có nhiều thuận lợi do ngành Nông nghiệp đã từng bước tạo lập những nền tảng cần thiết cho quá trình cấp MSVT như: diện tích canh tác lớn, nhiều vùng sản xuất tập trung; nhiều mô hình sản xuất áp dụng cơ giới hóa, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ở cả lúa, rau màu, cây dược liệu và hoa, cây cảnh. Công tác sở hữu trí tuệ được tỉnh và các ngành chức năng quan tâm triển khai, các huyện, thành phố cũng chú trọng việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản địa phương... Bên cạnh đó, việc điều tra số liệu, cập nhật thông tin đều được thực hiện qua phần mềm cấp, quản lý MSVT do Bộ NN và PTNT xây dựng và cung cấp nên rất thuận lợi, chính xác. Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) đã ban hành các văn bản hướng dẫn thủ tục cấp mã số; phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các bước triển khai thực hiện; tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký; thành lập các đoàn khảo sát, kiểm tra, đánh giá, giám sát, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất trồng trọt thực hiện đăng ký MSVT… Đến nay, toàn tỉnh đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) cấp 21 MSVT nông sản tiêu thụ nội địa được phân bổ rải rác ở cả 9 huyện. Trong đó huyện nhiều nhất là Xuân Trường với 8 vùng trồng được cấp mã số.

Tuy nhiên con số này còn quá nhỏ so với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; các MSVT được cấp tập trung chủ yếu ở vùng trồng lúa mà chưa mở rộng ra các vùng trồng rau màu, dược liệu. Quy mô những vùng sản xuất vẫn nhỏ lẻ, chưa kết nối đầy đủ thông tin giữa sản xuất và thị trường, nhất là trước nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản. Điều này mới chỉ đáp ứng được việc số hóa dữ liệu vùng trồng giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước có thông tin chính xác để quản lý mà chưa khai thác được mục đích nâng cao chất lượng nông sản cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm như mục đích việc xây dựng và cấp MSVT đặt ra. Hầu hết các vùng trồng được cấp mã số đều nhằm mục tiêu hoàn thiện tiêu chí bắt buộc trong xây dựng NTM kiểu mẫu mà chưa bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của người sản xuất. Bên cạnh đó một rào cản lớn đối với việc mở rộng cấp MSVT là do tiêu chuẩn về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng để được cấp mã số cần quy mô, diện tích vùng trồng lớn (tối thiểu 10ha) trong khi các vùng sản xuất tập trung của tỉnh chưa nhiều, nhiều vùng sản xuất rau, củ, quả, dược liệu của cá nhân chưa đáp ứng được. Một số quy định đối với vùng trồng để được cấp mã số như việc tuân thủ các quy định sản xuất an toàn, đặc biệt là phải ghi nhật ký sản xuất đều đặn cũng khó thực hiện được bởi người dân không quen. Hơn nữa đây là lĩnh vực mới, số đông người dân chưa hiểu hết lợi ích đa dạng của việc cấp MSVT nên còn thờ ơ với việc đăng ký cũng như thực hiện những quy định bắt buộc để nâng cao chất lượng nông sản. 

Xác định cấp MSVT là một trong những giải pháp quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp số hoàn chỉnh, trước mắt là đưa hàng hóa nông sản của tỉnh tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại nội địa và vươn xa ra thị trường thế giới, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn các địa phương, đơn vị rà soát, quy hoạch những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, ổn định đối với những loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất xây dựng các “cánh đồng lớn”, áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao... Tổ chức các lớp tập huấn thực hành MSVT nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong việc xây dựng và thực hiện các quy định MSVT. Đặc biệt, việc cấp MSVT giúp xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành và chuyên ngành trồng trọt, qua đó, từng bước phát triển đồng bộ nền tảng hạ tầng số, chính quyền số nông nghiệp, kinh tế số nông nghiệp và nông dân, nông thôn số; Sở NN và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng, quản lý MSVT và cơ sở đóng gói nông sản trên địa bàn tỉnh và có xây dựng cơ chế hỗ trợ các vùng trồng cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt; hỗ trợ thiết lập MSVT, cung cấp nền tảng cấp và quản lý MSVT trực tuyến; ghi chép nhật ký điện tử; khai thác cơ sở dữ liệu vùng trồng; truy xuất nguồn gốc nông sản... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đăng ký và quản lý MSVT./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com