Vấn đề quan trọng của thể thao Việt Nam vẫn là làm sao có nguồn lực đầu tư đầy đủ nhất và dĩ nhiên lĩnh vực này không thể chỉ chờ ngân sách Nhà nước mà phải tìm sự đồng hành từ xã hội hóa.
Thể thao Việt Nam luôn tìm kiếm những nguồn lực đầy đủ để thực hiện hiệu quả công tác đầu tư, phát triển chuyên môn. |
Ngành thể thao đã đề ra các giai đoạn thực hiện trong công tác đào tạo huấn luyện và tranh thành tích cao. Theo đó, giai đoạn 1 từ năm 2024 tới năm 2026 mà ở đây sẽ xây dựng kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo, chuẩn bị lực lượng cho đấu trường Olympic năm 2024, SEA Games 2025 và ASIAD năm 2026; đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật cùng trang thiết bị, dụng cụ... Kinh phí ở giai đoạn này khoảng từ 800 tới 850 tỷ đồng/năm.
Giai đoạn 2 từ năm 2027 tới năm 2030 tập trung cho khai thác các nhiệm vụ là tiếp tục triển khai kế hoạch tập huấn thi đấu trong nước, quốc tế. Chuẩn bị lực lượng dự các đấu trường Olympic năm 2028, ASIAD năm 2030 và SEA Games năm 2027, năm 2029. Kinh phí giai đoạn này khoảng từ 850 tới 900 tỷ đồng/năm.
Cục Thể dục Thể thao (TDTT) đưa ra nguồn kinh phí triển khai thực hiện chương trình được huy động các nguồn gồm ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa (tài trợ, huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước). Theo đó, ngân sách Nhà nước gồm ngân sách Trung ương hỗ trợ hoặc đảm bảo thực hiện chương trình, dự án được phê duyệt theo quy định thực hiện Đề án; Ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển TDTT của địa phương. Cùng với đó, nguồn lực xã hội hóa cũng được tập trung tìm kiếm.
Thể thao Việt Nam đã trở lại guồng làm việc sau Tết Nguyên đán 2024. Nhà quản lý các đơn vị chuyên môn của Cục TDTT đã bày tỏ, việc tập trung tập huấn, thi đấu đối với các đội tuyển thể thao, huấn luyện viên, vận động viên trọng điểm của thể thao Việt Nam cho nhiệm vụ thi đấu vòng loại Olympic là trước mắt thế nhưng, để cần một sự bền vững dài hơi luôn cần các bài toán đầu tư dài hạn. Năm 2024 là thời điểm bắt đầu thực hiện giai đoạn về công tác đào tạo huấn luyện như mục tiêu đề ra.
Tại Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới, một nội dung được đưa ra rất cụ thể là: “Tăng cường các nguồn lực cho sự nghiệp TDTT. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới thiết chế, cơ sở thể thao đồng bộ, từng bước hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ưu tiên đầu tư một số cơ sở trọng điểm về đào tạo, huấn luyện chất lượng cao; hiện đại hoá các trung tâm huấn luyện, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, cơ sở nghiên cứu khoa học và y học thể thao. Phát triển thị trường thể thao, thúc đẩy hợp tác công - tư, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và cung cấp các dịch vụ TDTT”. Cục trưởng Cục TDTT - ông Đặng Hà Việt đã cho biết, vấn đề tìm và tăng cường các nguồn lực dành cho thể thao là điều quan trọng, cần thiết bởi khi có nguồn lực đầy đủ thì các chương trình trong nhiều kế hoạch, đề án đầu tư phát triển được thực hiện triệt để nhất.
Theo số liệu về quyết toán chi ngân sách năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì việc chi cho sự nghiệp TDTT là hơn 1.242 tỷ đồng (trong đó kinh phí nhiệm vụ thường xuyên là hơn 82,3 tỷ đồng; kinh phí nhiệm vụ không thường xuyên là hơn 1.160 tỷ đồng). Năm 2023, dự toán chi cho sự nghiệp TDTT của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hơn 893 tỷ đồng./.
Theo SGGP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin