Bật mí về cách dùng thuốc an toàn khi du Xuân

08:41, 13/02/2024

Dùng thuốc là việc ai cũng phải trải qua, thậm chí cả trong những ngày lễ Tết, du Xuân… đặc biệt là đối với những người mắc bệnh mạn tính. Vậy dùng thuốc sao cho an toàn, tránh hoặc khắc phục được các tác dụng phụ (bất lợi) của thuốc có thể xảy ra…

Tác dụng phụ là một triệu chứng không mong muốn do điều trị y tế gây ra. Tất cả các loại thuốc đều có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và thuốc bổ sung (bao gồm chế phẩm thảo dược, vitamin...).

Mặc dù hầu hết các tác dụng phụ đều có thể kiểm soát được nhưng một số tác dụng phụ có thể rất nghiêm trọng và thậm chí có thể gây tử vong. Ðiều quan trọng, người dùng thuốc cần lắng nghe cơ thể, phát hiện ra những bất thường để có những ứng phó thích hợp, kịp thời... mục đích giúp cho việc dùng thuốc an toàn và mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho người bệnh.

Sử dụng hộp đựng thuốc giúp hỗ trợ người bệnh mạn tính uống thuốc đều đặn.
Sử dụng hộp đựng thuốc giúp hỗ trợ người bệnh mạn tính uống thuốc đều đặn.

Nhận biết tác dụng phụ của thuốc

Thuốc kê đơn có thể gây tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng. Các bất lợi phổ biến như rối loạn tiêu hóa, đau đầu, phản ứng dị ứng, phát ban da, đau cơ…

Nhiều loại thuốc theo toa gây ra các vấn đề về dạ dày như buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón vì chúng đi qua hệ thống tiêu hóa. Các loại khác như thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn cơ hoặc thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường... có thể gây chóng mặt. Một số có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ, chán nản hoặc cáu kỉnh. Một số có thể gây tăng cân, hoặc làm gián đoạn giấc ngủ hoặc giảm khả năng (hoặc ham muốn) tình dục…

Thuốc bổ sung cũng có thể tương tác với thuốc kê đơn. Các hoạt chất trong các loại thuốc này có thể tương tác, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ của một thuốc hoặc cả hai. Một số sự kết hợp có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe bao gồm: Echinacea có thể tương tác với các loại thuốc được gan phân hủy. Nhiều loại thuốc bổ sung (bao gồm thuốc hạ sốt, bạch quả và hoa cúc) có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở những người dùng thuốc chống đông máu (chẳng hạn như warfarin) và thuốc chống viêm (chẳng hạn như aspirin)…

Ðặc biệt với những ngày Tết hoặc lễ hội, việc uống rượu khó tránh khỏi. Tuy nhiên, rượu lại gây bất lợi với nhiều loại thuốc. Rượu dùng chung với thuốc có thể gây tác dụng phụ và tăng độc tính của thuốc. Ví dụ, rượu có thể gây buồn ngủ hoặc chóng mặt khi dùng chung với (một số) thuốc kháng histamine (trị dị ứng, hoặc có trong thuốc say tàu xe), thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ hoặc thuốc điều trị rối loạn lo âu. Rượu có thể ảnh hưởng đến thuốc điều trị tăng huyết áp và say xe… Khi rượu được trộn với các loại thuốc kê đơn mạnh như thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, có thể làm tăng nguy cơ quá liều, có thể làm chậm nhịp thở, dẫn đến buồn ngủ và mất ý thức.

Một số loại kháng sinh tương tác tiêu cực với rượu và một số có thể gây phản ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng có thể bao gồm đau bụng, đỏ bừng da, nhịp tim nhanh hoặc không đều, buồn ngủ hoặc chóng mặt.

Hãy nhớ rằng rượu có thể tồn tại trong cơ thể vài giờ sau lần uống cuối cùng, vì vậy điều quan trọng cần lưu ý là các tương tác có thể xảy ra rất lâu sau khi bạn ngừng uống rượu. Trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế khác để được tư vấn về thuốc và việc uống rượu của bạn.

Nguyên nhân gây tác dụng phụ của thuốc

Một số nguyên nhân gây ra tác dụng phụ của thuốc bao gồm:

Dùng quá liều lượng (dùng nhiều hơn liều khuyến cáo của bác sĩ hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất).

Dị ứng với một trong các thành phần của thuốc.

Dùng thuốc không đúng cách (ví dụ, không dùng thuốc đúng thời điểm, uống không đủ nước... ).

Tương tác bất lợi của thuốc (hoạt chất trong thuốc có thể "xung đột" bất lợi với nhau. Vì vậy, dùng nhiều loại thuốc cùng lúc cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ).

Tương tác thuốc với thực phẩm...

Ngoài ra, một số tình trạng khiến tác dụng phụ của thuốc dễ xảy ra hơn như: Uống rượu, đang mang thai (hoặc dự định có thai), người đang cho con bú, trẻ em, người cao tuổi, người đã được biết là bị dị ứng với các loại thuốc cụ thể, người có vấn đề ở dạ dày, gan, thận, bệnh tim và mạch máu…

Làm thế nào để giảm nguy cơ bất lợi do thuốc gây ra? 

Ðể giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ, người bệnh cần dùng tất cả các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ; không dùng thuốc theo mách bảo, không dùng theo đơn thuốc cũ hoặc dùng đơn thuốc của người khác có triệu chứng giống (hoặc na ná) triệu chứng của mình.

Người dùng cần đọc kỹ tờ thông tin thuốc đi kèm sản phẩm (phần này cung cấp thông tin chi tiết về thuốc đơn giản, dễ hiểu, bao gồm cách sử dụng, tác dụng phụ và biện pháp phòng ngừa); trao đổi với dược sĩ nếu bạn mua thuốc không kê đơn hoặc thuốc bổ sung để được tư vấn về tác dụng phụ và tương tác với các loại thuốc khác mà bạn đang dùng. Hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc bạn dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và thuốc bổ sung... để tránh tương tác bất lợi thuốc có thể xảy ra.

Những điều khác bạn có thể làm để giảm nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc bao gồm: Trao đổi với bác sĩ về việc cải thiện lối sống có thể làm giảm nhu cầu dùng thuốc hoặc giảm liều lượng thuốc hay không. Một số tình trạng (trong đó có các bệnh mạn tính), có thể được kiểm soát tốt hơn bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên...; không dùng thuốc đã hết hạn sử dụng và khi dùng nhiều loại thuốc trong ngày, cần chú ý tới thời điểm dùng của các loại thuốc.

Lời khuyên an toàn để thích nghi với loại thuốc mới

Ðể cơ thể làm quen với thuốc: Khi mới dùng thuốc, cơ thể cần thời gian để thích nghi với loại thuốc mới. Hầu hết mọi người không gặp phải tác dụng phụ, nhưng một số người dùng có thể gặp bất lợi và thường giảm dần và hết sau một thời gian dùng thuốc (nhất là đối với các bệnh mạn tính).

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng dai dẳng nào không hết, hoặc nặng hơn... cần thông báo cho bác sĩ biết, trước khi ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh tìm ra cách giải quyết những lo lắng này, ví dụ có thể thay đổi liều lượng hoặc chuyển sang một loại thuốc khác thích hợp hơn (khi cần thiết).

Lưu ý về sức khỏe tinh thần đối với người mắc bệnh mạn tính: Khi được chẩn đoán hoặc có biến cố đối với các bệnh mạn tính, ví dụ như về tim có thể gây ra nhiều lo lắng và căng thẳng, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc. Việc có những ngày suy sụp là điều hoàn toàn bình thường, nhưng hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia nếu bạn thường xuyên cảm thấy như vậy.

Ngoài ra, một số loại thuốc có thể gây khó ngủ. Nếu người bệnh đang cảm thấy lo lắng hoặc trầm cảm, chứng mất ngủ có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy trao đổi với bác sĩ để được ứng phó thích hợp.

Tạo thói quen dùng thuốc: Ðối với những người mắc bệnh mạn tính, việc dùng thuốc thường dài ngày, thậm chí cần dùng thuốc trong suốt cuộc đời như đái tháo đường, tăng huyết áp... Việc dùng thuốc hàng ngày cũng giống như cơm ăn nước uống, người bệnh cần tạo thói quen uống thuốc đều đặn, thường xuyên vào lịch sinh hoạt hàng ngày. Trong thời gian đầu, có thể đặt chuông báo nhắc uống thuốc trên điện thoại, sử dụng hộp đựng thuốc...

Lên kế hoạch đi chơi xa: Nếu bạn sắp đi xa, hãy lên kế hoạch trước và mang theo thêm một cơ số thuốc để đề phòng. Nếu bạn đi máy bay, hãy giữ một cơ số thuốc trong hành lý xách tay, đề phòng trường hợp hành lý ký gửi của bạn bị thất lạc. Nếu bạn đang đi đến một múi giờ khác, hãy cố gắng uống thuốc cùng lúc với thời gian ở nhà, vì việc thay đổi thời gian dùng thuốc có thể gây ra vấn đề./.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com