Biểu hiện thường gặp của dị ứng mùa xuân

08:26, 11/02/2024

Cứ vào mùa xuân là nhiều người gặp phải các triệu chứng dị ứng như mắt đỏ, nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa da, mẩn đỏ... điều này gây ra bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

Mùa xuân dị ứng với phấn hoa

Vào mùa xuân nhiều người thường thích dạo chơi, cắm trại trong rừng hoặc ghé thăm những vườn hoa, cây cảnh, đây cũng là dịp phấn hoa lan tràn trong không khí, khi mũi hít phải phấn hoa sẽ gây nên tình trạng hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mắt, viêm mũi dị ứng.... Ngoài chứng sổ mũi theo mùa đã được biết đến, còn có viêm mũi dị ứng với nhiều dạng không theo mùa.

Nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa da, mẩn đỏ... là một trong những triệu chứng của dị ứng mùa xuân. Ảnh minh hoạ.
Nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa da, mẩn đỏ... là một trong những triệu chứng của dị ứng mùa xuân. 

Phấn hoa thường có màu vàng, đôi khi có màu tím hoặc các màu sắc khác. Các hạt phấn dính liền với nhau thành khối phấn như hoa lan, hoa có mùi thơm... Xung quanh hạt phấn hoa có hai lớp màng, với lớp màng ngoài được cutin hóa, rắn, không thấm nước, tua tủa những cái như gai, mào... Từng khoảng có những chỗ trống, đó là lỗ nẩy mầm; lớp màng trong bằng cellulose dày lên ở phía trước các lỗ nẩy mầm này. Kích thước của các hạt phấn hoa thay đổi tùy theo từng loại cây cỏ, trung bình từ 0,01 đến 0,025 mm.

Thực tế phấn hoa gây bệnh dị ứng cho người có kích thước rất nhỏ, thường dưới 0,05 mm; lượng phấn hoa lớn có liên quan đến các loại cây cỏ được trồng nhiều tại địa phương và thụ phấn nhờ gió có thể gây dị ứng.

Khi cơ thể bị mẫn cảm do hít phải phấn hoa, mùi lạ, do tiếp xúc, thuốc uống qua đường tiêu hóa, thực phẩm... thì nối tĩnh điện giữa histamin trong cơ thể bị phá vỡ, histamin được phóng thích tự do sẽ gây nên hiện tượng dị ứng. Cuộc sống càng phát triển văn minh thì hiện tượng dị ứng xảy ra càng nhiều.

Biểu hiện thường gặp của dị ứng mùa xuân

Khi histamin được phóng thích tự do trong cơ thể, hiện tượng dị ứng sẽ xảy ra và được biểu hiện dưới các hình thức:

  • Mẩn ngứa, nổi mề đay.

  • Sổ mũi, mắt ngứa, đỏ.

  • Nôn mửa.

  • Tụt huyết áp do mao mạch bị giãn nở.

  • Hen suyễn, khó thở do khí phế quản bị co thắt.

  • Kích thích cơ trơn đường tiêu hóa gây co thắt.

  • Trường hợp dị ứng nặng có thể dẫn đến tử vong.

Tình trạng dị ứng có thể xảy ra tức thì hoặc xảy ra muộn. Dị ứng tức thì có đặc điểm là thời gian xuất hiện phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân rất nhanh, từ vài ba phút, thậm chí ngắn hơn trong vài ba giây, có thể đến 1 - 2 giờ, muộn nhất là 3 - 4 giờ kể từ thời điểm tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh.

Dị ứng muộn có đặc điểm là thời gian xuất hiện phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân sớm nhất sau 5 - 6 giờ, trung bình sau 24 - 48 - 72 giờ, đôi khi xảy ra nhiều ngày sau đó kể từ khi tiếp xúc với kháng nguyên gây bệnh.

Vì vậy, dị ứng do phấn hoa là một loại dị ứng do dị nguyên ngoại sinh không nhiễm trùng giống như các loại bụi nhà, bụi đường phố, bụi thư viện, biểu bì, vảy da, lông súc vật, thực phẩm, thuốc, hóa chất... thường xảy ra khá phổ biến trong cộng đồng. Việc phòng bệnh, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và cấp cứu kịp thời những trường hợp dị ứng nặng là yêu cầu cần thiết của các cơ sở y tế.

Phòng ngừa dị ứng thế nào?

Nguyên tắc đầu tiên để phòng ngừa dị ứng là tránh tiếp xúc với nguyên nhân gây ra dị ứng. Người có cơ địa dị ứng là người có nối kết héparin - histamin kém bền chặt, nên dễ phóng thích histamin, chính các dị ứng nguyên sẽ thúc đẩy hiện tượng phóng thích histamin trong cơ thể.

Mùa xuân đến, những người dễ bị dị ứng với bụi phấn hoa nên gội đầu thường xuyên để làm sạch phấn hoa bám trên tóc hoặc rơi trên gối, áo quần, đồng thời hạn chế đến các vườn hoa là nơi dễ phát tán nhiều bụi phấn, bào tử.

Với thực phẩm cũng như dược phẩm, cần tránh sử dụng các thức ăn hoặc thuốc đã từng gây dị ứng. Để phòng ngừa dị ứng mùa xuân thì nên tránh dị ứng nguyên và uống thuốc kháng dị ứng thêm.

Nguyên nhân gây dị ứng thường gặp:

Dị ứng nguyên từ bên ngoài bao gồm thời tiết, khí hậu, gió mang phấn hoa, bào tử lạ, nấm mốc từ nơi khác đến...

Dị ứng nguyên trong gia đình do có sự xâm nhập của các bụi bẩn trong không khí như bụi công nghiệp ở các nhà máy sản xuất, bụi phấn viết bảng, bụi phấn hoa bay vào nhà, khói thuốc lá... Cuộc sống càng văn minh, hiện đại thì càng có nhiều tác nhân gây dị ứng. Nhằm tìm ra nguyên nhân gây dị ứng, người ta phải nhờ đến sinh học phân tử để xác định.

Mùi hoặc tiếp xúc với lông gia súc, ẩm mốc, bụi bặm... cũng là những nguyên nhân gây dị ứng.

Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân gây dị ứng khác như:

- Thực phẩm: Nhiều yếu tố gây gia tăng dị ứng ở thực phẩm: Từ việc thay đổi cấu trúc các vi khuẩn hữu ích cho sự lên men ở đường ruột, tác động của thuốc đến việc sử dụng các protein lạ như là chất tá dược trong đồ ăn đóng gói.

- Thuốc trị bệnh: Tình trạng dị ứng thuốc xảy ra khá nhiều, từ nhẹ (như mẩn đỏ, ngứa) đến nặng, có thể dẫn đến tử vong (sốc phản vệ). Suyễn và dị ứng - mối quan hệ với nhau./.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com