Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý về cơ xương khớp ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là các bệnh lý thoái hóa. Bên cạnh nguyên nhân do tuổi tác thì đa phần là do những thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng xấu đến hệ cơ xương khớp.
Những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng xấu đến hệ cơ xương khớp. |
Bệnh lý xương khớp ngày càng trẻ hóa
Theo báo cáo, trên thế giới có khoảng 1,71 tỷ người mắc bệnh cơ xương khớp và trên 200 triệu người bị loãng xương. Ở nước ta tỷ lệ người mắc bệnh cơ xương khớp rất cao và đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
Số liệu thống kê của Hội Cơ Xương khớp Việt Nam cho thấy, tỷ lệ thoái hóa khớp ở người trên 35 tuổi là khoảng 30%, người trên 65 tuổi khoảng 60% và 85% người trên 80 tuổi bị thoái hóa khớp.
Các chuyên gia cho rằng ước tính, có hiện khoảng 3,6 triệu người Việt Nam đang bị loãng xương. Theo dự báo, đến năm 2030 sẽ có khoảng hơn 4,5 triệu người bị loãng xương, trong đó nữ giới chiếm 70 - 80%.
Theo ghi nhận thực tế cho thấy, bệnh lý xương khớp trẻ hóa do nhiều yếu tố trong đó đa phần nguyên nhân khiến bệnh lý phát sinh bởi những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày làm ảnh hưởng xấu đến hệ cơ xương khớp.
Dưới đây là những thói quen sinh hoạt hàng ngày rất nhiều người mắc phải có tác động xấu, làm giảm tuổi thọ của xương khớp. Điều này làm đẩy nhanh tiến trình thoái hóa xương khớp của chúng ta.
- Thói quen sử dụng thức ăn nhanh và uống nước ngọt có ga, rượu bia
Do tính chất công việc, sự tiện lợi của các thức ăn nhanh, nước uống công nghiệp… nên không chỉ trẻ em, người lớn đều thường xuyên dùng hàng ngày. Thậm chí ăn đồ ăn nhanh đang là một xu hướng được nhiều người ưa chuộng nhưng đồ ăn nhanh không chỉ mất cân đối về dinh dưỡng mà còn có thể có một số chất độc hại sinh ra trong quá trình chế biến ảnh hưởng tới sức khỏe.
Thực phẩm công nghiệp như thịt nguội, xúc xích, thịt xông khói, lạp sườn, gà rán… đều có chứa hàm lượng muối cao và chất bảo quản. Ngoài ra, chứa nhiều calori và cholesterol nên khả năng gây béo phì cho những ai có xu hướng dùng thường xuyên.
Trong khi chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn để khả năng hoạt động của hệ xương khớp. Nếu chế độ ăn quá nhiều các chất đường và chất béo sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì, làm cho hệ xương khớp ảnh hưởng và tăng nguy cơ bị các bệnh xương khớp.
Ngược lại, nếu chế độ ăn uống kém sẽ dẫn đến thiếu chất khiến cơ thể không đủ dinh dưỡng để nuôi dưỡng xương khớp.
Vì vậy, ngày nay, tỷ lệ mắc bệnh chuyển hóa ngày càng nhiều và gặp ở lứa tuổi ngày càng trẻ dần. Bệnh bao gồm rối loạn lipid máu, đái tháo đường, bệnh gout... Bệnh gout ảnh hưởng đến khớp nhiều nhất trong nhóm bệnh này, thường gặp ở những người hay ăn nhậu, uống nhiều bia rượu và ăn nhiều hải sản, nội tạng động vật...
Ngoài ra, nhiều người có thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá, uống cà phê, nước ngọt có ga hàng ngày cũng làm giảm lượng canxi và khả năng hấp thụ canxi gây ra bệnh loãng xương từ rất sớm.
Do đó, các khuyến cáo cho rằng cần có chế độ ăn cân đối, lành mạnh, mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm chất bột, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng) để bảo vệ sức khỏe xương khớp. Cần tăng cường ăn nhiều rau xanh lá đậm, trái cây tươi, ngũ cốc, hải sản… vừa tốt cho sức khỏe vừa bảo vệ hệ xương khớp vững chắc.
- Thói quen ngại vận động, luyện tập thể thao, lạm dụng điện thoại thông minh
Ngày nay, với nhịp sống hiện đại nhiều người kể cả trẻ em có thói quen sử dụng smartphone làm công cụ vui chơi, giải trí. Nên đa phần mọi người hứng thú với việc giải trí trên điện thoại hơn là việc ra ngoài vận động.
Việc sử dụng thường xuyên với smartphone sẽ dẫn đến lười vận động thể chất, lười tham gia vào các hoạt động thể thao và là một trong những thói quen xấu gây hại cho xương khớp. Trẻ nhỏ tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ từ lúc nhỏ dần tạo nên thói quen xấu lười vận động và tránh xa các hoạt động thể chất ngoài trời.
Theo một số nghiên cứu khoa học nhận thấy nước ta là một trong 10 nước có tỷ lệ người lười vận động nhất trên thế giới. Thói quen lười vận động sẽ dẫn đến hàng loạt các bệnh nguy hiểm như: tim mạch, tiểu đường, béo phì, đặc biệt là các bệnh về xương khớp như: viêm khớp, thoái hóa khớp, đau vai gáy, đau cột sống…
Vì vậy, các khuyến cáo cho thấy, thay vì ngồi một chỗ, mỗi ngày chúng ta chỉ cần dành khoảng 30 phút thực hiện những bài tập thể dục đơn giản, không chỉ rất hữu ích cho hệ xương khớp mà còn tăng cường sức khỏe.
Không chỉ trẻ nhỏ mà chính cả cha mẹ cùng luyện tập với con và là người hình thành thói quen cho trẻ. Cha mẹ hãy cùng con đi bộ, đạp xe, bơi lội,... hoặc lựa chọn môn thể thao yêu thích như: đá bóng, cầu lông, khí công dưỡng sinh, yoga… mỗi ngày sẽ giúp ích cho sức khỏe và hệ xương khớp.
- Các thói quen xấu khác ảnh hưởng không tốt đến hệ xương khớp
Các thói quen xấu như: Nữ giới đi giày cao gót thường xuyên, ngồi không đúng tư thế, ngồi lâu, ngồi xổm, chéo chân hay bó chân, bẻ tay, vặn cổ quá mức, lạm dụng thuốc điều trị… đều ảnh hưởng không tốt đến hệ xương khớp.
Thực tế cho thấy, nhiều nữ giới đi giày, dép cao gót hàng ngày để tạo dáng đẹp nhưng sẽ khiến các cơ của cột sống thắt lưng và bắp chân cũng như gân gót lâm vào tình trạng căng giãn quá mức gây hệ lụy đau và mỏi. Khi đó, các nhóm cơ làm việc quá tải sẽ yếu và tổn hại đến hệ khớp.
Tương tự, nhiều người có thói quen bẻ khớp ngón tay, vặn cổ, lưng quá mức khiến các khớp hoạt động nhanh đột ngột sẽ có hại cho khớp. Khiến các khớp ngày càng to lên và có thể gây ra nhưng tổn thương làm sụn khớp nhanh bào mòn và đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Nhiều người có thói quen ngồi xổm, ngồi chéo chân hay bó chân cũng tạo áp lực rất lớn lên hệ xương khớp gây thoái hóa khớp. Vì khớp gối gồm khớp chè đùi và khớp đùi chày, chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Khi gối co, áp lực do cơ ở phần đùi và gân bánh chè sẽ ép xương bánh chè trượt trên xương đùi.
Do vậy chúng ta cần tránh thói quen ngồi xổm, hạn chế tối đa ngồi chéo chân hay bó chân để bảo về xương khớp gối./.
Theo suckhoedoisong.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin