Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres vừa cho biết, mỗi năm có tới hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới và hơn 30% lượng nhựa trong số này chỉ được sử dụng một lần. Mỗi ngày có hơn 2.000 xe rác chở đầy nhựa đổ ra biển, sông và hồ. Những hậu quả của ô nhiễm rác thải nhựa đối với đời sống con người “thực sự thảm khốc”.
Trong thông điệp nhân Ngày Môi trường Thế giới (5-6), với chủ đề “Đánh bại ô nhiễm nhựa”, Tổng Thư ký Guterres khẳng định việc thế giới bắt đầu đàm phán một thỏa thuận đa phương có tính ràng buộc về mặt pháp lý để chấm dứt ô nhiễm nhựa là một bước đầu tiên đầy triển vọng, song cũng cần tất cả các nước chung tay hành động. Một báo cáo mới của Chương trình Môi trường LHQ cũng cho thấy thế giới có thể giảm 80% tình trạng ô nhiễm nhựa vào năm 2040 nếu hành động ngay bây giờ, khi tái sử dụng, tái chế, định hướng lại và đa dạng hóa để loại bỏ nhựa.
Sản lượng gạo của Thái Lan có nguy cơ sụt giảm do El Nino
Theo một dự báo do Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (KRC) đưa ra mới đây, do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino, sản lượng lúa gạo của Thái Lan trong vụ canh tác chính năm 2023 có thể bị sụt giảm khoảng 6%, chỉ đạt 25,1 tới 25,6 triệu tấn.
KRC dự đoán, trong năm 2023, cùng với 7,6 triệu tấn trong mùa vụ thứ hai, tổng sản lượng gạo của Thái Lan sẽ ở vào khoảng từ 32,7 tới 33,2 triệu tấn, vừa đủ cho lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tăng hơn một chút so với năm ngoái. Cơ quan này cảnh báo rằng sản lượng gạo sẽ có thể còn giảm hơn nữa nếu hạn hán kéo dài và gây ra nhiều thiệt hại cho mùa thu hoạch. KRC cũng bày tỏ lo ngại, nếu hiện tượng El Nino kéo dài hơn nữa trong năm nay có thể khiến mực nước ở nhiều hồ chứa giảm mạnh, từ đó gây ảnh hưởng tới cả hai vụ canh tác trong năm tới. KRC kêu gọi các cơ quan liên quan nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch quản lý nguồn nước để bảo đảm có đủ nước tưới cho cây trồng và các mục đích khác.
NATO thúc đẩy tiến trình kết nạp Thụy Điển
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg vừa cho biết, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Phần Lan sẽ nhóm họp vào cuối tháng này - dự kiến bắt đầu từ ngày 12-6, nhằm tìm cách giải quyết những vấn đề vấp phải phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary khiến tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển bị trì hoãn. Theo kế hoạch, các bộ trưởng quốc phòng NATO cũng sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 15 đến 16-6 tới. Ông Stoltenberg nhấn mạnh điều quan trọng là tận dụng thời gian còn lại trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO tại Thủ đô Vilnius của Litva vào tháng 7 tới để đạt được một thỏa thuận về việc Thụy Điển gia nhập NATO.
Thụy Điển cùng với Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO năm ngoái, chấm dứt chính sách không liên kết quân sự kéo dài nhiều thập kỷ. Để chính thức trở thành thành viên của NATO, đơn xin gia nhập phải được toàn bộ các nước thành viên liên minh phê chuẩn. Ngày 4-4 vừa qua, Phần Lan đã chính thức gia nhập NATO, trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này. Tuy nhiên, hiện Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa ủng hộ Thụy Điển gia nhập liên minh. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Thụy Điển chứa chấp thành viên của các nhóm mà Ankara coi là khủng bố./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin