Quyết liệt xử lý tình trạng săn bắt chim hoang dã - Bài 1: Gia tăng hình thức săn, bắt trái phép chim hoang dã

19:08, 17/03/2024

Những năm gần đây, nhiều loài chim hoang dã di cư về địa bàn tỉnh để kiếm ăn tại các khu rừng ven biển và khu vực nội đồng. Tuy nhiên, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng săn, bắt, bẫy, buôn bán chim hoang dã trái phép nhằm mục đích thương mại, giải trí. Những hoạt động trên không chỉ vi phạm pháp luật, làm giảm sút về số lượng cá thể các loài chim, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học mà còn gây nhiều hệ lụy cho công tác bảo tồn các loài chim hoang dã di cư và tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải phá bỏ bẫy lưới giăng để bắt chim hoang dã trên địa bàn quản lý (ảnh 1); Các loại chim hoang dã được lực lượng kiểm lâm thu giữ và thả về môi trường tự nhiên (ảnh 2).
 Bài và ảnh: Khôi Nguyên
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải phá bỏ bẫy lưới giăng để bắt chim hoang dã trên địa bàn quản lý.

Bài 1: Gia tăng hình thức
săn, bắt trái phép chim hoang dã

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, ngày 23-10-2023 Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải phát hiện ông Đinh Văn Định ở xóm Thức Hóa Tây, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) có hành vi săn, bắt chim hoang dã trái phép tại cánh đồng xóm 7, xã Giao Long. Ngay khi phát hiện, lực lượng chức năng đã lập biên bản tịch thu 2 cá thể chim diệc, 2 cá thể cò trắng, 14 cá thể chim vạc; 1 lưới rập (dài 20m, rộng 2m), 1 máy phát âm thanh, 2 loa; đồng thời xử phạt hành chính ông Định 3 triệu đồng. Toàn bộ cá thể chim hoang dã đều còn sống và đã được thả về môi trường tự nhiên theo quy định pháp luật. Tiếp đó vào cuối tháng 11-2023, Hạt Kiểm lâm Nghĩa Hưng phối hợp với Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh phát hiện ông Trần Văn Hữu, xóm 13, xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) đang nuôi nhốt trái phép 80 cá thể vạc hoang dã, 22 cá thể chim diệc. Sau khi phát hiện, lực lượng chức năng đã lập biên bản và xử phạt hành chính ông Hữu với số tiền 7,5 triệu đồng; toàn bộ cá thể chim hoang dã này đã được lực lượng chức năng thu và tái thả về tự nhiên…

Đây là 2 trong số những vụ việc săn bắt trái phép chim hoang dã mà lực lượng Kiểm lâm của tỉnh kịp thời phát hiện, xử lý. Trên thực tế hiện nay, nắm bắt được thói quen của chim hoang dã như: cuốc, gà đồng, dẽ giun, các loại cò, choắt… thường di chuyển sâu vào nội đồng để kiếm ăn, nhiều người làm nghề săn bắt chim đã dùng các loại “lưới tàng hình” sợi mảnh màu trắng nhỏ, chim mồi, máy phát tiếng gọi chim, loa, bình ắc-quy; lưới được giăng ngang trên những chiếc sào cao 3-5m, kéo dài 30-40m để bắt chim.  Anh Phạm Văn L, một thợ săn chim ở huyện Vụ Bản cho biết: Lưới tàng hình màu trắng nếu quan sát bằng mắt thường thì với con người đứng cách xa vài chục mét cũng khó phát hiện chứ nói gì tới các loại chim khi bay nhanh. Theo đó, để bắt chim vào ban ngày, thợ săn buộc con chim mồi trên sào, dùng loa phát ra tiếng kêu của từng loài chim để dụ đồng loại về. Còn ban đêm, muốn bắt chim gì thì tiếng chim đó được thu vào USB, cắm vào thiết bị âm ly nối với loa phát thành tiếng để dụ. Chim trời nghe tiếng gọi bay tới và bị dính lưới, càng giãy càng mắc kẹt. Một chiếc loa phát âm thanh xa tới vài cây số, thợ bẫy chim tuỳ theo độ dài của bẫy lưới mà đặt loa gọi chim. Ở các cánh rừng ngập mặn ven biển, những người săn chim thường dọn một bãi đất trống để đặt chim mồi, đặt loa phát tiếng gọi chim về. Lưới chụp được quây xung quanh, khi một đàn chim hoang dã bị dụ bởi âm thanh đồng loại phát từ loa, bẫy sẽ sập xuống, nhốt giữ cả đàn. Các loài chim thường bị bẫy chủ yếu là diệc, vạc, cò… Còn tại khu vực đầm nước, sình lầy lại có cách đặt bẫy kiểu khác. Lưới được giăng ngang trên những cây sào dài, chim mồi (là chim thật) sẽ được buộc chân, cho đứng trên cọc đóng nổi hoặc buộc chặt chân thả trên mặt đầm, kênh, rạch để dụ đồng loại; ngoài ra còn dùng chim mồi giả (làm bằng nhựa hoặc cắt bằng xốp bọt biển, kẻ vẽ, sơn màu như chim thật) với đủ tư thế và dựng thành một đàn trên mặt đầm. Nhìn từ xa giống y như một đàn chim đang mò cá, tôm trên mặt nước làm cho chim thật lầm tưởng và sà xuống. Ngoài lưới giăng, lưới chụp, thợ bẫy bắt chim còn bắc những con sào, trên có dính keo. Chim hoang dã vô tình đậu lên cây sào sẽ bị keo dính chặt chân hoặc lông, cánh… không thoát ra được.

Các loại chim hoang dã được lực lượng kiểm lâm thu giữ và thả về môi trường tự nhiên (ảnh 2).
Các loại chim hoang dã được lực lượng kiểm lâm thu giữ và thả về môi trường tự nhiên.

Theo đại diện Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy cho biết: Đây là những loài chim di trú từ vùng tiếp giáp giữa Nga và Trung Quốc về trú ngụ tại Vườn quốc gia Xuân Thủy và các vùng rừng ngập mặn của 3 tỉnh khu vực nam đồng bằng sông Hồng gồm: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Để tránh né việc kiểm soát của lực lượng chức năng, các thợ bẫy chim thường đi bằng “con đường riêng” bởi họ là người am hiểu rất rõ từng luồng lạch khu vực rừng họ đặt bẫy. Họ thường đi tay không vào rừng lúc trời sẩm tối, dụng cụ để bẫy chim được cất giữ cẩn mật nên rất khó phát hiện. Việc bẫy bắt chim chỉ diễn ra trong đêm. Sáng hôm sau, khi trời chưa sáng thì họ đã thu lưới, dọn đồ và xóa sạch dấu vết...

Bằng kinh nghiệm và sự tìm hiểu tập tục, thói quen của từng loại chim, đồng thời là những người sinh sống gần những khu rừng ngập mặn, thợ bẫy chim hoang dã biết rất rõ khi nào chim về để đặt bẫy nhằm bẫy được nhiều chim nhất. Anh Nguyễn Văn T - một chủ đầm nuôi thủy sản tại Cồn Xanh, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) cho biết: Mùa chim di trú bắt đầu từ tháng 7 cho tới đầu đông. Hàng đêm, cả đàn chim bay qua khu Cồn Xanh, tiếng đập cánh rào rào. Đầm bãi, khu vực đất ngập nước có nhiều tôm cá, là nguồn thức ăn dồi dào nên chim di trú tìm về rất nhiều. Thời điểm này, những người bẫy chim hoang dã có đêm bẫy được cả đàn diệc, cò, vạc… lên tới vài chục cá thể, thậm chí cả trăm con. Đây đều là loài chim có trọng lượng cá thể lớn, bán được nhiều tiền. Trên thực tế, có những người sống bằng nghề bẫy chim, một mùa chim di trú về kiếm được hàng trăm triệu đồng. Đội thu mua chim đều là những “mối quen” là chủ các nhà hàng ăn uống, bẫy được bao nhiêu các “đầu nậu” đều mua hết.

Hiện tượng bẫy, bắt chim hoang dã di cư bằng bất cứ hình thức nào từ lưới mờ, lưới úp, băng keo, súng hơi... nhằm mục đích thương mại hay giải trí đều là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Việc tận diệt chim hoang dã dẫn tới nguy cơ làm suy giảm đa dạng sinh học môi trường tự nhiên của tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh dịch cho người và động vật.

(còn nữa)
Bài và ảnh:
Khôi Nguyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com