Cứ đến những ngày tháng Tư lịch sử, ký ức về một thời hào hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lại được hồi tưởng trong tâm trí những cựu chiến binh (CCB) đã từng "vào sinh ra tử" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ càng thêm tự hào về phần công sức đã góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc, nhưng không khỏi xúc động, bồi hồi nhớ đến những đồng đội không may mắn đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường xưa.
CCB Đặng Lê (thứ ba từ trái sang) không bao giờ quên những kỷ niệm khi ông cùng đồng đội tham gia Chiến dịch Xuân Lộc tháng 4-1975. |
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời “mưa bom, bão đạn” vẫn còn in đậm trong ký ức của CCB Trần Đăng Chiến, ở đường Kênh, phường Lộc Vượng (TP Nam Định). Năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Trần Đăng Chiến khi ấy vừa tròn 20 tuổi đã lên đường nhập ngũ. Sau thời gian tham gia huấn luyện tân binh và nghiệp vụ tại Tiểu đoàn huấn luyện Đặc công phiên hiệu 30, Trung đoàn 60, Sư đoàn 305, ông được bổ sung về Tiểu đoàn 409 đặc công Quân khu 5 đóng quân tại Quảng Nam. Cả Đại đội của ông chỉ khoảng 20 người, bởi những trận đánh chủ yếu theo lối đặc công, lấy ít đánh nhiều, chỉ có 2-3 người đột nhập vào lòng địch, đi trinh sát các mục tiêu hàng tháng trời để về đắp sa bàn, lên kế hoạch cụ thể phân công nhiệm vụ tiếp cận đánh mục tiêu cho chính xác và đạt kết quả cao. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt”, mặc dù trong điều kiện thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành nhưng chiến sĩ đặc công Trần Đăng Chiến quyết không lùi bước. Ông luôn cùng đồng đội đảm nhiệm tốt các công việc được phân công để đơn vị tiến đánh các căn cứ Chu Lai, Kỳ Bích, Dương Huê…, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của. Ông Chiến nhớ lại, thời gian đầu mở chiến dịch, quân địch chống trả ác liệt. Thế nhưng khi nghe tin tại Huế, Quãng Ngãi, Tây Nguyên đã được giải phóng, quân địch hoang mang, lo sợ và dần dần lâm vào cảnh "như rắn mất đầu". Cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Nam đã tạo thế và lực cho quân và dân ta giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng. Sau khi giải phóng Quảng Nam ngày 24-3-1975, đơn vị ông đóng quân tại thị xã Tam Kỳ, bảo vệ nhà máy điện. Sang tháng 4-1975, ông cùng đồng đội hành quân vào Sài Gòn. Đến Nha Trang, Tiểu đoàn 409 nhận được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, đơn vị dừng chân và tiếp tục nhiệm vụ quân cảnh, kiểm soát quân sự tại thành phố Nha Trang. Nhớ lại quãng thời gian đó, ông Chiến bồi hồi xúc động: “Thời khắc nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi rưng rưng xúc động trong niềm vui sướng. Tôi hạnh phúc vì trải qua bao năm tháng anh dũng, kiên cường chiến đấu, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đi đến thắng lợi cuối cùng, non sông thu về một mối”. Trở về với thời bình, CCB Trần Đăng Chiến luôn phát huy phẩm chất của người lính "bộ đội Cụ Hồ", tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Những ký ức về một thời “mưa bom, bão đạn” luôn là niềm tự hào để giáo dục cháu con noi gương các thế hệ cha anh.
Với CCB Đặng Lê, xã Lộc An (TP Nam Định) mỗi khi nhắc đến những ngày tháng hào hùng cuả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông lại rưng rưng nhớ về những đồng chí, đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. Sinh ra và lớn lên ở thành phố Nam Định, năm 1972, khi vừa tròn 18 tuổi, ông lên đường nhập ngũ, biên chế vào Trung đoàn 5, Quân khu 3 đóng tại Yên Tử (Quảng Ninh). Trải qua nhiều đơn vị, ông và đồng đội đã vào sinh ra tử ở nhiều chiến trường với những trận chiến đấu gian khổ, ác liệt. Kỷ niệm mà ông nhớ nhất là tham gia Chiến dịch Xuân Lộc cùng các đồng đội Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) từ ngày 9-4 đến ngày 20-4-1975. Xuân Lộc là khu vực phòng thủ trọng yếu trong tuyến phòng thủ cơ bản (Biên Hòa – Xuân Lộc – Bà Rịa – Vũng Tàu) của Ngụy quyền Sài Gòn nhằm phòng thủ cửa ngõ phía Đông của Sài Gòn. Thực hiện theo kế hoạch tác chiến của Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam Trần Văn Trà và Bộ Tư lệnh Chiến dịch, Trung đoàn 209 triển khai lực lượng ở khu vực đông bắc chi khu Tân Phong, chặn đánh Lữ đoàn Dù 1, không cho địch vượt qua cầu Gia Liên để bắt liên lạc với Chiến đoàn 43 trong thị xã. Ông Lê nhớ lại, sau 4 ngày thực hiện phương án đánh trực diện nhằm tiêu hao lực lượng nhưng không khống chế được địch, các đơn vị được lệnh rút ra tập trung triệt đường tiếp tế, tiếp viện của địch tại ngã ba Dầu Giây, Long Khánh. Phát hiện bộ đội ta, quân giặc nã pháo trắng xóa cả vùng trời. Sau 12 ngày đêm chiến đấu cam go, quyết liệt với tinh thần dũng cảm, ngoan cường, quân ta đã đánh cho lực lượng địch thiệt hại nặng. Chiến dịch Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn đã mở rộng cho các đơn vị của quân ta tiến vào Sài Gòn, mở ra thời cơ chiến lược quyết định để tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Trên đường hành quân vào Sài Gòn, chúng tôi nghe tin lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975. Thời khắc đó, tất cả chúng tôi đều vỡ òa hạnh phúc. Anh em cứ ôm lấy nhau, nước mắt lăn dài. Đêm 30-4, chúng tôi không ai ngủ được. Tất cả đều ra đường reo mừng chiến thắng cùng đồng đội và nhân dân”, ông Lê bồi hồi nhớ lại thời khắc lịch sử của dân tộc.
Năm tháng đã trôi qua, nhưng với những người lính đã từng một thời vào sinh ra tử không thể nào quên được ký ức hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trở về với cuộc sống đời thường, họ vẫn luôn trân trọng giá trị của hòa bình và giữ trọn vẹn tinh thần của người lính "Bộ đội Cụ Hồ" tiếp tục cống hiến, tham gia lao động, sản xuất; khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ hôm nay phát huy truyền thống cha ông, ra sức xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp và văn minh./.
Bài và ảnh: Diệu Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin