Góp phần bảo vệ rừng ngập mặn

08:12, 31/03/2023

Tổ tự quản bảo vệ rừng ngập mặn xã Giao An (Giao Thủy) được thành lập năm 2016 với 17 thành viên. Trong quá trình hoạt động, Tổ tự quản đã góp phần thực hiện Chương trình toàn dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ rừng, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia gắn với phát triển kinh tế gia đình, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản dưới tán rừng.

Thành viên tổ tự quản bảo vệ rừng ngập mặn xã Giao An (Giao Thủy) tham gia tuần tra, bảo vệ rừng.
Thành viên tổ tự quản bảo vệ rừng ngập mặn xã Giao An (Giao Thủy) tham gia tuần tra, bảo vệ rừng.

Khu Ramsar Xuân Thủy được công nhận từ năm 1989 và là khu Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á, có tổng diện tích 12 nghìn ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Xuân Thủy và một phần các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc. Người dân các xã xung quanh từ bao đời nay sống gắn bó với rừng ngập mặn và phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Ban đầu, người dân vào rừng bắt các loài tôm, cua, cá, ốc... chỉ với mục đích cung cấp thức ăn cho gia đình. Nhưng khi các loài này ngày càng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân quanh khu vực Ramsar đã khai thác nhiều hơn. Nếu không có phương án, kế hoạch thì với tốc độ khai thác như hiện nay, nguồn lợi thủy sản sẽ bị giảm sút nghiêm trọng và có khả năng bị biến mất. Mặc dù Ban quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy cũng như chính quyền địa phương đã có một số biện pháp tăng cường giám sát, quản lý nhưng chưa thực hiện hiệu quả; đòi hỏi phải có những phương án hợp lý và cam kết duy trì lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Bổng, tổ trưởng tổ tự quản cho biết: Sinh ra tại vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Thủy, gắn bó với rừng từ nhỏ nên tôi sớm hiểu được quy luật khai thác gắn với bảo tồn, tái tạo nguồn sinh cảnh biển. Không chỉ gương mẫu đảm nhận khai thác, bảo vệ và trồng mới rừng ngập mặn, ông còn vận động các hộ dân khác trong xóm tham gia cam kết bảo vệ rừng. Trên cơ sở đó, tổ tự quản bảo vệ rừng ngập mặn đã được thành lập vào năm 2016 với 17 thành viên để bảo vệ rừng ngập mặn tổng diện tích 800ha, chia thành 17 khu vực. Nhiệm vụ của tổ là phối hợp thực hiện các chương trình trồng mới rừng ngập mặn; bảo vệ trông coi, kịp thời phát hiện những hành vi khai thác rừng bừa bãi, xâm hại, chặt phá rừng, săn chim; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ rừng ngập mặn cho các cá nhân khai thác thủy hải sản trong rừng ngập mặn. Mỗi thành viên đảm nhận một khu vực, tuyên truyền, động viên bà con khai thác rừng tuân thủ quy định chung để bảo vệ kế sinh nhai bền vững, không sử dụng thiết bị hủy diệt khi khai thác thủy hải sản kết hợp bảo vệ an ninh trên tuyến biên giới biển. Định kỳ hàng tháng, tổ tự quản duy trì sinh hoạt 1 lần, có sự tham gia của chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã và Đồn Biên phòng Ba Lạt, thông báo những thông tin chính xác, tin cậy, cụ thể của từng thành viên ở từng khu vực. 

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tổ tự quản đã phối hợp với Ban quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Đồn Biên phòng Ba Lạt, Công an xã Giao An tham gia cung cấp thông tin, phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến chặt phá rừng, khai thác thủy hải sản, an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn. Để gắn kết các thành viên, tổ tự quản còn xây dựng quỹ, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho các thành viên khó khăn lấy trước để sử dụng sửa chữa thuyền, mua con giống sản xuất, mua đồ dùng đánh bắt hải sản. Năm 2022, tổ tự quản còn được Hội Nông dân xã hỗ trợ nguồn vốn cho thành viên vay 400 triệu đồng. Đặc biệt, từ 1-3-2021 đến 28-2-2022, Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã triển khai Dự án “Sử dụng khôn khéo nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn tại khu Ramsar Xuân Thủy” với mục tiêu đảm bảo nhiệm vụ bảo tồn, quản lý tài nguyên đất ngập nước tại Vườn Quốc gia, đồng thời đảm bảo sinh kế của cộng đồng địa phương, không làm tổn hại đến tài nguyên thiên nhiên cũng như tuân thủ công ước Ramsar và luật pháp Việt Nam. Qua một năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên đất ngập nước, tạo sự ổn định cho sinh kế khai thác thủy sản dưới tán rừng của cộng đồng địa phương. Trong khuôn khổ của dự án, tổ tự quản bảo vệ rừng ngập mặn đã phát huy vai trò tích cực, hoạt động ngày càng hiệu quả. Các thành viên của tổ được tham gia xây dựng quy chế quản lý, khai thác tài nguyên thủy sản dưới tán rừng và trực tiếp thực hiện quy chế này; được hỗ trợ đồ bảo hộ lao động và có phụ cấp hoạt động hàng tháng khi tham gia các hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng. Sau khi dự án kết thúc, Vườn Quốc gia Xuân Thủy tiếp tục hỗ trợ phương tiện bảo hộ lao động cho các thành viên trong điều kiện cho phép. Năm 2022, trong chương trình “Tình nguyện vì môi trường, chung tay vượt qua đại dịch” do Đoàn Thanh niên huyện Giao Thủy phối hợp với Đoàn Thanh niên Cục ngoại tuyến (Bộ Công an) và Đoàn Thanh niên cơ quan Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) tổ chức, các thành viên đã được tặng áo phao, cờ Tổ quốc.

Thời gian tới, các thành viên tổ tự quản bảo vệ rừng ngập mặn xã Giao An tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học tại khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com