Nhọc nhằn nghề lao công

07:59, 28/04/2023

Vào mỗi buổi chiều tối, khi đường phố đã lên đèn, hay những buổi sáng sớm, khi đèn đường chưa kịp tắt, trên khắp các tuyến đường khu vực nội thành của thành phố Nam Định, những công nhân vệ sinh môi trường cần mẫn thu gom, phân loại rác thải, quét rác trên các con đường, ngõ phố hoặc vận chuyển những xe đầy rác đến nơi tập kết để đưa đi phân huỷ.

Công nhân Công ty cổ phần Môi trường Nam Định quét dọn, thu gom rác trên đường Giải Phóng (thành phố Nam Định).
Công nhân Công ty cổ phần Môi trường Nam Định quét dọn, thu gom rác trên đường Giải Phóng (thành phố Nam Định).

Ngày nào cũng vậy, cứ đến 17 giờ, anh Nguyễn Văn Công, công nhân vệ sinh môi trường của Công ty cổ phần Môi trường Nam Định lại bắt đầu công việc quét dọn, thu gom rác thải ở các tuyến đường, phố khu vực Trầm Cá, thuộc địa bàn phường Văn Miếu. Từ lúc bắt đầu đến cuối ca làm việc, anh miệt mài với công việc làm sạch đường phố. Khi các con phố đã ngủ yên, chiếc áo phản quang vẫn len lỏi khắp các con đường cùng tiếng chổi vẫn loẹt xoẹt vang lên giữa màn đêm tĩnh lặng. Anh Công chia sẻ: “Công việc của những người lao công là làm sạch đẹp cho đường phố. Với lượng rác thải từ sinh hoạt của các hộ dân, rồi lá cây... mỗi tối, tôi phải chở khoảng 6 xe rác đến điểm tập kết và làm đến 22-23 giờ đêm, khi rác được dọn sạch sẽ mới được về nhà”. Nhưng không phải lúc nào cũng 22-23 giờ đêm được nghỉ, có hôm đến tận sáng hôm sau anh mới về nhà vì rác quá nhiều, quét dọn không xuể. Anh Công cho biết, những ngày mưa to, gió lớn, rác thải, lá cây, cành cây gãy rụng nằm ngổn ngang. Có những hôm trời nắng, rác bốc mùi, bịt mấy lớp khẩu trang nhưng mùi rác thải vẫn vô cùng khó chịu. Nhiều người vẫn nghĩ lao công chỉ là nghề quét rác đơn giản, nhưng để cầm cây chổi dài và nặng quét hàng cây số trên các con đường, vừa quét vừa phải đẩy theo xe chở đầy rác thì không hề dễ dàng. Không những thế, làm nghề này đồng nghĩa với việc chấp nhận sự hôi hám, độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe. Cũng là công nhân vệ sinh môi trường của Công ty cổ phần Môi trường Nam Định, chị Nguyễn Thị Bẩy chia sẻ: “Ngày đầu mới đi làm, do chưa quen nên khi vừa lên xe đứng cho rác xuống tôi đã bị một que sắt đâm thủng ủng, chảy máu chân. May mắn có mấy người đồng nghiệp giúp băng bó vết thương, không để lại hậu quả nghiêm trọng”.

Là nghề đặc thù, thường xuyên tiếp xúc với rác, với khói bụi nên rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là vấn đề hô hấp và xương khớp. Ngoài ra, những lao công rất ít có thời gian dành cho gia đình. Chị Bảy chia sẻ thêm: “Mới đầu đi làm, các con cứ phụng phịu, vì tôi không có thời gian đưa con đi chơi. Nhiều hôm đi làm, cả ngày chẳng được nói chuyện, chơi cùng con. Vì lúc bắt đầu đến giờ đi làm, các con chưa đi học về, còn lúc mình về đến nhà thì cũng quá khuya, các con đã đi ngủ”. Bên cạnh đó, vào những ngày lễ, tết, khi người người, nhà nhà nhộn nhịp chuẩn bị sắm sửa, lên kế hoạch du lịch cùng gia đình, thì những công nhân vệ sinh vẫn miệt mài quét dọn làm sạch, đẹp cho những con đường, ngõ phố. Đặc biệt vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, công việc của những người lao công tiềm ẩn nguy hiểm hơn rất nhiều lần. Nhưng không phải ai cũng thông cảm cho công việc của các anh, các chị lao công. Vẫn còn một số bộ phận người dân ý thức chưa cao, thản nhiên vứt rác bừa bãi ra đường, không đúng nơi quy định. Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (46 tuổi) hàng ngày vẫn đi từng con ngõ nhỏ tại phường Vỵ Xuyên gom những túi rác thải sinh hoạt của người dân để lên chiếc xe kéo chở đến điểm tập kết thu gom rác thải. Chị Ngọc Anh chia sẻ: “Đôi khi nghĩ tủi thân lắm. Trong khi nhiều người hiểu và chia sẻ với công việc của mình thì vẫn có người tỏ thái độ khinh thường những công nhân vệ sinh môi trường khiến cho tôi thấy buồn. Người dân ý thức họ sẽ giúp phân loại rác thải hoặc đổ rác đúng nơi quy định, nhưng có những người xả rác bừa bãi, việc thu gom rất khó; thậm chí, có người thấy chúng tôi đi ngang qua đứng từ xa ném rác, trúng cả vào người tôi. Có những khi tôi nhắc nhở họ thì cũng chỉ nhận lại những lời nói khiếm nhã và những cái nhìn vô cảm. Tôi mong rằng mọi người sẽ hiểu, đồng cảm hơn với nghề của chúng tôi và nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong việc chung tay bảo vệ môi trường”. Không riêng gì chị Ngọc Anh, tất cả những công nhân quét rác đều mong muốn người dân sẽ nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường; mong nhận được sự thấu hiểu, bởi nghề nào cũng đáng quý, đặc biệt nghề quét rác là nghề mang lại môi trường trong lành, sạch đẹp thì càng đáng được sẻ chia. Ngoài ra, họ cũng mong muốn chế độ đãi ngộ phù hợp, xứng đáng với những gì họ làm và hy sinh như: tiền lương, tiền thưởng đúng hạn, trợ cấp đầy đủ hơn.

Giữa những bộn bề cuộc sống, bất kể là đêm hay ngày, lúc mưa gió hay khi trời đổ nắng, giữa sự ồn ào, tấp nập, bụi bặm của đường phố hay sự im lặng về đêm, khi mọi người chìm sâu trong giấc ngủ, thì trên các nẻo đường những công nhân vệ sinh môi trường vẫn lặng lẽ, âm thầm dọn sạch đường phố, để khi bình minh lên là những góc phố tinh tươm, thoáng sạch./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



Hiểu rõ script là gì Tìm hiểu exp là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com