Ngành thủy sản nỗ lực vượt khó

23:40, 29/12/2022

Vượt lên bộn bề khó khăn do dịch bệnh, tình trạng biến đổi khí hậu…, năm 2022, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản của tỉnh đã đạt kết quả khá toàn diện, góp phần hoàn thành vượt mức mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT), mặc dù chịu tác động không nhỏ của tình trạng biến đổi khí hậu, giá nguyên, nhiên liệu, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, nhất là những tháng cuối năm áp lực về tín dụng thắt chặt và lãi suất tăng cao… nhưng năm 2022 tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 187.307 tấn, tăng 8.735 tấn. Trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 128.767 tấn, tăng 7.636 tấn; sản lượng khai thác đạt 58.540 tấn, tăng 1.099 tấn so với năm 2021. Diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) toàn tỉnh là 16 nghìn ha, sản lượng ước đạt 128.767 tấn, tăng 6,3% so với năm 2021, đạt 100,99% kế hoạch đề ra. Diện tích nuôi thủy sản nước ngọt là 9.350ha, tương đương năm 2021, sản lượng đạt 64.020 tấn, tăng 8,23%; diện tích nuôi thủy sản mặn lợ là 6.650ha, tăng 45ha, sản lượng ước đạt 64.747 tấn, tăng 6,46% so với năm 2021. Điều đáng ghi nhận là diện tích nuôi tôm nước lợ là 3.400ha, tăng 30ha; sản lượng tôm ước đạt 7.257 tấn, tăng 8,8% so với năm 2021 và đạt 104,12% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 2.300ha, sản lượng tôm sú ước đạt 2.800 tấn, tăng 6,14% so với năm 2021. Tôm thẻ chân trắng vẫn được người dân quan tâm đầu tư với mức độ thâm canh ngày càng cao với diện tích nuôi là 1.100ha, tăng 30ha; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao ngày càng được mở rộng, đầu tư phát triển. Hiện, toàn tỉnh có hơn 100ha nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 4.100 tấn, tăng 5,81%. Các vùng nuôi ngao thương phẩm trong tỉnh phát triển ổn định với diện tích nuôi là 2.350ha, sản lượng ngao ước đạt 45.300 tấn, tăng 2,95%.

Lưới vây vào lộng.
Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Lưới vây vào lộng.

                                                                        Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Cá biển là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện tại các vùng nuôi mặn lợ. Năm 2022 diện tích nuôi cá biển là 565ha; sản lượng ước đạt 5.790 tấn, tăng 12,36% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động sản xuất và cung ứng giống thuỷ sản vẫn tiếp tục phát triển; các loại giống nhập tỉnh cơ bản được kiểm dịch, đảm bảo chất lượng, số lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu nuôi thả của người dân; sản lượng giống thủy sản các loại sản xuất được ước đạt 15.575 triệu con, tăng 9,66% so với năm 2021.

Để đạt được kết quả trên, Sở NN và PTNT đã triển khai thực hiện hàng loạt các biện pháp nhằm ổn định sản xuất cũng như hoàn thiện công tác quản lý khai thác thủy sản như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản mới và các quy định đi kèm cho người dân; đẩy mạnh sản xuất, cung ứng giống thủy sản; quản lý chặt chẽ các loại vật tư phục vụ NTTS; triển khai các biện pháp kiểm soát hiệu quả, không để tàu cá Nam Định vi phạm các quy định về khai thác IUU... giúp hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản của người dân dần ổn định, sản lượng và giá trị tiếp tục tăng, cơ cấu nghề nghiệp được duy trì và phát triển theo đúng định hướng ngành đề ra. Chi cục Thủy sản đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm soát chặt hoạt động khai thác thủy sản, duy trì sản xuất, đồng thời đảm bảo phòng chống dịch, ổn định sản xuất, thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình khai thác và tiêu thụ sản phẩm để kịp thời tham mưu các biện pháp tháo gỡ khó khăn, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ sản phẩm.

Năm 2023, ngành Nông nghiệp tiếp tục khai thác các lợi thế sản xuất thủy sản; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững với các sản phẩm an toàn, có kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu dùng nội địa và chế biến, xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng từ 2-3% so với năm 2022, đạt khoảng 5.000 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010); tỷ trọng thủy sản chiếm khoảng 35% cơ cấu kinh tế ngành trở lên (giá hiện hành). Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 195 nghìn tấn, tăng từ 3-4% trở lên so với năm 2022, trong đó NTTS đạt khoảng 132.896 tấn, khai thác thủy sản đạt khoảng 62 nghìn tấn.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương, của tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, chính quyền các cấp nhất là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản thực hiện tốt các quy định của Luật Thủy sản 2017, Luật An toàn thực phẩm và các quy định về khai thác IUU. Hướng dẫn kỹ thuật, khuyến cáo giải pháp khắc phục những bất thường trong quá trình sản xuất cho nông, ngư dân. Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo, ký cam kết với các chủ tàu không vi phạm trong khai thác thủy sản; vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các tổ, đội khai thác, hội nghề nghiệp trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi của ngư dân. Phát triển nuôi thủy sản thành các vùng tập trung theo quy hoạch và gắn với nhu cầu của thị trường, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Tập trung phát triển những sản phẩm thế mạnh như: Ngao cho tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu, cá bống bớp cho tiêu dùng nội địa, nuôi tôm siêu thâm canh và công nghệ cao. Hướng dẫn người nuôi áp dụng quy trình VietGAP và các quy trình tương đương, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất con giống, giống đặc sản nhằm chủ động cung ứng con giống chất lượng cho người nuôi. Khuyến khích các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã NTTS, tổ đội khai thác thuỷ sản. Tập trung phát triển sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực như ngao, hầu, tôm nước lợ, cá bống bớp, cá trắm đen, cá lăng... nhằm đáp ứng nhu cầu của người nuôi trong và ngoài tỉnh. Thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường NTTS tại các vùng nuôi trọng điểm; phân công cán bộ phụ trách bám sát địa bàn và tiếp nhận những phản ánh về môi trường, dịch bệnh để kịp thời hướng dẫn người nuôi các biện pháp khắc phục. Tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác hải sản, tập trung phát triển đội tàu có công suất lớn khai thác xa bờ, các nghề khai thác có tính chọn lọc cao, giảm dần số lượng tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ. Tiếp tục hướng dẫn ngư dân tổ chức lại mô hình liên kết sản xuất trên biển theo tổ đội, tổ hợp tác, nghiệp đoàn để nâng cao hiệu quả khai thác. Khuyến khích ngư dân sử dụng các phương pháp bảo quản sản phẩm mới nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với những biện pháp căn cơ, cụ thể, chắc chắn kế hoạch nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2023 sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân./.

 Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com