Cảnh giác với chiêu trò "tri ân khách hàng" biến tướng dịp cuối năm

08:31, 16/12/2022

Khuyến mại, “tri ân khách hàng” là một biện pháp hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp xây dựng và duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng, giữ chân khách hàng tiềm năng, tạo cơ hội để gia tăng giá trị thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên hình thức hoạt động này đang bị các đối tượng gian thương, lừa đảo lợi dụng gây thiệt hại về kinh tế, bức xúc cho người tiêu dùng và gây mất an ninh trật tự xã hội.

Người dân tham gia mô hình hội chợ khuyến mại, tri ân khách hàng, người lao động dịp cuối năm do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức.
Người dân tham gia mô hình hội chợ khuyến mại, tri ân khách hàng, người lao động dịp cuối năm do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức.

Bà Vũ Thúy Hằng ở xã Hải Thanh (Hải Hậu) đang phấn khởi vì vừa mua được chiếc nồi áp suất đa năng và một lọ tinh chất đông trùng hạ thảo được thưởng cùng nhiều quà tặng khác như bột canh, dầu ăn, nước rửa chén bát… tại hội nghị “tri ân khách hàng” mới tổ chức tại địa bàn. Chút tiền để dành dụm bấy lâu, nay chi tiêu mua mấy món đồ này kể cũng xứng đáng. Mà cũng may là có doanh nghiệp về tận làng xóm tổ chức hội nghị tri ân rồi tặng quà bà mới có cơ hội mua những sản phẩm quý với giá ưu đãi chứ bà quanh năm “quanh quẩn ruộng vườn, lấy đâu ra tiền mua sản phẩm cao cấp thế này”. Niềm vui kéo dài chưa được bao lâu thì bà hàng xóm cũng vừa mua hàng hớt hải chạy sang khóc lóc, mếu máo nói: “Con dâu tôi vừa phát hiện những món hàng mình mua theo chương trình tri ân khách hàng đều là hàng giả, mà giá lại gấp nhiều lần hàng chính hãng. Chiếc nồi áp suất đa năng trên thị trường giá khoảng 600 nghìn đồng mà mình phải mua với giá 3,6 triệu đồng; chiếc chảo chống dính thị trường bán có gần trăm nghìn đồng mà mua tại hội nghị quá 600 nghìn đồng; 1 hộp thuốc tinh chất đông trùng hạ thảo “hoàn ngọc minh châu” giá theo hoá đơn có vài trăm nghìn đồng mà đây họ bán tới 2,7 triệu đồng...”. Thế nên họ mới tặng nhiều quà đến thế (?!). Chị Thoa ở xóm trên sau buổi dự hội nghị “tri ân khách hàng” về nhà cắm thử chiếc chảo điện mới mua để nấu ăn, chỉ mươi phút sau dây cắm đã quá tải cháy khét. Vội xem kỹ lại tờ hướng dẫn sử dụng chị mới phát hiện đây là sản phẩm giả nhãn mác hàng chính hãng, không có đơn vị sản xuất và các chỉ tiêu kỹ thuật. Phần vỏ chảo đã có dấu hiệu gỉ sét, bong tróc sơn, không an toàn cho người sử dụng. Không chỉ ở xã Hải Thanh, trò bán hàng khuyến mại, “tri ân khách hàng” trá hình này còn diễn ra ở nhiều xã: Hải Lý, Hải Anh, thị trấn Yên Định; các huyện lân cận và cả khu vực thành phố Nam Định. 

Theo các cơ quan chức năng cho biết, chiêu trò lừa đảo bán hàng bằng chương trình khuyến mại, “tri ân khách hàng” không phải là mới và cũng đã được cảnh báo bằng nhiều hình thức nhưng nay vẫn tái diễn với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn khiến nhiều người bị mắc lừa, mất tiền oan. Lực lượng chức năng đã xử lý hành chính không ít vụ việc tổ chức khuyến mại không đúng quy định; bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... khi phát hiện được hoặc có nạn nhân tố cáo. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người tiêu dùng bị thiệt hại đều ngại làm các thủ tục khiếu nại mất thời gian và không có đủ căn cứ, chứng từ, tài liệu để chứng minh bị lừa đảo, thậm chí xấu hổ không muốn làm to chuyện... đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” không trình báo với cơ quan chức năng. Chính điều này làm cho những kẻ sai phạm không bị xử lý, tiếp tục tái diễn. Một số thủ đoạn của các đối tượng này mà người dân cần cảnh giác khi được mời tham gia các chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng... trá hình để không bị rơi vào bẫy là: các đối tượng hiện chuyển từ tổ chức hoạt động quy mô lớn tại nhà văn hóa các thôn, xóm sang thuê địa điểm là nhà hàng, khách sạn, quán cà phê nhằm né tránh sự kiểm soát của chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Các đối tượng này tự xưng là nhân viên bán hàng của các công ty lớn hoặc sàn giao dịch thương mại điện tử, lấy danh nghĩa là tri ân khách hàng, tặng quà, thuốc cho người dân. Nhóm khách hàng chúng hướng đến là phụ nữ, nông dân, người cao tuổi là những người ít cập nhật thông tin, có tiền tích lũy, ít va chạm nên thiếu kinh nghiệm. Chúng thường dùng quà tặng khuyến khích khách mời đến dự hội nghị sớm nhất và về sau cùng để có nhiều thời gian thuyết trình, quảng cáo lừa bán sản phẩm. Những người đến sớm hoặc được phát phiếu tặng quà luôn được tặng quà là dầu ăn, bột canh, nước rửa chén bát...; giá trị quà tặng có thể tăng dần nhằm tạo niềm tin và kích thích lòng ham muốn với người dân. Đối với sản phẩm chính để bán sẽ niêm yết giá thật cao, sau đó rao bán rẻ bằng 1/10 giá niêm yết; hoàn một phần tiền cho một vài người mua nhanh, mua sớm hòng đánh vào tâm lý “sợ hết cơ hội” để kích cầu người dự rút hầu bao đăng ký mua. Khi số lượng người mua nhiều chúng sẽ thông báo số lượng hàng hoá có hạn, cho khách hàng đăng ký để báo về công ty chuẩn bị hàng, và chỉ tặng quà các khách có đặt cọc. Chỉ đợi thu tiền đặt cọc xong, các đối tượng nhanh chóng rút khỏi địa bàn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng hoặc khiếu nại của người dân khi phát hiện bị lừa. 

Để ngăn chặn tình trạng này các ngành chức năng đã tích cực vào cuộc kiểm soát địa bàn, sớm phát hiện hiện tượng, tuyên truyền nhân dân không tham gia; đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm; tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền ở cơ sở tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về thủ đoạn, cách thức lừa đảo để chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, bản thân người dân cũng cần luôn tỉnh táo, cảnh giác trước các hoạt động khuyến mãi, món hàng giá hời,... để tránh bị lợi dụng trục lợi, thiệt hại tài sản, “tiền mất tật mang”./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com