Kỹ thuật chăn nuôi bê sau cai sữa và bò hậu bị

07:45, 29/03/2023

1. Kỹ thuật chăn nuôi bê sau cai sữa đến 12 tháng tuổi

Giai đoạn 7 - 12 tháng tuổi là giai đoạn khủng hoảng dinh dưỡng của bê vì nguồn sữa mẹ bị cắt hoàn toàn, khả năng tận dụng thức ăn thô xanh của bê còn hạn chế do khu hệ vi sinh vật dạ cỏ phát triển chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, trong giai đoạn này cần cung cấp cho bê thức ăn đủ về số lượng và chất lượng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của stress và tạo điều kiện cho bê phát triển tốt trong giai đoạn sau.

Tiêu chuẩn và khẩu phần ăn

Trong thời kỳ này bê có thể sử dụng được thức ăn thô xanh, nên tốt nhất là chăn thả trên bãi chăn, đồng cỏ. Việc chăn thả như vậy giúp khai thác tối ưu đồng cỏ và giúp bê có điều kiện tốt để vận động và phát triển cơ thể. Khẩu phần cỏ xanh hàng ngày của bê cần đảm bảo đủ 15 kg/con/ngày (lúc đạt 7 tháng tuổi), 20 kg khi 12 tháng tuổi), lượng thức ăn tinh từ 1 - 2 kg/con/ngày.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Với điều kiện nuôi dưỡng như vậy nếu thấy bê không tăng trọng hoặc tăng trọng chậm, lông xù xì cần tiến hành kiểm tra phân để tìm trứng giun sán. Trường hợp có giun sán, tiến hành tẩy. Nếu không có giun sán thì tăng thêm 0,5 - 1 kg rỉ mật hoặc bột sắn. Trong điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng tốt bê 15 - 20 tháng tuổi có thể đạt 65 - 70% khối lượng cơ thể gia súc trưởng thành.

Chăm sóc và quản lý

Phân đàn: dựa vào độ tuổi, thể trọng, tình hình sức khỏe và tính biệt (phải nuôi tách riêng bê đực và bê cái).

Vận động: Nếu bê nuôi nhốt thì hàng ngày phải cho vận động trong thời gian 4 - 6 giờ. Trong thời gian này kết hợp cho bê ăn cỏ khô và các thức ăn khô khác ngay trên bãi vận động.

Huấn luyện: bê đực làm giống tập cho nhảy giá và phối giống.

2. Kỹ thuật chăn nuôi bò hậu bị từ 13 - 24 tháng tuổi

Sau khi cai sữa, chọn những con đực, con cái tốt nhất để làm giống gọi là giai đoạn nuôi hậu bị. Giai đoạn này kéo dài từ lúc đạt 13 tháng tuổi cho đến phối giống có chửa đối với bê cái hoặc bắt đầu đưa vào sử dụng đối với bê đực (lúc đạt 18 - 24 tháng tuổi).

Tiêu chuẩn và khẩu phần ăn

Trong giai đoạn nuôi hậu bị nên chăn thả và cho chúng ăn tự do thức ăn thô xanh chất lượng tốt, có bổ sung thêm các chất dinh dưỡng như đạm, khoáng, vitamin... Mặt khác, cũng cần lựa chọn các loại thức ăn có giá trị năng lượng cao đưa vào khẩu phần (ngô, cám 1…), giảm thiểu các loại thức ăn thô xanh kém chất lượng để giữ dạng hình bụng đực giống thon gọn.

Khẩu phần thức ăn hàng ngày của bò trong giai đoạn nuôi hậu bị:

Tháng tuổi

Đvt

Cỏ tươi

Thức ăn tinh
hỗn hợp

Ghi chú

13 - 18

Kg/con/ngày

20 - 25

1,5

Lượng thức ăn tinh
cho ăn 2 lần/ngày

19 - 24

Kg/con/ngày

30 - 35

2,0

Chăm sóc và quản lý

Giai đoạn này cần nuôi tách riêng bò đực và bò cái.

Cần chú ý đảm bảo số lượng và chất lượng thức ăn để chúng không bị còi cọc, bệnh tật, ảnh hưởng đến tuổi thành thục sinh dục và khả năng sinh sản của chúng sau này…

Các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh: thức ăn, nước uống luôn sạch sẽ; định kỳ tiêm phòng vắc-xin và tẩy uế chuồng trại.

Trường hợp nuôi nhốt tại chuồng, bắt buộc phải cho chúng vận động ngoài trời, mỗi ngày ít nhất hai lần, mỗi lần 2 - 3 giờ, đặc biệt là đối với đực giống hậu bị.

Theo khuyennongvn.gov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com