Chủ động tái đàn vật nuôi gắn với phòng, chống dịch bệnh

08:19, 23/03/2023

Thời điểm này, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang bắt đầu tổ chức tái đàn vật nuôi sau lứa phục vụ thị trường cuối năm và tết, để duy trì quy mô chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan. Do vậy, để đảm bảo chăn nuôi an toàn, hiệu quả, người chăn nuôi nên thận trọng, tìm mua con giống khỏe mạnh, sạch bệnh để vào giống, tránh tái đàn ồ ạt dẫn đến những rủi ro và nguy cơ cung vượt cầu. 

Anh Nguyễn Văn Phúc, xã Trực Hùng (Trực Ninh) rắc vôi bột khử trùng lối vào chuồng nuôi gia cầm.
Anh Nguyễn Văn Phúc, xã Trực Hùng (Trực Ninh) rắc vôi bột khử trùng lối vào chuồng nuôi gia cầm.

Sau khi xuất bán hết đàn gà thịt phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ông Trần Văn Rụ, xã Kim Thái (Vụ Bản) đã tiến hành vệ sinh sạch sẽ, khử trùng cẩn thận toàn bộ khu vực chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi để chuẩn bị khôi phục sản xuất. Trao đổi với chúng tôi ông Rụ chia sẻ: “Hàng năm, gia đình thường tập trung tái đàn bước vào vụ nuôi mới từ tháng 2 đến tháng 3. Thời điểm này giao mùa nên thời tiết thay đổi thất thường, ngày nắng đêm mưa, trời se lạnh, vì vậy ngoài việc nhanh chóng tái đàn, tôi luôn chú trọng khâu khử trùng, vệ sinh chuồng trại. Tôi đã để chuồng trống gần 1 tháng để sửa chữa, gia cố, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chuồng trại, lối đi… trước khi nuôi lứa mới. Đối với gà giống, gia đình tôi đã đặt mua ở lò ấp uy tín, được tiêm phòng đầy đủ và nuôi cách ly 2 tuần tại khu vực nuôi “úm” riêng trước khi thả vào chuồng nuôi chính. Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao nên tôi vừa tăng đàn vừa theo dõi tình hình thị trường, hạn chế những rủi ro và nguy cơ thua lỗ”. Gia đình anh Phạm Ngọc Cường, xã Liên Bảo (Vụ Bản) là một trong những hộ có nhiều năm kinh nghiệm nuôi lợn. Anh Cường cho biết: “Những tháng đầu năm, nhiệt độ thay đổi thất thường, đàn gia súc, gia cầm bị giảm sức đề kháng nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Vì thế, cùng với việc lựa chọn lợn giống chất lượng, khỏe mạnh, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, có sự kiểm soát của cơ quan chức năng, để bảo đảm sức khỏe của đàn lợn nuôi, đối với hệ thống chuồng trại, gia đình tôi đã xử lý triệt để chất thải chăn nuôi theo đúng hướng dẫn; tiến hành khơi thông hệ thống thoát nước, tránh ẩm ướt; vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ nền chuồng, sàn, tường bằng vôi bột và hóa chất Cloramin B...”. Để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, anh cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống sạch, bổ sung vitamin, khoáng chất và sử dụng bóng đèn để sưởi ấm khi nhiệt độ xuống thấp. “Chúng tôi đang hy vọng giá thức ăn chăn nuôi trong năm nay sẽ giảm để người chăn nuôi đỡ khó khăn, thuận lợi hơn trong quá trình chăm sóc, phát triển đàn lợn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của thị trường” - anh Cường chia sẻ thêm. 

Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu đạt tổng sản lượng trên 198 nghìn tấn thịt các loại, trong đó thịt lợn 155 nghìn tấn, thịt gia cầm gần 30 nghìn tấn, hơn 4.000 tấn thịt trâu, bò, còn lại là các loại thịt khác. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh. Trước khi thực hiện tái đàn hay tăng quy mô chăn nuôi, người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường, về lượng cung cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để quyết định số lượng đàn vật nuôi sao cho phù hợp với điều kiện, khả năng của gia đình; không tổ chức tái đàn ồ ạt, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi và vùng đã xảy ra dịch bệnh trong thời gian trước đó. Để bảo đảm hoạt động chăn nuôi an toàn, UBND tỉnh quyết định tiếp tục hỗ trợ người chăn nuôi các loại vắc-xin dịch tả lợn, lở mồm long móng và viêm da nổi cục để tiêm phòng vụ xuân năm 2023 và tiêm bổ sung hàng tháng cho đàn vật nuôi. Hiện, UBND tỉnh đang chỉ đạo ngành chức năng thực hiện quy trình mua các loại vắc-xin bảo đảm chất lượng để cấp phát cho các địa phương tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi, nâng cao sức đề kháng, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi phát triển. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 15-3-2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã có Công văn số 643/SNN-CNTY về việc tăng cường công tác quản lý về chăn nuôi, thú y và triển khai tiêm phòng vụ xuân năm 2023. Theo đó, Sở NN và PTNT đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục hướng dẫn người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi để đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời nắm chắc thông tin thị trường để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất; phát triển các đối tượng con nuôi có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định; tận dụng nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp để chế biến, phối trộn làm thức ăn chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất. 

Theo đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT): Trong điều kiện hiện nay, để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi cần đặc biệt coi trọng việc vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi qua việc dọn sạch các loại chất thải trong chuồng nuôi; thường xuyên rửa sạch nền, tường, cổng, lối ra vào chuồng nuôi, phơi khô rồi phun thuốc khử trùng. Để trống chuồng trước khi nhập đàn nuôi mới ít nhất từ 2 đến 4 tuần tùy theo đối tượng nuôi sinh sản hay lấy thịt. Tranh thủ thời gian này người chăn nuôi tiến hành tu sửa hệ thống chuồng nuôi và các thiết bị, dụng cụ liên quan như hệ thống giữ ấm, làm mát, cấp nước, vệ sinh máng ăn, máng uống, hàng rào, tường bao quanh khu vực chăn nuôi cũng như cổng ra vào, hố sát trùng... Lựa chọn con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch động vật đầy đủ có giấy chứng nhận của cơ quan thú y. Con giống mới nhập về phải nuôi cách ly theo dõi ít nhất 2 tuần. Vào những thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột cần bổ sung vitamin, men tiêu hóa... để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Đối với gia súc, gia cầm mới vào giống, chú ý thắp thêm bóng hồng ngoại, bổ sung chất độn chuồng như trấu, mùn cưa, rơm rạ để giữ ấm. 

Chủ động tái đàn vật nuôi đúng quy trình kỹ thuật để bảo đảm an toàn trong quá trình chăn nuôi sẽ góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển chăn nuôi trong năm nay của tỉnh, đồng thời mang lại nguồn thu ổn định cho người dân./.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com