Quyết liệt triển khai công tác tiêm phòng vụ xuân cho đàn vật nuôi

08:09, 20/03/2023

Để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm (GS,GC) an toàn, bảo đảm sản lượng theo kế hoạch, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung triển khai thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng vụ xuân, quyết tâm không để các loại dịch bệnh phát sinh, lây lan, góp phần hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.

Cán bộ thú y xã Minh Tân (Vụ Bản) tiêm phòng cho đàn gia cầm nuôi trên địa bàn.
Cán bộ thú y xã Minh Tân (Vụ Bản) tiêm phòng cho đàn gia cầm nuôi trên địa bàn.

Hiện nay, nguy cơ phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở các địa phương vẫn tiềm ẩn do dịch bệnh diễn biến phức tạp; thời tiết lạnh, ẩm kéo dài làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi; nhu cầu giống GS,GC để tái đàn những tháng đầu năm tăng dẫn đến hoạt động buôn bán, vận chuyển con giống GSGC tăng cao... Các loại dịch bệnh như: cúm gia cầm, tai xanh, các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, bệnh ngoại ký sinh trùng và bệnh lở loét do vi khuẩn trên cá nuôi nước lợ... có nguy cơ phát sinh rất cao. Do vậy, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng các bệnh lở mồm long móng, tai xanh, phó thương hàn, tụ dấu cho đàn lợn; đàn trâu, bò tiêm vắc-xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng; đàn chó, mèo tiêm phòng bệnh dại; đàn gia cầm tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm, Niu-cát-xơn, dịch tả vịt, tụ huyết trùng, Gumboro, viêm gan vịt... 

Công tác tiêm phòng vụ xuân diễn ra từ 15-3 đến 15-4-2023. Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu tiêm phòng vắc-xin dịch tả cho 202 nghìn con lợn; lở mồm long móng cho 31,8 nghìn con trâu, bò, dê; vắc-xin lở mồm long mong cho 23,6 nghìn con lợn nái, lợn đực giống; vắc-xin phòng bệnh dại cho 42,2 nghìn con chó, mèo và viêm da nổi cục cho 19,7 nghìn con trâu, bò. 

Trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật, trong đó có GS,GC hàng năm, đội ngũ nhân viên thú y là người trực tiếp giám sát, phát hiện dịch bệnh, điều trị bệnh... đồng thời tham mưu giúp UBND cấp xã tổ chức, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Vì vậy bước vào thực hiện kế hoạch tiêm phòng vụ xuân năm nay, các huyện, thành phố đã tổ chức các buổi tập huấn cho lực lượng nhân viên thú y, phổ biến cập nhật các văn bản pháp luật mới thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy sản; trang bị kiến thức, kỹ thuật về quy trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng các loại vắc-xin, đối tượng và kỹ thuật tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Tại các buổi tập huấn, đội ngũ cán bộ, nhân viên thú y còn được trao đổi kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị bệnh động vật... Đây là cơ hội để đội ngũ cán bộ thú y trẻ học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng trong phòng, trị bệnh động vật.

Để công tác tiêm phòng vụ xuân năm 2023 đạt hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tập trung xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tiêm phòng theo đúng nội dung hướng dẫn, đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng an toàn sinh học cho đội ngũ cán bộ thú y xã và lực lượng tham gia tiêm phòng của các địa phương. Chỉ đạo hệ thống đài truyền thanh cơ sở tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc tiêm phòng các loại dịch bệnh cho đàn vật nuôi; các nguy cơ, tác hại của dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật như: Bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh; đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, chính quyền các cấp, nhất là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Theo đồng chí Nguyễn Doãn Lâm, Giám đốc Sở NN và PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh: “Để công tác tiêm phòng vụ xuân năm nay đạt hiệu quả, lãnh đạo chính quyền các địa phương phải nắm bắt, quản lý tốt số lượng đàn vật nuôi, số hộ chăn nuôi trên địa bàn để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp và hiệu quả. Sở NN và PTNT sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng an toàn sinh học cho đội ngũ cán bộ thú y xã, phường, thị trấn và lực lượng tham gia tiêm phòng của các địa phương, các hộ chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại trên địa bàn. Chủ động chuẩn bị các loại vắc-xin bảo đảm chất lượng cung ứng cho các địa phương tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.

Cùng với công tác tiêm phòng, các địa phương phát động, tổ chức ra quân thực hiện tốt công tác “vệ sinh, tiêu độc, khử trùng”, bố trí ngân sách mua thuốc sát trùng, vôi bột để thực hiện tiêu độc, khử trùng các trục đường giao thông, nơi tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, khu ổ dịch, chuồng trại chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; hướng dẫn các địa phương và người chăn nuôi thực hiện thường xuyên các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi bảo đảm tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế các nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sự an toàn ngành chăn nuôi. 

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, huyện Nghĩa Hưng đang tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện để hoàn thành kế hoạch tiêm phòng vụ xuân 2023. Đồng chí Lê Văn Hiểu, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng cho biết: Xác định công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn GS,GC có vai trò quan trọng trong bảo đảm an toàn ngành chăn nuôi, Trung tâm đã phân công cán bộ thường xuyên hướng dẫn UBND các xã, thị trấn và các cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định. Phối hợp ngành chức năng, các địa phương xây dựng kế hoạch tiếp nhận và cấp các loại vắc-xin phòng, chống dịch bệnh GS,GC cho các xã, thị trấn; đồng thời kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi trong vụ xuân. Vụ xuân 2023, huyện tập trung tiêm vắc-xin phòng dịch tả cho 28 nghìn con lợn; phòng bệnh lở mồm long móng cho 4.200 con trâu, bò; bệnh viêm da nổi cục cho 2.100 con trâu, bò, dê; bệnh lở mồm long móng cho 2.500 lợn nái, lợn đực giống… Các huyện, thành phố khác cũng đang tích cực triển khai theo kế hoạch chỉ đạo của tỉnh.

Tiêm phòng vụ xuân có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn đàn vật nuôi, góp phần phát triển ngành chăn nuôi hiệu quả, bền vững./.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com