Cấp bách tìm giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp

18:36, 27/03/2023

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng cũng để lại những tác động không nhỏ tới môi trường do các loại chất thải của quá trình sản xuất, nhất là chất thải nhựa. Lượng rác được thu gom, xử lý triệt để rất thấp so với lượng rác xả thải và tồn đọng trên đồng ruộng. Vì vậy rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là ý thức của người dân để bảo vệ môi trường đồng ruộng, phát triển sản xuất xanh, bền vững.

Lưới nilon được sử dụng phổ biến để ủ phân và làm mái che trồng rau màu ở nhiều vùng.
Lưới nilon được sử dụng phổ biến để ủ phân và làm mái che trồng rau màu ở nhiều vùng.

Nam Định là tỉnh nông nghiệp với trên 180 nghìn ha lúa, rau màu các loại được gieo trồng hàng năm. Trung bình mỗi năm, nông dân đã sử dụng hàng trăm tấn thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng nilon quây ruộng chống chuột phá hoại, lưới làm mái vòm tre nắng, sương… nhằm hạn chế tác động của thời tiết đối với hoa màu. Theo đánh giá của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), hàng năm tỉnh có khoảng 70-80 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật được xả thải ra môi trường. Bình quân, mỗi ha trồng lúa, nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1-1,5kg bao bì/vụ; đối với vùng trồng hoa màu, cây công nghiệp, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cao gấp 2-3 lần trồng lúa. Trong số đó, tỷ lệ được xử lý đúng cách, an toàn cho môi trường chưa nhiều.

Tại vùng chuyên canh rau màu của xã Thành Lợi (Vụ Bản) người dân liên tục quay vòng đất thâm canh với hệ số sử dụng từ 5-7 lứa rau mỗi năm. Người dân thường sử dụng bao tải đóng, ủ phân thành từng đống ngoài ruộng để tiện cho việc chăm bón, cải tạo đất; sau khi bón phân, túi đựng nhiều khi được vứt bỏ ngay tại ruộng. Ngoài ra còn có các loại bao bì chứa đựng các loại thuốc bảo vệ thực vật, túi nilon để chứa đựng nông sản sau thu hoạch... nên lượng chất thải nhựa xả ra môi trường khá lớn. Ông Bùi Huy Chính ở thôn Gạo cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2 sào trồng các loại rau màu. 2 năm trước tôi đã đầu tư dựng cột bê tông, kéo lưới trên diện tích gần 1 sào để gieo giống rau phục vụ sản xuất của gia đình và bà con trong thôn. Tuy nhiên việc sử dụng lưới làm mái che cũng không được lâu do ảnh hưởng thời tiết, mưa gió thất thường, chất liệu làm lưới hạn chế nên rất nhanh bị rách, mục, phải thay đổi luôn”… Thời gian gần đây, nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, người dân nơi đây đã sử dụng nilon, lưới nhựa đen để phủ mặt luống đất cũng như che phủ trên khum vòm nhằm hạn chế cỏ dại mọc và che mưa, nắng, hạn chế tác hại đối với cây rau màu. Lãnh đạo UBND xã Thành Lợi cho biết: Thực hiện khuyến cáo của Sở NN và PTNT nhằm nỗ lực giảm việc sử dụng nilon, xã đã thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, khuyến cáo người dân sử dụng các loại nilon có độ bền tốt, có thể sử dụng từ 2-3 năm mới cần thay thế. Với bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xã xây dựng các bể chứa, hàng tháng giao cho tổ thu gom, vận chuyển rác của xã thu gom về bãi rác tập trung để xử lý. UBND xã cũng ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư và Kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC xử lý chất thải, cứ 3 tháng thu gom xử lý một lần. Qua đó, nhận thức và trách nhiệm của người dân trong sản xuất nông nghiệp được nâng lên. Nhiều người dân đã thay đổi thói quen canh tác, sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, trấu để phủ mặt luống nhằm hạn chế cỏ dại, giữ ẩm cho cây và cải tạo đất.

Để nâng cao ý thức xử lý rác thải nông nghiệp của người nông dân, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền về sự nguy hại của các loại rác thải nông nghiệp đối với môi trường và con người; vận động người dân chủ động thu gom, phân loại, xử lý các loại rác thải, nhất là nilon, lưới trong quá trình sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Các cấp, ngành, địa phương còn quan tâm xây dựng mô hình bể chứa rác thải tại một số cánh đồng trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh đã đưa vào sử dụng 22.033 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên tại một số địa phương trong tỉnh vẫn chưa có biện pháp thu gom, xử lý triệt để rác thải nông nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường sống. Nguy hại hơn ở những nơi chưa có bể thu gom chai lọ, bao bì phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng thì người dân xả thải trực tiếp ra môi trường, vứt bỏ ở góc ruộng, dưới lòng kênh, mương, trôi nổi tự do ngoài môi trường.

Để giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp, theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức để cho người dân tự giác tham gia hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa; hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường; khuyến khích các cá nhân, tổ chức ưu tiên sử dụng vật tư đầu vào thân thiện với môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; thực hiện các biện pháp thu gom, phân loại, tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; xử lý, cải tạo môi trường trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân cùng tham gia thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com