Nam Định thi đua xây dựng, phát triển trở thành tỉnh giàu mạnh như lời Bác dạy

19:25, 16/05/2024

Những lời dạy của Bác trong những lần về thăm và làm việc tại Nam Định có giá trị như “kim chỉ nam” để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh luôn tích cực chủ động, sáng tạo, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực đưa Nam Định trở thành một tỉnh giàu mạnh như Bác mong muốn.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Dệt nhuộm SVT, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Dệt nhuộm SVT, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).

Từ năm 1946 đến năm 1963, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã vinh dự được 5 lần đón Bác. Trong những lần về  thăm và làm việc tại Nam Định, Bác đã ân cần chỉ bảo “Nam Định là một tỉnh ruộng đất phì nhiêu, tài nguyên phong phú, dân cần cù, có nhiều khả năng trở thành một tỉnh thật giàu có”; dặn dò sâu sắc Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà phải đoàn kết một lòng; phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; chú trọng công tác xây dựng Đảng; phát huy những lợi thế của tỉnh, như: sản xuất nông nghiệp và công nghiệp dệt; quan tâm xây dựng đội ngũ công nhân đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng cao; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị…

Thời gian qua, tỉnh đặc biệt chú trọng huy động, bố trí các nguồn lực đầu tư các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thúc đẩy phát triển các khu vực, vùng kinh tế "đầu tàu", nhất là vùng kinh tế ven biển (với lợi thế 72km đường bờ biển) trở thành cực tăng trưởng phía Nam tỉnh và khu vực kinh tế đô thị, trong đó khai thác, thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị của thành phố Nam Định (do đây là đô thị tỉnh lỵ, được hình thành, phát triển từ cuối thế kỷ XVIX và được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại I vào tháng 11-2011). Nổi bật, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng và đang triển khai, đầu tư hàng loạt các tuyến đường giao thông kết nối Nam Định với các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và quốc gia, có khả năng khơi thông nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Trong vòng 3 năm tới, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh sẽ hoàn chỉnh mạng lưới đường cao tốc, thuận lợi kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm quốc gia như Hà Nội, Hải Phòng, tạo nhiều thuận lợi cho giao thông đi lại của người dân và các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa. Cũng nhờ chủ trương ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng chiến lược phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các địa phương nằm trong vùng kinh tế ven biển như Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng không ngừng cải thiện vị thế địa kinh tế; gia tăng sức thu hút nhiều doanh nghiệp tầm cỡ, đầu tư các dự án có quy mô lớn, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy sản, thương mại dịch vụ, phát triển du lịch... tại các huyện ven biển cũng ngày một phát triển hơn. Diện mạo đô thị các huyện, thành phố có nhiều khởi sắc khi được ưu tiên bố trí nguồn lực, từng bước mở rộng không gian, nâng cao chất lượng kiến trúc, cảnh quan, bảo vệ không gian tự nhiên. Trong đó thành phố Nam Định đã phát triển nhanh hạ tầng đô thị, đạt tỷ lệ đô thị hóa 90%, tiêu biểu cho diện mạo đô thị của tỉnh với hàng loạt công trình tạo điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch. Nguồn thu từ đô thị hóa của thành phố Nam Định chiếm trên 20% trong cơ cấu ngân sách Nhà nước, giữ vai trò quan trọng là động lực chủ yếu đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế của tỉnh; góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. 

Bên cạnh đó, với việc tích cực duy trì, giữ vị trí ở tốp dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục và đào tạo liên tục trong gần 3 thập kỷ đã giúp tỉnh chủ động nguồn nhân lực trang bị tốt về tri thức, tư duy, có phương pháp làm việc khoa học, có khả năng thích ứng nhanh với biến đổi của môi trường làm việc. Tỉnh cũng quyết liệt xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính, không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, giúp Nam Định trở thành một trong những điểm đến ưu tiên của nhiều nhà đầu tư lớn, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đầu tư. Công tác thu hút đầu tư đạt được kết quả tích cực với nhiều doanh nghiệp, dự án đầu tư lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có ý nghĩa lan tỏa, tác động quan trọng tới uy tín, môi trường đầu tư của tỉnh và sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách trong những năm tiếp theo.

Trong phát huy những lợi thế của tỉnh, Nam Định đã quan tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng trồng trọt; sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh từ coi trọng sản lượng sang chất lượng, từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang kết hợp giữa tiêu dùng với sản xuất hàng hóa gắn với quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm. Kinh tế nông nghiệp phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2022 đạt bình quân 3,5%/năm; giá trị sản xuất trên 1ha canh tác trồng trọt năm 2023 ước đạt trên 130 triệu đồng. Nam Định là một trong các địa phương đi đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với đô thị hóa tạo sự chuyển biến rõ nét về nếp sống và chất lượng cuộc sống của mỗi người dân ở nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 197/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 96,6%) và 32/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 17%). Huyện Giao Thủy đã được Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm  2023.

Ngành công nghiệp tích cực đóng góp vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng từng năm và chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng sản phẩm của toàn tỉnh; trong nội ngành thì tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm chủ yếu. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân trong GRDP giai đoạn 2018-2022 là 13,1%; đến năm 2022 tăng 14,6%. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng khá, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, một số sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu, vị thế quy mô Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, từng bước vươn lên đứng trong "top" đầu của cả nước và giữ vững vị thế thương hiệu tại thị trường nước ngoài như: thuốc và dược liệu có nguồn gốc đông nam dược, sản phẩm may mặc, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, sản phẩm cơ khí đúc sẵn, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến thủy hải sản... Đáng kể, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, gây tác động mạnh, giảm sâu sức tiêu dùng toàn cầu... những gần năm, đã chứng kiến sự kiên cường, nỗ lực vượt qua thách thức của cộng đồng doanh nghiệp để góp phần quan trọng giúp nền kinh tế Nam Định không chỉ đứng vững giữa những “cơn gió ngược” mà còn đạt tốc độ phát triển tương đối nhanh. Năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP của Nam Định đạt 10,19%, đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 6 cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 54,9 triệu đồng/người, tăng 12,0%. Trong 3 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục có bước phát triển so với cùng kỳ; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước và so với trung bình cả nước; tổng sản phẩm GRDP ước tăng 7,07%, cao hơn mức tăng chung của cả nước, đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 14 cả nước.

Minh chứng sống động về khát vọng, ý chí không ngừng phấn đấu vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định trong thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu về xây dựng tỉnh phát triển, đó là tỉnh hoàn tất xây dựng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh (QHT) Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. QHT là sản phẩm kết tinh từ sự lãnh đạo, chỉ đạo hết sức toàn diện, quyết liệt, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối lãnh đạo phát triển đất nước của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương Đảng khóa XIII và các nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX về định hướng phát triển tỉnh Nam Định. QHT hướng đến mục tiêu khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức phát triển 3 vùng kinh tế động lực, 4 trung tâm đô thị động lực, 5 hành lang kinh tế đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng vào năm 2030 và đến năm 2050 trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng. Hiện Nam Định đang quyết liệt, khẩn trương hiện thực hóa QHT với nhiều phần việc đã cho kết quả bước đầu đưa tỉnh vào guồng "tăng tốc" phát triển.

Những thành tựu đạt được từ việc làm theo lời Bác dạy đã tạo niềm tin vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục không ngừng nỗ lực cố gắng, phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; chung sức, đồng lòng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị, vững vàng tiến bước, xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh./.    

Bài, ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com