Hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh

08:18, 16/05/2024

Hội Nông dân (HND) huyện Nam Trực có gần 30 nghìn hội viên sinh hoạt tại 233 chi hội, ngành nghề chủ yếu của hội viên nông dân là trồng lúa, trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, ngoài ra còn có một số ngành nghề khác như cơ khí, dệt may… Trước thực tế việc phát triển nông nghiệp và các ngành nghề còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, dịch bệnh, nhiều năm qua, HND huyện đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) thực hiện tốt chính sách tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hội viên nông dân xã Nam Toàn phát triển nghề trồng cây cảnh.
Hội viên nông dân xã Nam Toàn phát triển nghề trồng cây cảnh.

Hàng năm, HND huyện chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo HND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là tuyên truyền phổ biến tới cán bộ, hội viên những nội dung cơ bản của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các chính sách mới. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ hội cơ sở, tổ trưởng vay vốn về các chính sách tín dụng gắn với chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để hội viên nông dân kịp thời nắm bắt được và tiếp cận nguồn vốn vay, mở rộng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, an toàn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Cùng với công tác tuyên truyền, HND huyện đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, từ đó các xã, thị trấn căn cứ vào tình hình thực tiễn xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong hoạt động quản lý nguồn vốn vay từ Ngân hàng NN và PTNT, kịp thời phát hiện, có biện pháp xử lý, khắc phục những thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các tổ vay vốn; đồng thời thường xuyên nắm bắt, tiếp thu các ý kiến của cán bộ, hội viên liên quan đến vay vốn, sử dụng dịch vụ của Ngân hàng...

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, các cấp HND trong huyện còn chú trọng tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân; hướng dẫn thành lập các mô hình phát triển kinh tế tập thể… Trong 5 năm qua, các cấp HND trong huyện đã tổ chức 637 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 48 nghìn lượt hội viên nông dân. HND huyện và HND các xã, thị trấn cũng đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan, ban, ngành của huyện mở 17 lớp dạy nghề may công nghiệp, cây cảnh, chăn nuôi gà vịt cho 1.025 hội viên. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 80%. HND các cấp trong huyện còn trực tiếp vận động và hướng dẫn thành lập 13 tổ hợp tác, 5 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Bước đầu thông qua các mô hình kinh tế tập thể đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Đến nay, huyện Nam Trực có mạng lưới với 357 tổ vay vốn tại 17/20 xã, thị trấn. Nguồn vốn từ Ngân hàng NN và PTNT được 2 ngành phối hợp chuyển tải đến với hội viên nông dân theo đúng quy định về chính sách tín dụng đảm bảo nhanh gọn. Dư nợ tín dụng tại Ngân hàng NN và PTNT là 1.438 tỷ đồng cho 4.365 lượt hộ vay. Hiệu quả từ nguồn vốn vay đã thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn huyện, giúp cho hội viên nông dân có cơ hội lựa chọn các mô hình đầu tư, nhất là các hộ làm nghề có vốn để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều hộ gia đình được vay vốn đã mở ra cách làm ăn mới có hiệu quả, góp phần tăng hộ khá, giàu, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2023 xuống còn 1,93%. Bình quân hàng năm, toàn huyện có trên 13 nghìn hộ nông dân đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Điển hình như ông Vũ Quang Việt, xã Nam Tiến được vay 500 triệu đồng làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Nhận thấy tiềm năng đất đai của quê hương chưa được khai thác, ông Việt đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất trồng lúa sạch, triển khai mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào thực tiễn sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ông còn chủ động liên kết với Công ty TNHH Toản Xuân bao tiêu cho các hộ dân 100 tấn thóc/năm, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”. Với diện tích canh tác 14ha kết hợp dịch vụ máy cày, máy sấy, mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; đồng thời tạo việc làm cho 6 lao động với thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng. Ông Lê Trung Thành, xã Nam Toàn được vay 300 triệu đồng đã đầu tư sản xuất, kinh doanh cây hoa trà, thu nhập 500 triệu đồng/năm. Ông Dương Công Tĩnh, thị trấn Nam Giang vay 300 triệu đồng sản xuất bu lông, ốc vít, góp phần phát triển nghề truyền thống của địa phương… Có thể khẳng định, việc phối hợp giữa HND huyện với Ngân hàng NN và PTNT trong triển khai thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn đã có sự tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo nguồn lực quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện. Thông qua chương trình phối hợp cũng đã góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; thúc đẩy các phong trào của Hội phát triển ngày càng sâu rộng, khắc phục tình trạng tín dụng đen lợi dụng. Hội viên nông dân và nhân dân ngày càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn bó với tổ chức Hội.

Thời gian tới, HND huyện Nam Trực tiếp tục phối hợp với Ngân hàng đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các chính sách mới tới cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân. Vận động hội viên tích cực tham gia tổ vay vốn, tham gia và sử dụng các dịch vụ tiện ích của Ngân hàng; tăng cường huy động vốn và tạo niềm tin để hội viên nông dân tham gia các hoạt động tín dụng với Ngân hàng trên cơ sở bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com