Gạo tám xoan Hải Hậu, cá bống bớp Nghĩa Hưng, nước mắm Giao Châu… là những đặc sản của Nam Định, được người tiêu dùng nhiều nơi ưa chuộng, tín nhiệm. Sau khi được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, các sản phẩm này đã được nâng tầm giá trị, đưa thương hiệu vươn xa tới nhiều thị trường.
Sản phẩm mật ong sú vẹt của Vườn quốc gia Xuân Thủy có mặt tại nhiều cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Nam Định và tỉnh ngoài. |
Trong nền kinh tế hội nhập quốc tế và hoạt động của nền kinh tế thị trường đòi hỏi các sản phẩm ngày càng có chất lượng cao, ổn định, kiểm soát nguồn gốc, mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm và giá bán mang tính cạnh tranh. Do vậy, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể không chỉ giúp sản phẩm có “tên tuổi và chỗ đứng” trên thị trường mà còn giúp bảo tồn, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Bởi, khi thương hiệu của sản phẩm có vị thế trên thị trường, giá trị thương phẩm cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm sẽ được nâng lên rất nhiều. Với ý nghĩa này, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã phối hợp với các đơn vị liên quan cùng các huyện, thành phố triển khai công tác xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp của các địa phương. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ việc lập cơ sở dữ liệu về xây dựng hồ sơ đăng ký quyền nhãn hiệu tập thể; xây dựng mô hình tổ chức quản lý nhãn hiệu tập thể; thiết lập hệ thống phương tiện, điều kiện, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể; thí điểm hoạt động quản lý và khai thác... với mục tiêu hình thành và phát triển thương hiệu nông sản từ các nhãn hiệu tập thể.
Với những nỗ lực không ngừng, tỉnh đã thực hiện bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể cho nhiều sản phẩm như: sinh vật cảnh Vị Khê (Nam Trực), cơ khí xã Xuân Tiến (Xuân Trường), sản phẩm nông nghiệp sạch của Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định, nước mắm Giao Châu (Giao Thủy), cá bống bớp Nghĩa Hưng, gạo tám xoan Hải Hậu, rượu nếp Yên Phú (Ý Yên), phở xưa Nam Định… Vừa qua, Sở KH và CN tiếp tục tư vấn, hướng dẫn cho 15 lượt đơn vị về đăng ký xác lập quyền cho nhãn hiệu, sáng chế; trao đổi, hướng dẫn về khả năng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu tập thể Phở Giao Cù, dệt Cổ Chất; thực hiện báo cáo đề xuất 1 dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể cho lúa tám ấp bẹ tại Hội đồng tư vấn đặt hàng nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thông qua các hoạt động xây dựng nhãn hiệu tập thể đã góp phần xác định thương hiệu, cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị thương phẩm. Phần lớn các sản phẩm sau khi được bảo hộ, giá bán tăng thêm từ 10-20%; thị trường được mở rộng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán, tiếp thị, cung ứng sản phẩm cho các siêu thị; trung tâm thương mại; các cửa hàng giới thiệu, kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch...
Tiêu biểu là Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định thực hiện dự án KH và CN “Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định” và được cấp giấy Chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định” cho các sản phẩm: thịt lợn, cá, thịt gia cầm, rau, củ, quả, trứng, muối… Hiện nay, các sản phẩm Giò nóng 7 phút Nam Phát, Dồi sụn nướng Nam Phát (Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát); muối hạt sạch, muối biển nhạt Royal (Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định) của các thành viên trong Hiệp hội ngày càng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Các sản phẩm gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân (Công ty TNHH Toản Xuân) đã có mặt tại hệ thống siêu thị, cơ sở cung ứng nông sản, thực phẩm lớn ở thị trường trong nước; nghêu sạch Lenger (Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam) đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới... Không chỉ nâng cao giá trị và mở rộng thị trường, việc xây dựng thành công các nhãn hiệu tập thể còn giúp công tác quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thương hiệu chặt chẽ hơn, thông qua việc hình thành các tổ chức đại diện cho các đơn vị, hộ gia đình cùng tham gia sản xuất, kinh doanh; là cơ sở, căn cứ quan trọng để thực hiện các mục tiêu đổi mới về kinh tế và tổ chức sản xuất ở địa bàn nông thôn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vì một tương lai xanh cho cả cộng đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý, sử dụng, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể vẫn còn những hạn chế, bất cập. Số lượng sản phẩm xây dựng được nhãn hiệu tập thể còn ít so với lợi thế, tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng như sự đa dạng, đặc trưng về các sản phẩm theo từng vùng miền. Một số chủ sở hữu nhãn hiệu chưa nắm rõ được vai trò, lợi ích và trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể để giữ gìn danh tiếng của sản phẩm. Việc quản lý, sử dụng nhãn hiệu của nhiều chủ sở hữu còn mang tính hình thức. Việc duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm sau khi được bảo hộ nhãn hiệu đôi khi còn bị xem nhẹ, một số sản phẩm không duy trì được vùng nguyên liệu sản xuất…
Để triển khai hiệu quả việc xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng các địa phương tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ xây dựng, khai thác, bảo vệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với nỗ lực của các sở, ngành và chính quyền các địa phương, mỗi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng đều phải nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu cho sản phẩm, bắt đầu từ việc tích cực đổi mới sáng tạo, vì mục tiêu phát triển bền vững. Sự vào cuộc tích cực sẽ là cơ sở để kỳ vọng về tương lai của những sản phẩm nông nghiệp Nam Định nâng cao “vị thế” từ giá trị đến năng lực cạnh tranh, khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin