Nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, Nam Định có bờ biển dài 72km, lại có hệ thống các sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua địa bàn đã đưa Nam Định nằm trong hành lang vận tải thuỷ Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình với khối lượng vận chuyển khoảng 27,8-30,1 triệu tấn. Đây là những yếu tố thuận lợi trong phát triển ngành vận tải biển và đường thủy nội địa của tỉnh.
Xà lan chở hàng lưu thông trên sông Ninh Cơ địa phận huyện Nghĩa Hưng. |
Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh đã nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư cải thiện, nâng cấp hạ tầng đường thủy theo hướng đồng bộ, tận dụng, khai thác những lợi thế của vận tải thủy với 3 cảng biển, 6 cảng sông, 130 bến thuỷ nội địa, 83 bến khách ngang sông đang hoạt động trên 4 tuyến sông chính: Hồng, Đào, Ninh Cơ, Đáy; có các tuyến vận tải thủy chính của đồng bằng Bắc Bộ đi qua địa bàn như: Ba Lạt - Hà Nội (qua hệ thống sông Hồng); Lạch Giang - Hà Nội (sông Hồng, sông Ninh Cơ); Quảng Ninh - Ninh Bình (sông Đào, sông Hồng, sông Đáy); Cửa Đáy - Ninh Bình (sông Đáy). Trong 10 năm trở lại đây, được sự quan tâm của Chính phủ, tỉnh đã tích cực phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đầu tư 2 công trình trọng điểm về đường thủy tại địa bàn tỉnh. Năm 2014, Bộ GTVT đã đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) để thi công Cụm công trình luồng qua cửa sông Ninh Cơ (cửa Lạch Giang) và các công trình bảo vệ thuộc Dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ (dự án WB6) qua đó tạo thuận lợi cho các tàu có trọng tải 3.000 tấn ra, vào bến cảng biển và các cảng, bến thuỷ nội địa trong tỉnh cùng các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Năm 2023, Bộ GTVT đã hoàn thành và đưa vào khai thác Cụm công trình Kênh - Âu tàu Nghĩa Hưng nối sông Đáy và sông Ninh Cơ thuộc địa phận các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) để tiếp nối và phát huy tối đa hiệu quả dự án WB6 đầu tư hạ tầng đường thủy, kết nối vận tải thủy nội địa thuộc 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ với vận tải ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm tải cho đường bộ… Với hạ tầng giao thông đường thủy không ngừng được đầu tư đã tạo cơ hội lớn để tỉnh ta phát triển ngành vận tải thủy. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.580 phương tiện vận tải thủy các loại (tàu chở hàng, tàu dầu, phà chở khách ngang sông); trong đó có 177 phương tiện tàu pha sông biển, 60 tàu biển hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và trên các vùng biển quốc tế; khoảng 220 cảng, bến thủy nội địa. Năm 2023, hoạt động vận tải khách đường thủy nội địa đạt 5.029 nghìn lượt khách, tăng 11,5% và 2 triệu lượt khách.km, tăng 8,5% so với năm trước; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa đạt 20.071 nghìn tấn, tăng 16,5% và 4.015 triệu tấn.km, tăng 14,2%; đường biển đạt 8.171 nghìn tấn, tăng 17,8% và 5.412 triệu tấn.km, tăng 16,8% so với năm trước.
Dự báo, nhu cầu vận tải hàng hóa theo phương thức vận tải đường biển đến năm 2030 ước đạt 16 triệu tấn/năm; tầm nhìn đến 2050 khối lượng hàng hóa thông qua cảng, bến thủy nội địa ước đạt 140 triệu tấn/năm; phát triển phương tiện giao thông đường thủy nội địa tăng khoảng 9-12% mỗi năm. Để phục vụ nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng sản xuất trên địa bàn tỉnh, đồng thời thu hút các luồng hàng hóa thông qua Nam Định và ngược lại, thời gian gần đây, tỉnh tập trung hoàn thiện quy hoạch và đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ, thúc đẩy hoạt động vận tải biển phát triển. Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tỉnh chú trọng phát triển mạng lưới đường thủy nội địa nhằm phục vụ vận tải hàng hóa và hành khách. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 về đường biển đầu tư phát triển đồng bộ bến cảng và luồng vào cảng, tiếp nhận tàu trọng tải lớn, các tàu container thế hệ mới, xây dựng các cảng chuyên dùng, các cảng hành khách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cảng tổng hợp mới ở khu vực Hải Thịnh, Nghĩa Hưng, phục vụ Khu kinh tế Ninh Cơ. Về đường thủy nội địa, hoàn thành nâng cấp hệ thống đường thủy nội địa chính đạt cấp kỹ thuật quy định, tập trung cải tạo một số tuyến quan trọng, tăng chiều dài các đoạn, tuyến sông được quản lý khai thác. Đầu tư chiều sâu, nâng cấp và xây dựng mới các cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách, xây dựng cảng Nam Định mới trên sông Hồng. Phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ vận tải và giao thông tĩnh, đường bộ bảo đảm đồng bộ, liên hoàn.
Tổ chức mạng lưới vận tải đường bộ, đường thuỷ trong tỉnh tạo thành một mạng lưới vận tải một cách khoa học thông suốt và cơ động. Phối hợp chặt chẽ giữa các loại hình và lực lượng tham gia vận tải đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng và khối lượng vận tải hàng hoá, hành khách, khuyến khích đối với tất cả các thành phần kinh tế tham gia, chú trọng phát triển các tuyến vận tải đến các xã vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa hẻo lánh. Theo đó mạng đường thủy nội địa gồm các tuyến vận tải thủy chính do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh Nam Định được quy hoạch đến năm 2030 theo Quyết định 1829/QĐ-TTg ngày 21-10-2021: Tuyến Hà Nội - Lạch Giang tổng chiều dài 196km (gồm 2 tuyến từ cửa Lạch Giang đến kênh nối Đáy - Ninh Cơ dài 19km, quy hoạch cấp đặc biệt; từ kênh nối Đáy - Ninh Cơ đến cảng Hà Nội dài 177km, quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp 1 đáp ứng cho các tàu có trọng tải đến 2.000 tấn có thể ra, vào các cảng, bến trên sông Ninh Cơ và sông Hồng); Tuyến cửa Đáy - Ninh Bình chiều dài 72km, quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp đặc biệt; Tuyến Quảng Ninh - Ninh Bình (qua cửa Lạch Giang) có chiều dài 178,5km quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp đặc biệt. Theo Quyết định số 1286/QĐ-UBND ngày 29-6-2023 của UBND tỉnh Nam Định về việc phê duyệt điều chỉnh cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa các tuyến sông do địa phương quản lý trong quy hoạch phát triển GTVT đường thủy nội địa tỉnh Nam Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã quy hoạch cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa cấp VI đối với các tuyến sông Sắt, Mỹ Đô, Châu Thành, Sò, Ninh Mỹ, Múc, Vọp; đưa ra ngoài quy hoạch các tuyến sông Rõng, Quýt, Vô Tình, Cồn Giữa, Cồn Năm, Cồn Nhất, Mã, Chanh. Toàn tỉnh có 97 bến khách ngang sông; 345 bến thủy nội địa; 31 cảng thủy nội địa. Về phát triển cảng biển: Cảng biển Nam Định được xác định là cảng tổng hợp địa phương (loại II) gồm khu bến Hải Thịnh và bến cảng chuyên dụng cho Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1. Năng lực hàng hóa thông qua cảng dự kiến vào năm 2030 đạt khoảng 6,25 triệu tấn/năm. Đề xuất xây dựng cảng biển tổng hợp mới gắn với nhà máy thép và khu kinh tế Ninh Cơ tại đô thị Rạng Đông (Nghĩa Hưng); quy mô đến năm 2030 đáp ứng lượng hàng hóa thông qua từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn/năm.
Để thực hiện được các mục tiêu đó, tỉnh xác định sẽ xây dựng khu vực biển Nghĩa Hưng trở thành cảng trung chuyển quốc tế; xây dựng cảng Sông Đáy đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội địa vùng Nam đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận. Phát triển, nâng cấp cảng biển Thịnh Long (Hải Hậu) có khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ vận tải biển. Đề xuất xây dựng cảng biển tổng hợp đảm bảo tiêu chuẩn cảng loại I, có thể tiếp nhận tàu 200 nghìn - 300 nghìn tấn. Xây dựng cảng hàng lỏng phục vụ kho xăng dầu Trường An - Thịnh Long tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). Xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại cửa Hà Lạn kết hợp với bến cá Hà Lạn. Mở rộng nâng cấp các điểm neo đậu tầu thuyền, phà, các bến đò ngang hiện có. Xây dựng các bến bốc xếp hàng hoá: bến Giao Thiện, Ngô Đồng, Hồng Thuận công suất 100-200 nghìn tấn/năm… Xây dựng hệ thống GTVT đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, với các trục giao thông trọng điểm quốc gia. Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ giao nhận vận chuyển (kho ngoại quan, logistics) gắn với hệ thống cảng biển, các điểm giao dịch thu mua sản phẩm của người nông dân,... Tập trung hoàn thành các tuyến giao thông kết nối toàn vùng như: Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2); Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định với tổng chiều dài toàn tuyến là 65,5km, đi qua 24 xã, thị trấn thuộc ba huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; Tuyến đường bộ mới từ thành phố Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, kết nối Trực Tuấn - Yên Định, Lạc Quần - Ngô Đồng… để tạo thành mạng lưới giao thông đường thủy, đường bộ liên hoàn, đáp ứng yêu cầu đến năm 2030 xây dựng Nam Định thành tỉnh phát triển khá của cả nước./.
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin