Giao Thủy hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án giao thông trọng điểm

19:19, 29/02/2024

Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển đi qua 5 huyện Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường và Giao Thủy có tổng chiều dài khoảng 24,66km là một trong những dự án giao thông trọng điểm được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương trong vùng dự án, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và định hướng phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển trên địa bàn xã Giao Phong.
Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển trên địa bàn xã Giao Phong.

Đoạn tuyến đi qua huyện Giao Thủy có chiều dài 2,59km, diện tích dự kiến chiếm dụng 25,42ha thuộc địa bàn 3 xã Giao Thịnh, Giao Phong, Giao Yến. Dự án giúp khắc phục nhược điểm lớn về giao thông của huyện, giúp huyện kết nối trực tiếp với các vùng kinh tế lớn, trọng điểm, năng động của cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng và các địa phương khác trong tỉnh. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công dự án được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy đặt quyết tâm cao, phấn đấu sớm hoàn thành bàn giao cho nhà thầu để dự án sớm trở thành hiện thực.

Đồng chí Doãn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Giao Thủy cho biết: Nhận thức được ý nghĩa, vai trò của dự án đối với sự phát triển của huyện cũng như của tỉnh trước mắt và lâu dài, với trách nhiệm của địa phương được thụ hưởng dự án, thời gian qua huyện đã tập trung quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB phục vụ thi công dự án. Trong quá trình thực hiện bồi thường GPMB, huyện đã chủ động công khai thông tin về dự án, các chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất của Nhà nước. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tập trung rà soát kiểm kê, phân loại đất. Cung cấp thông tin trích đo thửa đất, hiện trạng đất đai tới từng hộ để các hộ biết phạm vi cần giải tỏa của gia đình mình. UBND huyện và các xã thường xuyên tổ chức họp các hộ dân có liên quan đến dự án để thông báo công khai kết quả đo, người dân trực tiếp đối chiếu diện tích, kịp thời phát hiện những nội dung cần bổ sung, điều chỉnh và phản ánh đề xuất, kiến nghị để cùng xem xét, đi đến thống nhất, chốt số liệu; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình đo đạc, xác định diện tích, loại đất, thửa đất, thiết lập hồ sơ GPMB; kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cố tình làm sai lệch hồ sơ để trục lợi. Sau khi phương án được phê duyệt thì tiến hành chi trả tiền một cách nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch để người dân có nguồn lực sớm ổn định đời sống sau khi thu hồi đất.

Nhờ đó, đối với phần đất nông nghiệp đi qua các xã Giao Thịnh, Giao Phong ảnh hưởng đến 342 hộ gia đình, cá nhân và đất công UBND xã với tổng diện tích 22,38ha, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện đã thực hiện GPMB xong 100% diện tích đất nông nghiệp và tạm giao diện tích đất nông nghiệp cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ 38,24 tỷ đồng. Đối với đất thổ cư có 79 hộ thuộc phạm vi GPMB, tổng diện tích GPMB phần thổ cư (gồm đất của các hộ dân và đất công) là 30.363,5m2. Trong đó, xã Giao Thịnh có 35 hộ, xã Giao Phong 37 hộ (có diện tích của 9 hộ dân trùng với dự án đường bộ ven biển đã GPMB), xã Giao Yến 7 hộ. Đồng chí Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao Phong cho biết: xã có 28 hộ có phần đất dân cư thuộc phạm vi GPMB phục vụ Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, xã Giao Phong đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp để đảm bảo tiến độ thực hiện công tác GPMB. Công tác tuyên truyền được xã triển khai thường xuyên, liên tục qua các hội nghị, trên hệ thống truyền thanh và cả trực tiếp đến các hộ dân để vận động, thuyết phục. Cùng với đó, xã đã phối hợp với các Phòng chuyên môn của huyện: Tài nguyên và Môi trường; Tài chính; Kinh tế và Hạ tầng hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân tự kiểm đếm tài sản, vật kiến trúc; công khai phương án hỗ trợ bồi thường GPMB theo đúng các quy định của pháp luật; chủ động quy hoạch khu vực tái định cư hợp lý để các hộ dân đồng thuận với phương án bồi thường hỗ trợ… Nhờ đó toàn bộ 28 hộ thuộc diện phải GPMB với số tiền bồi thường hỗ trợ trên 156,9 tỷ đồng đã nhanh chóng đồng thuận phương án, bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án. Không chỉ tại xã Giao Phong, các xã Giao Yến, Giao Thịnh cũng đã hoàn thành công tác GPMB phục vụ thi công dự án, trong đó xã Giao Yến có 7 hộ đồng ý phương án GPMB với trên 3,129 tỷ đồng; xã Giao Thịnh có 35 hộ đồng ý với phương án GPMB với 105,783 tỷ đồng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ huyện đến các địa phương, đến nay huyện Giao Thủy đã hoàn thành công tác GPMB toàn tuyến Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển với 25,42/25,42ha, đạt 100%, bàn giao mặt bằng sạch cho Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và Tái định cư huyện để bàn giao cho đơn vị thi công theo đúng tiến độ quy định. 

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2024, huyện xác định khối lượng GPMB rất lớn, đặc biệt là các dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực giao thông, đầu tư xây dựng hạ tầng Khu, Cụm công nghiệp, Khu thương mại,… Do đó, huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo GPMB và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan. Hội đồng Bồi thường hỗ trợ GPMB và tái định cư huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án và có thời gian cụ thể cho từng bước trong công tác GPMB; phân công, gắn trách nhiệm cụ thể cho các tập thể, cá nhân theo từng nội dung công việc; nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm. Thực hiện tốt công tác quản lý đất đai và xác định nguồn gốc đất đai; việc xác định giá đất và bố trí tái định cư phải đảm bảo công bằng, công khai, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để tạo điều kiện cho các gia đình phải thu hồi đất sớm ổn định đời sống. Các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, của huyện về đất đai, chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; lợi ích, hiệu quả của các dự án đầu tư đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống của người dân để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công tác GPMB. Huyện Giao Thủy phấn đấu chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch để gia tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhanh nhu cầu sử dụng đất để thu hút nhà đầu tư, phục vụ hiệu quả nhu cầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Bài và ảnh: Thành Trung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com