Trong bối cảnh khó khăn chung nhưng lần đầu tiên GRDP của tỉnh Nam Định đạt mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2023, với mức tăng 10,19% so với năm 2022. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.
Tăng trưởng ngoạn mục
Năm 2023 là năm rất thành công của tỉnh Nam Định. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, hầu hết chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 10,19%, cao nhất từ trước đến nay; thu ngân sách nhà nước đạt 10.452 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trước hai năm; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,58%. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, ngành công nghiệp và dịch vụ của Nam Định đã chiếm tỷ trọng khoảng 80% trong cơ cấu kinh tế. Kết quả này đưa Nam Định xếp thứ 6 toàn quốc về mức tăng GRDP chỉ sau các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Hậu Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hải Phòng; xếp thứ 3 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng. Đáng chú ý, Nam Định đang là điểm đến được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và thế giới đánh giá cao bởi có lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp... Từ đầu năm 2023 đến nay, sức thu hút đầu tư của tỉnh Nam Định được ghi dấu mạnh mẽ bởi một số dự án lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài như: 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện với tổng mức đầu tư là 98.000 tỷ đồng, dự án của Tập đoàn Quanta (Đài Loan, Trung Quốc) với tổng mức đầu tư 120 triệu USD, ký kết thỏa thuận phát triển dự án đầu tư với Tập đoàn Sunrise Material...
Cầu Đống Cao nối liền 2 huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng. |
Đề cập tới những yếu tố chính tạo ra sức hút đầu tư của tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cho biết, tỉnh Nam Định đã dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, góp phần tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác dự án Cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ (đây là Cụm công trình kênh nối thủy lớn nhất Việt Nam); cơ bản hoàn thành Tỉnh lộ 485B; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định. Tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển; giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình; cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình... Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, như: Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, Khu công nghiệp Mỹ Thuận, Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng; triển khai thủ tục đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Trung Thành; các cụm công nghiệp Giao Thiện, Tân Thịnh... để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh.
Thu hút doanh nghiệp lớn, công nghệ cao
Đánh giá về thành quả phát triển của tỉnh trong năm 2023, đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định nhấn mạnh: Năm 2023, tỉnh Nam Định có bước phát triển toàn diện, vượt bậc về kinh tế-xã hội. Đó là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của tập thể thường trực, ban thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, vào cuộc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Đồng chí Phạm Gia Túc cũng nêu rõ: Nếu như năm 2023 được xem là năm bản lề, năm 2024 sẽ là giai đoạn bứt phá để tỉnh Nam Định hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Tỉnh Nam Định dự kiến đặt chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP từ 9,5% đến 10,5%; nâng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ lên 84%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 14,5% trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 18% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 12.000 tỷ đồng. “Những mục tiêu trên khá cao, thể hiện quyết tâm và nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định”, đồng chí Phạm Gia Túc nhấn mạnh.
Về những giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh Nam Định trong năm 2024, đồng chí Trần Lê Đoài cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối; xúc tiến thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ cao, thân thiện với môi trường để phát triển, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh và quốc gia. Cùng với đó, quan tâm phát triển sự nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản, kinh tế du lịch; tập trung phát triển hợp lý nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng; phát triển các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Tỉnh cũng tổ chức quản lý, thực hiện tốt các loại quy hoạch, trong đó, triển khai thực hiện các nội dung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ; các quy hoạch vùng, quy hoạch liên vùng, quy hoạch đô thị các thị trấn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết... Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Theo qdnd.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin