Liên kết doanh nghiệp - nhà nông trong sản xuất nông nghiệp

08:13, 29/01/2024

Xác định liên kết doanh nghiệp - nhà nông trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị nông sản và đảm bảo lợi ích, tăng cường trách nhiệm của mỗi bên, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân, góp phần thúc đẩy mối liên kết ngày càng chặt chẽ.

Nông dân xã Tân Thịnh (Nam Trực) phát triển nghề trồng cây cảnh cho thu nhập cao.
Nông dân xã Tân Thịnh (Nam Trực) phát triển nghề trồng cây cảnh cho thu nhập cao.

Nhiều năm qua, mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo giữa Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) và các hộ nông dân trong tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xuất phát từ sự đòi hỏi của thị trường trong nước đối với các sản phẩm nông nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chí về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và có chất lượng cao, từ năm 2016 ngoài mặt hàng phục vụ dinh dưỡng cây trồng cho nông nghiệp tại tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận, Công ty đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo an toàn chất lượng cao với các hộ nông dân trong các HTX nông nghiệp, các hộ nông dân có diện tích lớn hơn 3ha nhằm khai thác thế mạnh của địa phương, tìm kiếm cơ hội đưa hạt gạo Nam Định vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, Công ty đóng vai trò tổ chức vùng nguyên liệu, kết nối sản xuất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, quy trình canh tác và chịu trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm. Công ty đã đảm nhận từ khâu cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, tất cả các hộ đều sản xuất một giống lúa trên một cánh đồng; đồng thời cử cán bộ kỹ thuật cùng bám đồng, bám ruộng hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm bón, các hộ chỉ bỏ công chăm sóc. Đến khi thu hoạch, Công ty thu mua toàn bộ sản phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường, từ đó giúp các hộ yên tâm sản xuất. 

Từ tháng 2-2016, chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao lấy thương hiệu gạo Toản Xuân được thành lập, vụ đầu tiên thực hiện được 200ha với sản lượng 600 tấn gạo thành phẩm, được thị trường đón nhận rất tích cực. Đặc biệt, các cấp, các ngành, nhất là HND các cấp đã giới thiệu các hộ nông dân có diện tích lớn chủ động liên kết với Công ty. Đến nay, Công ty đã có vùng nguyên liệu trong chuỗi liên kết gần 1.500ha tại tất cả các huyện của tỉnh Nam Định và một số tỉnh như Ninh Bình, Hải Dương. Sản lượng gạo sạch chất lượng cao đưa ra thị trường khoảng 4.000 tấn/năm. Trong đó, 2 sản phẩm gạo “Toản xuân 888”, “Toản Xuân dẻo thơm - ngon đậm đà” đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và đang làm thủ tục đề nghị Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Đặc biệt, từ cuối năm 2021, Công ty liên kết với các hộ sản xuất tại vùng bãi rươi huyện Nghĩa Hưng ra mắt thị trường sản phẩm “Gạo sinh thái ruộng rươi”. Sản phẩm được trồng theo phương thức quảng canh hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân hữu cơ, tro trấu, phân bò nên chất lượng cơm mềm dẻo, thơm đúng hương vị gạo hữu cơ truyền thống. Các sản phẩm gạo của chuỗi đưa ra thị trường luôn có chất lượng ngon và ổn định, được người tiêu dùng chấp nhận giá cao hơn gạo thông thường từ 20-30% nên việc phân phối lợi ích trong chuỗi luôn được đảm bảo; nhiều hộ nông dân có diện tích sản xuất từ 30-50 mẫu có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/vụ. Qua thời gian thực hiện chuỗi sản xuất gạo chất lượng cao đến nay, thương hiệu gạo sạch Toản Xuân đã có thị phần vững vàng, đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm gạo Thái Lan, gạo Campuchia… và có mặt trên 35 tỉnh, thành phố trên cả nước. Để có thể xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất, bên cạnh tiềm lực tài chính, kỹ thuật đủ mạnh để đầu tư vào nông nghiệp, Công ty Toản Xuân đã tạo ra mối quan hệ lợi ích hữu cơ hai bên để doanh nghiệp - nhà nông đều có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp, HTX và các hộ nông dân phải có chung một mục đích xây dựng thương hiệu chuỗi sản phẩm và đảm bảo phát triển lợi ích trong chuỗi, đặc biệt phải tuân thủ chặt chẽ cam kết trong hợp đồng đã ký…

Ngoài mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo giữa Công ty Toản Xuân và các hộ nông dân, toàn tỉnh đã xây dựng được 39 mô hình trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu như chuỗi liên kết giữa Công ty TNHH Cường Tân với các hộ nông dân; chuỗi liên kết sản xuất chế biến nông sản sấy của Công ty Minh Dương; chuỗi liên kết chế biến hải sản sau thu hoạch của Công ty Hùng Vương; mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cá bống bớp nuôi trên diện tích 200ha ở huyện Nghĩa Hưng; mô hình liên kết chăn nuôi tiêu thụ thịt lợn sạch Minh Long; chuỗi liên kết chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ sản phẩm thịt lợn sạch giữa Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông với các trang trại, các hộ chăn nuôi có quy mô lớn... Để có được kết quả trên, các cấp HND trong tỉnh phối hợp bồi dưỡng, trang bị kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp; tổ chức đoàn nghiên cứu, học tập mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi tại các tỉnh bạn. Trong 5 năm qua, các cấp Hội trực tiếp và phối hợp tổ chức trên 2.300 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 285 nghìn lượt hội viên, nông dân. Các cấp HND trong tỉnh còn chú trọng nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, vận động nông dân tích tụ ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung. Kết quả, nông dân đã tham gia xây dựng được 458 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 21.844ha, trong đó có 3.121ha được bao tiêu sản phẩm; xây dựng 183 mô hình kinh tế tập thể với trên 2.500 thành viên tham gia.

Thời gian tới, HND các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi để giúp những hộ nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, góp phần duy trì và tham gia hình thành các chuỗi liên kết mới./.

Bài và ảnh: Lam Hồng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com