Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6): Kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa

08:08, 05/06/2023

Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”. Đây là chủ đề thiết thực bởi ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa (RTN) đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Tại tỉnh ta, mỗi ngày phát sinh trên 980 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó lượng RTN phát sinh ước tính khoảng 196 tấn/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực thành phố mới đạt khoảng 95,5%; tại khu vực nông thôn mới đạt 89,5%; chỉ một số ít RTN được tái chế, tận dụng, ngoài ra, vẫn còn lượng lớn RTN bị thải trực tiếp ra môi trường và trôi ra biển.

Thu gom rác tại bẫy rác trên sông Đào địa phận phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định).
Thu gom rác tại bẫy rác trên sông Đào địa phận phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định).

Để chống ô nhiễm nhựa, những năm qua tỉnh đã rất nỗ lực triển khai thực hiện nhiều chương trình, biện pháp. Tỉnh đã ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Kế hoạch hành động về quản lý RTN đại dương đến năm 2030. Tỉnh cũng phát động phong trào “Chống RTN”. Hàng năm các ngành, các địa phương trong tỉnh duy trì các hoạt động mít tinh, các đợt ra quân vệ sinh môi trường, phân loại RTN, xóa các “điểm đen” về rác thải. Các địa phương đã chú trọng kiểm soát, xử lý tình trạng vứt bỏ RTN bừa bãi ra ngoài môi trường thông qua các hoạt động đẩy mạnh thu vớt, dọn dẹp RTN; tăng cường giám sát, xử lý vi phạm vứt túi nilon, RTN bừa bãi ra các tuyến đường giao thông, bãi đất trống, các tuyến sông, kênh; thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn; tăng cường vận động người dân thực hiện phân loại rác ngay tại các hộ gia đình. Đến nay, toàn tỉnh có 195/226 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 77,8%) đã tham gia phân loại rác thải tại nguồn và thực hiện giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa; góp phần giảm 30-50% lượng rác thải đưa đi xử lý, trong đó có một lượng đáng kể là RTN. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp cũng phát sinh RTN nguy hại là các bao bì, túi chứa đựng với tỷ lệ chiếm khoảng 10% so với lượng phân bón. Để hạn chế ô nhiễm môi trường từ rác thải này, các địa phương đã xây dựng các bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để thu gom, xử lý theo quy định. Toàn tỉnh có hơn 20 nghìn bể chứa được  xây ở các đường trục chính của cánh đồng, thuận tiện cho việc thu gom; các xã cũng đã ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã thu gom theo quy định. 

Từ tháng 12-2018 đến nay, với sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng với Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) thực hiện dự án “Giảm thiểu ô nhiễm RTN trên sông Hồng”. Qua đó, đã lắp đặt, hạ thuỷ và bàn giao cho chính quyền các địa phương vận hành 6 công cụ thu gom rác (bẫy rác) trên sông, gồm 5 bẫy rác đặt trên sông Hồng địa phận các xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Điền Xá, Nam Thắng (Nam Trực), Xuân Thành (Xuân Trường), Giao Hương (Giao Thuỷ), một bẫy rác đặt trên sông Đào địa phận phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định). Các bẫy rác đã góp phần tăng hiệu quả thu gom rác trôi nổi trên sông, giảm thiểu rác trôi ra biển và nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương trong công tác quản lý rác thải rắn, RTN, đóng góp vào hệ thống dữ liệu mạng lưới bẫy rác toàn cầu.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phát động “Tháng hành động vì môi trường”, huy động sức mạnh của tập thể, các tổ chức, đoàn thể trong việc tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị. Theo đó, các ngành, các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội, mạng điện thoại di động phục vụ cho công tác đổi mới tuyên truyền về bảo vệ môi trường (BVMT); vận dụng sáng tạo các biện pháp tuyên truyền rộng rãi (lồng ghép các buổi nói chuyện chuyên đề về BVMT qua các buổi họp của cơ quan, đơn vị, sinh hoạt Đoàn, Hội...) và tuyên truyền trực tiếp (gặp, hỏi, trao đổi động viên đối với những người có biểu hiện vi phạm pháp luật...). Đặc biệt chú trọng tuyên truyền về chủ đề Ngày Môi trường thế giới với thông điệp: Cùng chung tay xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm RTN; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thực thi hiệu quả chính sách chống RTN nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong công tác BVMT nói chung, giảm thiểu RTN nói riêng. Tổ chức mít tinh, ra quân tổng vệ sinh môi trường; vớt và xử lý RTN tại các kênh, mương, ao, hồ, những tụ điểm ô nhiễm RTN; ra quân vệ sinh bãi biển, vớt rác thải trên biển; đẩy mạnh giới thiệu và nhân rộng mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình, trong đó chú trọng biện pháp giảm thiểu, xử lý RTN theo quy định; trồng và chăm sóc cây xanh, tuyến đường hoa, cây cảnh. Triển khai, thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, của tỉnh về thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với quy định phải giảm thiểu, thu gom, xử lý đúng quy định RTN tại địa phương đạt trên 85% (cấp huyện) và trên 90% (cấp xã). Phát động các phong trào, chiến dịch hoặc xây dựng mô hình chung tay chống ô nhiễm RTN, khuyến khích, vận động người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; phấn đấu nỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 mô hình cụ thể về “Chống RTN” hiệu quả tại địa phương.

Mục tiêu chống ô nhiễm RTN của tỉnh cụ thể là đến năm 2025 toàn tỉnh phấn đấu sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh, giảm thiểu 50% RTN trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com