Giám sát chặt chẽ dịch bệnh bảo đảm an toàn vật nuôi

07:54, 01/06/2023

Trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, công tác phòng bệnh cần được quan tâm thực hiện tốt, giúp vật nuôi khỏe mạnh cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chăn nuôi dê đang được người dân xã Trực Tuấn (Trực Ninh) quan tâm lựa chọn vì dê ít bị bệnh.
Chăn nuôi dê đang được người dân xã Trực Tuấn (Trực Ninh) quan tâm lựa chọn vì dê ít bị bệnh.

Bác Vũ Văn Hưng, thôn Nam Lạng Tây, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) thường xuyên nuôi 40-50 con lợn thịt, 2 con lợn nái. Bác Hưng cho biết: “Để bảo đảm an toàn cho đàn lợn, ngoài việc tiêm đủ các loại vắc-xin phòng bệnh bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo yêu cầu của cơ quan thú y, gia đình tôi còn thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi, dụng cụ dùng trong chăn nuôi, diệt vật chủ trung gian định kỳ và sau mỗi đợt nuôi. Chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý hàng ngày nên không phát sinh mùi và bảo đảm vệ sinh môi trường. Sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y… Nhờ đó, đàn lợn luôn phát triển khỏe mạnh, tăng trọng nhanh, không bị bệnh”.

Tuy nhiên hiện nay, thời tiết oi nóng gay gắt, mưa nắng thất thường, ảnh hưởng đến sức đề kháng của các loại vật nuôi, đồng thời thuận lợi cho các loại bệnh dịch như tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch viêm da nổi cục trên trâu bò... phát sinh, lây lan tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), qua việc lấy mẫu giám sát chủ động tại các huyện, thành phố có 10/10 mẫu dương tính với kháng thể lở mồm long móng serotype O và 6/10 mẫu dương tính với kháng thể dịch tả lợn cổ điển. Xét nghiệm 22 mẫu phủ tạng lợn tại các huyện Giao Thủy, Trực Ninh, Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên thì có 1 mẫu dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Giám sát bị động trên tôm có 2/10 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp, 2/8 mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trùng. Đối với mẫu cá chạch phát hiện 3/3 mẫu cá nhiễm nấm mang ranchiomyces sp và vi khuẩn Aeromonas sp. Có 3/3 mẫu nước có chỉ tiêu COD vượt giới hạn từ 1,2-16 lần theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT; 1/3 mẫu nước có hàm lượng NNO2 và H2S cao vượt giới hạn cho phép 16,3 và 3,1 lần. Đặc biệt, hiện tỉnh không có chính sách hỗ trợ lợn mắc dịch ốm chết trong khi giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao nên tình trạng người chăn nuôi không báo cho chính quyền tiêu hủy khi có dịch mà lén lút bán cho các lò giết mổ để thu vốn. Mặt khác, mật độ đàn gia cầm lớn, hình thức chăn thả tự do, khó kiểm soát… Điều này làm cho nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi, nhất là các bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, trong thời điểm hiện nay là rất cao.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường giám sát dịch bệnh, huyện Vụ Bản đã tập trung kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch động vật huyện, các xã, thị trấn; đồng thời xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đồng chí Phạm Ngọc Chi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch động vật cho đội ngũ cán bộ thú y, chủ trang trại; chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch động vật phù hợp với điều kiện của địa phương. Yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch động vật các xã, thị trấn phải bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Khuyến khích người dân đầu tư phát triển các đối tượng con nuôi khác như: dê, thỏ, lợn rừng, ngựa… để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài huyện, mang lại hiệu quả kinh tế khá, ít xảy ra dịch bệnh, thị trường tiêu thụ ổn định”. 

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người chăn nuôi trong công tác phòng, chống dịch động vật, UBND huyện Trực Ninh chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Đài Phát thanh huyện, hệ thống Đài truyền thanh các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin thường xuyên các nội dung quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm. Xác định công tác tiêm phòng có ý nghĩa quyết định đối với công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Trực Ninh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ thú y cơ sở tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của địa phương theo đúng lịch chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm chủ động phối hợp với cán bộ thú y cơ sở xuống các thôn, xóm, các hộ gia đình chăn nuôi để rà soát, thống kê và hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng đúng cách, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan. Riêng đối với việc tái đàn lợn, ngoài việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định, huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học; hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát; khuyến khích các trang trại, gia trại phát triển chăn nuôi tập trung, tổ chức tái đàn thận trọng có kiểm soát chặt chẽ về chất lượng con giống, thức ăn.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn, cơ quan chuyên môn phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng định kỳ, tiêm phòng bổ sung vắc-xin phòng bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm trên động vật. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng bệnh. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát, chỉ đạo việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị các loại vắc-xin, hóa chất và vật tư phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh để cấp phát cho các huyện, thành phố tổ chức tiêm phòng đại trà và Tháng Vệ sinh tiêu độc khử trùng năm 2023. Phối hợp với các huyện, thành phố hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động giám sát dịch bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm dịch bệnh khi mới phát hiện, không để lây lan diện rộng./.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com