Với trọng số 20%, chỉ số tính minh bạch là một trong những chỉ số quan trọng nhất, quyết định việc tăng, giảm thứ hạng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số này đo lường các yếu tố: doanh nghiệp có dễ dàng tiếp cận với các loại thông tin và tài liệu cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh? Việc tiếp cận thông tin, tài liệu đó có công bằng? Chính sách pháp luật và việc thực thi pháp luật có thể dự đoán được hay bất ổn định và mức độ hiệu quả của việc phổ biến thông tin qua cổng thông tin điện tử và hệ thống website ở các địa phương. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số tính minh bạch năm 2022 của tỉnh đạt 55,67 điểm, đã cải thiện về điểm số và thứ hạng so với năm 2021 (tăng 0,24 điểm, tăng 3 bậc, xếp hạng 49/63 tỉnh, thành phố). Tuy nhiên, mức độ cải thiện chưa rõ rệt, vẫn còn 10/17 chỉ tiêu chưa cải thiện về điểm số.
Cổng Thông tin điện tử của tỉnh ngày càng nâng cao chất lượng cung cấp thông tin giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi. |
Cụ thể, 7 chỉ tiêu đã được cải thiện gồm: Số ngày chờ đợi để nhận được thông tin, văn bản yêu cầu tiếp tục giảm; gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận vai trò của hiệp hội doanh nghiệp địa phương trong việc xây dựng và phản biện chính sách, quy định của tỉnh; giảm tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh; giảm tỷ lệ doanh nghiệp phải thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế giúp doanh nghiệp giảm được số thuế phải nộp; chất lượng website của tỉnh tiếp tục có sự cải thiện; tiếp cận tài liệu quy hoạch và tiếp cận tài liệu pháp lý ngày càng thuận lợi hơn. Đáng kể, điểm chỉ tiêu số ngày chờ đợi để nhận được thông tin, văn bản yêu cầu (trung vị) của tỉnh tăng 50 bậc, xếp hạng 7/63 tỉnh, thành phố do đạt mức 2,5 ngày, giảm 3 ngày so với năm 2021; tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh, giảm 33,12% so với năm 2021, tăng 20 bậc, xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố.
Trong 10/17 chỉ tiêu chưa được cải thiện có cả các chỉ tiêu tuy vẫn tăng bậc trên bảng xếp hạng toàn quốc nhưng bị tụt hạng so với chính kết quả tỉnh đã đạt được vào năm 2021. Đáng lưu tâm tại nhóm 10 chỉ số chưa được cải thiện còn 3 chỉ số nằm ở "top" cuối bảng xếp hạng (51/63 tỉnh, thành phố) là: 15,33% doanh nghiệp cho rằng đã minh bạch trong đấu thầu, giảm 67,17% so với năm 2021 (giảm 24 bậc, xếp hạng 54/63 tỉnh, thành phố). 18,11% doanh nghiệp dự liệu được việc thực thi của tỉnh đối với quy định pháp luật của Trung ương, giảm 16,75% so với năm 2021 (giảm 29 bậc, xếp hạng 54/63 tỉnh, thành phố). 18,90% doanh nghiệp cho rằng lãnh đạo tỉnh có thể dự liệu được thay đổi quy định pháp luật, giảm 14,13% so với năm 2021 (giảm 16 bậc, xếp hạng 54/63 tỉnh, thành phố).
Qua kết quả điều tra PCI năm 2022, tỉnh đã đánh giá được các ưu điểm, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng điểm, tăng hạng chỉ số tính minh bạch. Theo đó, nhiều loại thông tin và tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý và các tài liệu khác của tỉnh đã công khai, minh bạch hơn so với trước đây giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn (tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh, giảm 33,12% so với năm 2021, tăng 20 bậc, xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố). Các thông tin, văn bản yêu cầu của doanh nghiệp đã được các cấp, ngành phản hồi kịp thời, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp nhận được thông tin phản hồi của các cơ quan trong tỉnh còn ở mức thấp. Khả năng dự liệu của tỉnh về thay đổi quy định pháp luật và khả năng dự liệu của doanh nghiệp về việc thực thi của tỉnh với quy định pháp luật của Trung ương đã giảm sút; các chỉ tiêu này đều đứng ở nhóm cuối của bảng xếp hạng. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý cho rằng thông tin trên website của tỉnh về các văn bản pháp luật của tỉnh, văn bản điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, quy định thủ tục hành chính là hữu ích đã giảm so với năm 2021. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên truy cập vào website của UBND tỉnh giảm so với năm 2021.
Từ đó, tỉnh yêu cầu, thời gian tới các ngành, các địa phương phải chú trọng nhận diện sâu rõ lợi ích tính minh bạch đem lại cho cả chính quyền cũng như doanh nghiệp; phải quan tâm, bám sát nắm bắt nhu cầu, kỳ vọng của doanh nghiệp để đáp ứng tốt hơn về khả năng tiếp cận thông tin. Cụ thể, thông tin minh bạch hơn có thể giúp giảm rủi ro và sự bất định trong hoạt động kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp giảm thiểu việc phải tìm hiểu và thích nghi với quy định pháp luật mới, tiết kiệm được chi phí và có động cơ để xây dựng các kế hoạch kinh doanh trong dài hạn. Trong số các khía cạnh về quản trị công cấp địa phương, nếu cải thiện tính minh bạch có thể thúc đẩy đáng kể việc gia tăng đầu tư tư nhân. Việc công khai, minh bạch các tài liệu quy hoạch của địa phương có tác động đáng kể đến thu hút đầu tư tư nhân vào địa phương.
Bên cạnh đó, cần nỗ lực hơn nữa hướng đến công khai minh bạch tất cả các loại thông tin phải cung cấp theo quy định pháp luật tới người dân và doanh nghiệp, nhất là những tài liệu liên quan đến bản đồ, các quy hoạch sử dụng đất, các kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương, và kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở việc công khai thông tin đơn thuần, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần sắp xếp, tổ chức, trình bày hệ thống thông tin đồ sộ (gồm: các tài liệu liên quan đến luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Trung ương, các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành và các biểu mẫu thủ tục hành chính) một cách thân thiện, khoa học, thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm và đọc hiểu nội dung./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin