Năng động phát triển kinh tế trên đồng đất quê hương

07:41, 25/05/2023

Về thôn Tân Phú, xã Yên Lương (Ý Yên) hỏi thăm chị Đỗ Thị Lanh, nhiều người đều khen ngợi chị là tấm gương điển hình nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Thành công của chị đã tạo nguồn cảm hứng, cổ vũ, động viên những chị em, hội viên phụ nữ nông thôn khác mạnh dạn vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, khẳng định vị thế của người phụ nữ trong thời đại mới.

Mạnh dạn phát triển kinh tế từ mô hình VAC, chị Đỗ Thị Lanh, thôn Tân Phú, xã Yên Lương (Ý Yên) đã vươn lên làm giàu ngay trên chính đồng đất quê hương.
Mạnh dạn phát triển kinh tế từ mô hình VAC, chị Đỗ Thị Lanh, thôn Tân Phú, xã Yên Lương (Ý Yên) đã vươn lên làm giàu ngay trên chính đồng đất quê hương.

Lập gia đình năm 29 tuổi, cả 2 vợ chồng đều là lao động tự do, không có việc làm ổn định nên kinh tế gia đình chị Lanh rất khó khăn. Để duy trì cuộc sống, nuôi các con ăn học, vợ chồng chị “xoay” đủ nghề kiếm sống. Chồng chị Lanh làm thợ xây, hàng ngày anh theo các đội thợ xây trong xã đi xây dựng ở nhiều nơi. Ngoài làm ruộng, những lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, chị Lanh còn xin đi phụ hồ. Năm 2002, sau khi được chị em phụ nữ ở chi hội tuyên truyền, vận động, gia đình chị Lanh quyết định tham gia vay vốn từ Tổ chức Tài chính vi mô TNHH một thành viên TYM Ý Yên với số tiền 3 triệu đồng, đầu tư vào chăn nuôi vịt. Gom góp vốn liếng cộng thêm tiền vay từ Quỹ TYM, vợ chồng chị Lanh cải tạo lại ruộng vườn, bắt tay vào xây dựng mô hình VAC của gia đình. Theo đó, chị dùng một phần tiền để xây chuồng trại, phần còn lại mua vịt đẻ trứng về gây đàn. Năm đầu nuôi vịt, chị Lanh có lãi, sau khi bán cả đàn vịt, trừ chi phí, chị thu về khoảng chục triệu đồng. Từ nỗ lực bước đầu, năm 2004, vợ chồng chị tiếp tục mua 1 đàn vịt đẻ của người quen để nuôi. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi cộng với việc mua phải vịt già nên đàn vịt của chị hầu như… không đẻ trứng. Ngoài ra, đàn vịt còn mắc phải một số bệnh như dịch tả, tụ huyết trùng dẫn đến bị chết khá nhiều. Sau gần 1 năm nuôi, chị Lanh lỗ 20 triệu đồng. Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất của gia đình chị. “Thời điểm đó, tôi còn nghĩ hay là mình không biết cách chăn nuôi. Tiền vốn, công sức bỏ ra nhiều mà không có thu nhập, thậm chí thua lỗ khiến vợ chồng tôi rất buồn, lo lắng. Tuy nhiên tôi không bỏ cuộc. Tôi động viên chồng, “thua ở đâu thì đứng lên ở đó”, chị Lanh chia sẻ. Xác định bản thân còn chưa có nhiều hiểu biết, kinh nghiệm trong việc chăn nuôi, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, chị Lanh không quản ngại đường sá tìm đến nhiều trang trại trong và ngoài huyện để học hỏi, nâng cao kiến thức. Chị còn chịu khó đọc sách báo, xem ti vi tìm hiểu thêm cách nuôi, phòng dịch bệnh cho gia cầm. Đối với vịt, chị đặc biệt chú ý công tác phòng bệnh. Ngoài việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ chị còn định kỳ cho uống các loại thuốc phòng bệnh và bổ sung thêm chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Vào mùa đông, chị chú ý giữ ấm chuồng trại, tránh cho gia cầm lạnh. Thực hiện nghiêm ngặt, đầy đủ, khoa học các biện pháp chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi, 1 năm sau đó trang trại của chị Lanh đã cho thu nhập ổn định và có lãi. 

Năm 2017, nhận thấy chỉ nuôi các loại vịt, gà thì vốn, lãi sẽ thu về chậm hơn, rủi ro cũng cao hơn do đối tượng nuôi dễ bị nhiễm các loại dịch bệnh, chị Lanh chuyển hướng sang nuôi bò sinh sản. “Tuy nhiên, để nuôi được bò không đơn giản vì đòi hỏi chi phí lớn mua con giống. Để có tiền mua giống, tôi tiếp tục vay của ngân hàng, Quỹ TYM chi nhánh Ý Yên”, chị Lanh cho biết thêm. Theo đó, ban đầu chị mua 1 cặp bò, bê con để gây giống. Quá trình nuôi, chị chịu khó tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò do ngành Nông nghiệp huyện, Hội Phụ nữ phối hợp tổ chức, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của những người từng nuôi bò sinh sản có hiệu quả. Ngoài việc dùng cỏ voi sạch trồng ở trang trại làm nguồn thức ăn chính, chị Lanh còn sử dụng thức ăn hỗn hợp để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bò trong từng giai đoạn phát triển. Đối với bê con, chị cho cai sữa sớm nhằm tăng năng suất bò sinh sản trong năm. Ngoài ra, chị còn thực hiện tốt việc tiêm phòng cho bò, bê theo đúng hướng dẫn. Chăm sóc đúng yêu cầu kỹ thuật, đến nay, chị Lanh đã “gây dựng” được đàn bò với số lượng 5 con bò sinh sản, 3 con bê. 5-6 tháng chị xuất bán được một lứa bê. Ngoài ra chị còn xuất bán cả cặp bò giống và bê con. Ngoài bò, chị Lanh nuôi thêm lợn rừng, một số gà, ngỗng, chim và chó. Hàng năm, từ chăn nuôi, trừ chi phí chị thu lãi gần 200 triệu đồng/năm. Để phát triển trang trại VAC của gia đình cũng như tạo nguồn thức ăn ổn định cho vật nuôi, từ năm 2002 chị còn nhận đấu thầu hơn 1 mẫu diện tích đất ao. Vợ chồng chị thuê người múc ao, cải tạo chia thành 2 ao riêng biệt. Trên bờ chị trồng cỏ voi, các loại cây ăn quả như mít, vú sữa… dưới nước chị cấy sen. Sau mỗi vụ sen chị thu về từ 10-20 triệu đồng.

Năng động, dám nghĩ, dám làm, chị Lanh giờ đã là “triệu phú” làm giàu ngay trên chính đồng đất quê hương. Kinh tế ổn định, chị có điều kiện chăm lo cho gia đình, con cái học hành, sắm sửa thêm các tiện nghi sinh hoạt trong nhà. Năm 2022, chị đã xây được ngôi nhà tầng khang trang với diện tích 160m2 và xây thêm một khu trọ. Không giấu kinh nghiệm làm giàu, chị còn sẵn sàng chia sẻ cho những ai có ý định muốn phát triển mô hình VAC. Trang trại của chị  là “địa chỉ” tin cậy cho nhiều người đến học hỏi, tham quan mô hình. Đã từng có những thời điểm khởi nghiệp khó khăn, chị Lanh hiểu rất rõ những vướng mắc mà nhiều phụ nữ nông thôn đang gặp phải khi muốn phát triển kinh tế, làm giàu. Chị Lanh mong muốn, Nhà nước, các tổ chức xã hội tạo điều kiện, cơ chế cho người nông dân nói chung, chị em phụ nữ nói riêng mạnh dạn lập nghiệp, có điều kiện gắn bó với quê hương. Điều mà phụ nữ cần nhất khi khởi nghiệp là được hỗ trợ nguồn vốn vay, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, Nhà nước có các chính sách khuyến khích, ủng hộ các mô hình kinh tế mới của phụ nữ và đặc biệt là trợ giá cho các sản phẩm nông sản để họ yên tâm sản xuất, vươn lên trong xây dựng gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com