Những năm qua, xã Nam Cường (Nam Trực) có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, giảm nghèo nhanh và vững chắc, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Đóng góp chung vào thành quả đó, phải kể đến nguồn vốn vay và các hoạt động hỗ trợ người dân từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nam Trực thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV). Vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã đã từng bước giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống vươn lên thoát nghèo.
Sản xuất phụ kiện hoa lụa tại xưởng gia đình chị Vũ Thị Tuyết ở xóm Nguyễn, xã Nam Cường (Nam Trực). |
Tính đến ngày 27-4-2023, tổng dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt 19 tỷ 569 triệu đồng với 535 hộ còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay qua Hội Phụ nữ xã là 14 tỷ 797 triệu đồng với 409 hộ vay; dư nợ qua Hội Cựu chiến binh xã là 4 tỷ 773 triệu đồng với 126 hộ vay. Tổng số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ đạt 1 tỷ 382 triệu đồng. Trên địa bàn xã hiện triển khai 7 chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực gồm cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhà ở xã hội, cho vay học sinh, sinh viên. Nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu tập trung ở chương trình nước sạch (dư nợ 8 tỷ 764 triệu đồng), hộ mới thoát nghèo (dư nợ 3 tỷ 426 triệu đồng) và cho vay hộ cận nghèo (dư nợ 2 tỷ 791 triệu đồng). Toàn xã không có nợ quá hạn.
Đồng chí Trần Thị Chuyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Hiện Hội Phụ nữ xã đang quản lý 12 tổ TK và VV. Để bảo đảm nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng phụ nữ nghèo, cận nghèo thực sự có nhu cầu, Hội chỉ đạo các cán bộ, hội viên, tổ trưởng tổ TK và VV tích cực tuyên truyền, phổ biến đến hội viên và các tầng lớp nhân dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng CSXH; quy định của ngân hàng về cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Hội Phụ nữ xã cũng tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực hướng dẫn cán bộ hội, tổ trưởng tổ TK và VV thực hiện đúng quy trình, các bước ủy thác cho vay, tạo điều kiện tối đa cho các hộ được vay vốn mức cao nhất với lãi suất ưu đãi. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, đặc biệt là giám sát tổ viên, trong quá trình sử dụng vốn vay cũng được Hội chủ động thực hiện, đảm bảo tổ viên sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả và chấp hành trả nợ, trả lãi đầy đủ. Công tác vận động các tầng lớp hội viên, tổ viên vay vốn thực hiện gửi tiền tiết kiệm cũng được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay tổng số dư tiền gửi tiết kiệm qua tổ đạt 1 tỷ 69 triệu đồng, bình quân mỗi tổ viên có số dư tiền gửi 70-100 nghìn đồng/hộ. Cùng Ngân hàng CSXH trong việc dẫn vốn ưu đãi đến tận tay bà con, hội luôn tạo điều kiện cho chị em tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp quản lý nguồn vốn... Nhiều chị em đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh; chú trọng lựa chọn nuôi, trồng cây, con nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng trang trại, phát triển các ngành nghề truyền thống, từng bước cải thiện, nâng cao mức sống gia đình, góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Là hộ được vay vốn Ngân hàng CSXH, chị Vũ Thị Tuyết ở xóm Nguyễn cho biết: “Gia đình chúng tôi có xưởng gia công hoa lụa, hoa nhựa cho làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang. Mỗi tháng xưởng chúng tôi sản xuất hơn 10 nghìn phụ kiện cho hoa lụa, hoa nhựa. Vì thế, nguồn vốn quay vòng để đầu tư sản xuất là rất lớn. Được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện, tôi đã vay 100 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện để có vốn mua nguyên liệu”. Hiện tại, xưởng của chị Tuyết hoạt động rất hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện, chị Tô Thị Ánh Hồng ở thôn Phan Trù Nguyễn đã mở cửa hàng kinh doanh tạp hoá, đồ điện dân dụng. Chồng đau yếu do tai nạn giao thông, mình chị xoay xở nuôi ba con nhỏ ăn học. Nhờ cửa hàng tạp hóa mà kinh tế gia đình khấm khá hơn hẳn; khó khăn dần được khắc phục, chị lại có điều kiện ở nhà chăm sóc sức khỏe cho chồng. Hiện tại, chị tiếp tục được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ mới thoát nghèo để mở rộng kinh doanh, tăng thêm thu nhập, đảm bảo sinh kế bền vững. Cô Phan Thị Nhung, tổ trưởng tổ TK và VV thôn Phan Trù Nguyễn khẳng định: “Là tổ trưởng 15 năm qua tôi luôn trực tiếp giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay, sản xuất, kinh doanh, thu nhập trả nợ ngân hàng của các tổ viên. Thông báo kịp thời cho ngân hàng, chính quyền địa phương những trường hợp sử dụng vốn vay sai mục đích, thay đổi chỗ ở ra ngoài địa bàn xã và các trường hợp khác ảnh hưởng đến hoạt động của tổ và chất lượng tín dụng. Nhờ vậy, chất lượng tín dụng của tổ tôi rất tốt, hiện không có nợ quá hạn và lãi thu đều, đạt 100%, không có nợ bị chiếm dụng”. Hiện tại, dư nợ cho vay qua tổ tiết kiệm này đạt hơn 2 tỷ đồng với 46 hộ còn dư nợ.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các hội, đoàn thể, tổ TK và VV xã Nam Cường đẩy mạnh giải ngân cho vay chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, đầu tư công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Đồng thời, tăng cường phân bổ nguồn vốn uỷ thác từ địa phương phục vụ cho vay phát triển sản xuất phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phối hợp với các cấp, ngành, địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác tập trung các giải pháp xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo động lực mới giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo vững chắc, chống tái nghèo./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin