Nhân rộng phong trào trồng cây xanh

07:48, 05/05/2023

Thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ và Hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2023 do Tỉnh ủy, UBND tỉnh phát động, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực tham gia với nhiều hình thức, hoạt động thiết thực. Phong trào đã đạt nhiều kết quả, góp phần tạo không gian, môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Nhân dân xã Tân Thành (Vụ Bản) trồng cây, góp phần tạo không gian xanh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhân dân xã Tân Thành (Vụ Bản) trồng cây, góp phần tạo không gian xanh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Từ đầu năm đến nay, xã Tân Thành (Vụ Bản) đã tổ chức lễ phát động và trồng mới khoảng 1.500 cây xanh các loại. Có được kết quả đó là do UBND xã đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, tại các buổi họp chi bộ, các buổi sinh hoạt cộng đồng của các thôn, xóm nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây; đồng thời tích cực chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Để tạo điểm nhấn cho phong trào trồng cây xanh, UBND xã Tân Thành đã trích ngân sách khoảng 30 triệu đồng mua và trồng gần 100 cây ban đỏ Hồng Kông trên các tuyến đường trục xã, đường liên xóm. Chỉ đạo các thôn xóm, các trường học, trạm y tế căn cứ vào tình hình cụ thể của cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai trồng cây xanh tại khuôn viên, khu vực nhà văn hóa xóm và một số vị trí ven các tuyến đường. Đồng thời, phân công các đoàn thể chính trị - xã hội đảm nhiệm việc chăm sóc, bảo vệ các hàng cây xanh mới được trồng, bảo đảm “trồng cây nào tốt cây ấy”; vận động các hộ dân thực hiện cải tạo, dọn vệ sinh khuôn viên gia đình, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng thôn xóm văn minh, sáng - xanh - sạch - đẹp và phát triển bền vững…

Không chỉ ở xã Tân Thành, phong trào trồng cây xanh đã được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Theo Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 5-1-2023 của UBND tỉnh về trồng cây, trồng rừng năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới trên 1,1 triệu cây phân tán các loại; trồng mới 19ha rừng; trồng bổ sung phục hồi 160ha rừng. Riêng tại huyện Nghĩa Hưng, tích cực triển khai dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” tại Nam Định; trồng mới 9ha, trồng bổ sung phục hồi rừng 100ha. Tại huyện Giao Thủy, triển khai dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng”; trồng mới 10ha rừng, trồng bổ sung phục hồi 60ha rừng. Khu vực trồng cây là đô thị, khu dân cư, ven đường, khu công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình tín ngưỡng, nhà ở và các công trình công cộng. Ở khu vực nông thôn trồng trên đất vườn, hành lang giao thông, ven sông, kênh mương, đường ra đồng, khu văn hóa lịch sử, tôn giáo, khu, cụm công nghiệp, khu xử lý rác thải tập trung, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp, đất chưa sử dụng... Ưu tiên trồng cây bản địa, cây trồng đa mục đích, vừa có giá trị kinh tế vừa có tác dụng làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân địa phương. 

Nhận thức rõ về lợi ích, ý nghĩa của việc “trồng cây, gây rừng” đối với đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện khí hậu liên tục có nhiều biến đổi bất thường như hiện nay, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã gương mẫu tham gia phát động và trực tiếp trồng cây tại khuôn viên hồ Vị Xuyên (thành phố Nam Định). UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí diện tích đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phù hợp với quy hoạch; bố trí diện tích đất trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, công sở, đường giao thông, đất trồng cây xanh nông thôn… phù hợp với địa phương, đơn vị. Đảm bảo diện tích đất trồng cây xanh phải có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng; diện tích đất có khả năng trồng cây thuộc các tổ chức và hộ gia đình do tổ chức, hộ gia đình có trách nhiệm quản lý. Đối với diện tích rừng, đất công, các công trình công cộng, đường xã, bờ kênh mương… các địa phương tổ chức giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, hiệp hội, đoàn thể chính trị - xã hội trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây. Các địa phương chủ động chỉ đạo gieo ươm, chuẩn bị đủ số lượng cây giống có chất lượng, phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật. Tại huyện Giao Thủy, ngay từ cuối năm 2022, UBND huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch trồng cây xanh năm 2023 trên địa bàn. Phân khai và giao chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể đến từng xã, thị trấn làm cơ sở để tổ chức thực hiện, quyết tâm hoàn thành trồng 130 nghìn cây phân tán. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, thay đổi suy nghĩ và hành động về công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và cây xanh; tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án ODA để trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn bố trí diện tích đất trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, công sở, đường giao thông, đất trồng cây xanh nông thôn… phù hợp với địa phương, đơn vị. Nhờ đó đến ngày 10-4-2023, toàn huyện đã trồng được 70 nghìn cây xanh các loại, gồm: Sấu, bàng Đài Loan, hoa ban, muồng hoàng yến, osaka đỏ, các loại cây bản địa, cây bóng mát, cây ăn quả lâu năm…

Sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là người dân, trong việc trồng, chăm sóc cây xanh sẽ góp phần cải thiện cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân./.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com