Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách, tài sản công

08:29, 03/04/2023

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã tăng cường các giải pháp và đạt kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách, tài sản công; góp phần quan trọng để thực hiện và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thi công các hạng mục thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển trên địa bàn huyện Nam Trực.
Thi công các hạng mục thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển trên địa bàn huyện Nam Trực.

Năm 2022 toàn tỉnh đã tiết kiệm chi thường xuyên, giảm cấp phát ngân sách Nhà nước với tổng kinh phí 228 tỷ 632 triệu đồng; cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên được 137 tỷ 860 triệu đồng; giảm dự toán chi Ngân sách Nhà nước cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự đảm bảo chi thường xuyên được 90 tỷ 772 triệu đồng. Trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc trong khu vực Nhà nước đã đảm bảo được nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệm vụ đặc thù của ngành, lĩnh vực để phục vụ công tác theo quy định. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố Nam Định, doanh nghiệp Nhà nước xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của đơn vị trình UBND tỉnh phê duyệt. Toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra hiện trạng cơ sở nhà, đất của 35/36 sở, ban, ngành, hội, đoàn thể; 12/13 doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên 50% vốn điều lệ thuộc tỉnh quản lý và 8/10 huyện, thành phố Nam Định. Tỉnh đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất cho 24/36 đơn vị thuộc khối các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể; 4/10 huyện, thành phố và 9/13 doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên 50% vốn điều lệ thuộc tỉnh quản lý. Công tác quản lý sử dụng vốn đầu tư công và quyết toán dự án hoàn thành được thực hiện có hiệu quả; trong đó UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6-4-2020 của Chính phủ; quy trình thực hiện các dự án đầu tư tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh thực hiện mục tiêu tiết kiệm từ khâu chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, đảm bảo 100% các dự án đầu tư công thực hiện nghiêm theo quy định của Luật Đầu tư công. Tỉnh đã tích cực lồng ghép nguồn ngân sách địa phương với ngân sách Trung ương để đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các công trình xây dựng trọng điểm; các tuyến giao thông huyết mạch có tính kết nối vùng nhằm xúc tiến và thu hút đầu tư; các công trình đê kè, phòng chống lụt bão, đảm bảo an ninh quốc phòng với tổng nguồn vốn phân bổ trong kế hoạch đầu năm 2022 là 25.564,969 tỷ đồng. 

UBND tỉnh cũng thường xuyên tổ chức họp kiểm điểm tiến độ các dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư dự án để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án đầu tư vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư. Nhờ đó, trong năm qua tỉnh đã cơ bản hoàn thành thi công các tuyến tỉnh lộ 488B, 488C; đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng trọng điểm, giao thông huyết mạch khác như: xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; tỉnh lộ 485B; Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần; Bệnh viện Đa khoa khoa tỉnh…; đồng thời khởi công hàng loạt công trình, dự án trọng điểm. Ngành Thanh tra đã tiến hành 222 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 3.023 cơ quan, đơn vị, cá nhân tập trung trên các lĩnh vực: quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai; quản lý tài chính, ngân sách; thanh tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và pháp luật về khiếu nại, tố cáo; thanh, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý của các sở, ngành. Qua thanh tra đã phát hiện các sai phạm với số tiền 25 tỷ 814,885 triệu đồng. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 của tỉnh ta còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế như: Công tác quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công có nơi, có chỗ không đúng quy định của pháp luật dẫn đến phải thu hồi nộp ngân sách Nhà nước. Trong một số dự án đầu tư còn tình trạng thiết kế và lựa chọn biện pháp thi công chưa đảm bảo tính kinh tế, còn tính trùng, tính thừa khối lượng, dự toán áp sai định mức, tỷ lệ và đơn giá theo quy định; một số dự án chưa thống nhất giữa giải pháp kỹ thuật và đề xuất tài chính hay việc sai đơn giá, sai số học trong hồ sơ dự thầu nhưng quá trình xét thầu chưa phát hiện để điều chỉnh; một số dự án nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn công không đảm bảo theo hồ sơ đã nghiệm thu và hồ sơ hoàn công; một số nhiệm vụ, phần việc quan trọng của tỉnh còn chậm tiến độ, gây lãng phí kinh tế...

Năm 2023 là năm bản lề góp phần quan trọng thực hiện và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XX, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 30-1-2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 195/QĐ-UBND về chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của tỉnh. Theo đó, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên 6 lĩnh vực cụ thể gồm: quản lý ngân sách Nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động. Các sở, ban, ngành và địa phương tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 làm cơ sở đề xuất sửa đổi Luật và các văn bản pháp luật liên quan để đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách Nhà nước, cơ bản khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý ngân sách Nhà nước. Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, gắn với tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành, các huyện, thành phố, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước và các nguồn lực tài chính công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực dễ phát sinh thất thoát, lãng phí. Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, yêu cầu các đơn vị rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại các luật liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công đang còn bất cập, thiếu đồng bộ, không phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án đầu tư, lựa chọn các tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực thực sự, khắc phục tối đa tình trạng điều chỉnh dự án khi đang triển khai, gây mất thời gian và làm chậm tiến độ giải ngân vốn. Đẩy mạnh công tác số hóa quy trình phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công, lập dự toán và công tác kế toán ngân sách Nhà nước, quyết toán ngân sách Nhà nước, quản lý, giám sát vốn đầu tư công; hiện đại hóa công tác quản lý vốn đầu tư công như kết nối thông tin, chương trình, báo cáo liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan. Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để thúc đẩy giải ngân vốn. Có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm. Nghiên cứu xây dựng các tiêu chí, định mức, quy định về suất đầu tư trên một đơn vị diện tích để bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất đai. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lập và giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dự báo, cảnh báo điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai và hội nhập quốc tế. Đẩy nhanh chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu hoàn thiện, kết nối liên thông hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất, trong đó có dữ liệu về quy hoạch quản lý cập nhật biến động đến từng thửa đất, công bố công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ thông tin dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất./. 

Bài và ảnh: Thành Trung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com