Quản lý, chăm sóc cây trồng vì sự phát triển nông nghiệp bền vững

08:13, 29/03/2023

Để đảm bảo năng suất và sản lượng cây trồng, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đồng thời giữ gìn cảnh quan, sinh vật đồng ruộng là những ưu tiên hàng đầu của người nông dân hướng đến nền nông nghiệp bền vững hiện nay. Mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) đã và đang được áp dụng phổ biến trên nhiều cánh đồng hiện đạt được những hiệu quả nhất định.

Mô hình trồng rau an toàn áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp theo chuỗi liên kết tại xã Hải Hòa (Hải Hậu).
Mô hình trồng rau an toàn áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp theo chuỗi liên kết tại xã Hải Hòa (Hải Hậu).

Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) có 736ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó 293ha diện tích trồng lúa, diện tích trồng màu 369ha. Nếu như trước đây, những cánh đồng này sặc mùi thuốc trừ sâu, hóa chất để bảo vệ cây lúa khỏi các loại dịch hại, những bao bì nilon chứa hóa chất BVTV sau sử dụng vứt bừa bãi nay đã cơ bản không còn. Môi trường đồng ruộng ở Thịnh Long đang dần sạch sẽ, trong lành hơn. Đồng chí Lê Mạnh Đương, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Trước đây bà con nông dân thường lạm dụng phân đạm trong chăm bón lá, sử dụng thuốc BVTV, phun thuốc không theo nguyên tắc 4 đúng, chưa đảm bảo thời gian cách ly theo hướng dẫn… Do vậy hiệu quả sản xuất rau thấp, chất lượng rau chưa đảm bảo, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường. Từ khi áp dụng mô hình IPM, nông dân thường xuyên kiểm tra thăm đồng, theo dõi sâu bệnh đến ngưỡng mới phun trừ, đem lại hiệu quả rất lớn. Hệ sinh thái tự nhiên trên các cánh đồng của địa phương đang dần đa dạng phong phú hơn”. Đây là kết quả của việc người dân Thịnh Long đã tham gia lớp “đào tạo nông dân nâng cao theo hướng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất rau, màu an toàn theo chuỗi liên kết” được Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức năm 2022. Tham gia lớp học, các hộ nông dân được tập huấn về kỹ thuật sản xuất rau an toàn, biện pháp tác động lên cây trồng qua các giai đoạn, những đối tượng dịch hại chính và biện pháp quản lý, kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả... Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã xây dựng mô hình trồng bắp cải chất lượng cao quy mô 3ha liên kết với Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Thành Nam, cho giá cao hơn so với giá thị trường từ 5-10%. Qua thực hiện mô hình và lớp IPM đã giúp nông dân nắm được các biện pháp kỹ thuật sản xuất rau an toàn và biện pháp tác động ở mỗi giai đoạn để cây cho năng suất cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, các đối tượng dịch hại chính và biện pháp quản lý. Từ đó, họ đã hiểu được về thuốc BVTV, thời gian cách ly, kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả, hạn chế lạm dụng và nhận thức được rủi ro cho sản xuất và sức khỏe con người mà thuốc BVTV gây ra. Đa số nông dân sau khi học đã áp dụng ngay vào sản xuất và tuyên truyền, hướng dẫn các hộ khác cùng làm theo góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.

Trong vụ mùa năm 2022, Chi cục Trồng trọt và BVTV triển khai lớp “Đào tạo nông dân nâng cao theo hướng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất lúa chất lượng theo chuỗi liên kết” và xây dựng mô hình sản xuất lúa Bắc thơm số 7 chất lượng cao liên kết với Hợp tác xã Chế biến nông sản Bốn Thuận, xã Hợp Hưng (Vụ Bản). Tham gia lớp tập huấn và tham quan mô hình, nông dân được nâng cao nhận thức về IPM, kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, “3 giảm, 3 tăng”, kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả… Từ đó áp dụng nhằm giảm chi phí đầu vào như giảm vật tư sản xuất, thuốc BVTV, công lao động, tăng hiệu quả. Đồng thời, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường, hướng tới sản xuất lúa gạo an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi liên kết. Bà Phạm Thị Lúa, nông dân xã Hợp Hưng chia sẻ về hiệu quả khi áp dụng mô hình IPM: “Nếu như các vụ trước tôi phải phun thuốc BVTV đến 3-4 lần/vụ thì nay tôi thực hiện bón phân cân đối, bón thúc sớm, bón đạm vừa đủ giúp cây lúa khỏe, đẻ nhánh tập trung, tỷ lệ bông hữu hiệu cao, các đối tượng sâu bệnh giảm 1,5-2 lần nên số lần phun chỉ còn 2 lần/vụ; lượng phân bón cũng giảm tới 50kg đạm/ha so với các vụ trước, ngày công cũng giảm, năng suất lúa tăng 5,8 tạ/ha nên hiệu quả kinh tế cao hơn 9 triệu đồng/ha. Ngoài ra, tham gia mô hình liên kết, giá bán sản phẩm còn được cao hơn thị trường 5%, đầu ra ổn định giúp chúng tôi nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác”.

Thực hiện Kế hoạch số 25/KH-UBND triển khai chương trình IPM trên cây trồng giai đoạn 2021-2023 của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền kỹ thuật canh tác và quản lý dịch hại theo IPM, biện pháp sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, an toàn; các nguy cơ do hóa chất BVTV, bao bì đựng thuốc BVTV sau sử dụng đối với chất lượng nông sản, sức khỏe con người và môi trường sinh thái thông qua các phương tiện truyền thông, tờ rơi, pa-nô, áp phích… Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ địa phương về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trồng trọt và BVTV, biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, “3 giảm 3 tăng”, kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV, thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng… Qua đó đã nâng cao nhận thức, quan điểm chỉ đạo và chuyển đổi tập quán sản xuất, tạo nguồn nhân lực cho địa phương trong tổ chức, chỉ đạo và hướng dẫn nông dân thực hiện phòng trừ dịch hại tổng hợp theo hướng bền vững. 

Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV còn tổ chức đào tạo các lớp nâng cao cho nông dân theo hướng thực hành nông nghiệp tốt về lúa, rau an toàn, khoai tây trong sản xuất theo chuỗi liên kết; xây dựng các mô hình ứng dụng IPM, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa, rau an toàn, khoai tây theo chuỗi liên kết góp phần nâng cao nhận thức của nông dân trong việc giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV, đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng mô hình chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP...

Ngày 23-9-2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động về thúc đẩy quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam giai đoạn 2022-2030. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng. Phấn đấu ở mỗi tỉnh có 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh ứng dụng IPHM; 70% diện tích cây ngô ứng dụng IPHM; cây công nghiệp đạt 70% diện tích ứng dụng IPHM… Để góp phần đạt được mục tiêu trên, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, các ngành và cộng đồng về IPHM. Đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực IPHM, nhất là lực lượng nông dân nòng cốt, để có thể trực tiếp thử nghiệm ứng dụng các kỹ thuật IPHM và hướng dẫn người sản xuất cùng thực hiện. Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất, triển khai đồng bộ các hoạt động ứng dụng IPHM từ tỉnh đến huyện, xã. Tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng các loại giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để chủ động phòng chống sinh vật gây hại, bảo vệ sản xuất./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com