Phát triển nuôi thủy sản ở Xuân Trường

08:15, 30/03/2023

Tận dụng lợi thế ven sông Hồng và sông Ninh Cơ, từ nhiều năm nay, huyện Xuân Trường đã tập trung phát triển đa dạng các loại hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên diện tích quy hoạch, chủ yếu là những vùng đất kém hiệu quả, xa khu dân cư; trang trại nuôi thủy sản ở vùng đất trũng, đất nhiễm mặn, đất bãi ven sông.

Ông Nguyễn Văn Yêu, xã Xuân Vinh đầu tư nuôi cá vược, mang lại hiệu quả thu nhập cao.
Ông Nguyễn Văn Yêu, xã Xuân Vinh đầu tư nuôi cá vược, mang lại hiệu quả thu nhập cao.

Huyện Xuân Trường hiện có 640ha ao, đầm nuôi thủy sản với sản lượng trung bình hàng năm gần 4.000 tấn. Huyện đã quy hoạch các vùng nuôi tập trung tại các xã Xuân Vinh, Xuân Hòa. Ngoài ra, một số hộ dân ở xã Xuân Châu, thị trấn Xuân Trường cũng phát triển nuôi cá lồng trên sông với 60 lồng nuôi cá. Qua giới thiệu của địa phương, chúng tôi thăm trang trại chăn nuôi của gia đình anh Hồ Sỹ Hoạch, xã Xuân Châu. Gia đình anh Hoạch hiện có hơn 2 mẫu nuôi ốc bươu, 10 con lợn, 10 con dê và hàng trăm con ngan, vịt. Anh Hoạch cho biết, trước kia vùng đất này sử dụng để trồng dâu nuôi tằm nhưng do hiệu quả không cao nên hầu như để hoang hóa. Năm 2003, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, gia đình anh cũng như một số hộ gia đình khác trên địa bàn xã đã thuê lại, đầu tư cải tạo để nuôi cá nước ngọt truyền thống, gia súc, gia cầm và trồng chuối. Năm 2017, trong một lần đi tham quan mô hình sản xuất giống và nuôi ốc bươu thương phẩm bên tỉnh Thái Bình, anh Hoạch đã quyết tâm tìm tòi, học hỏi. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm, cùng với việc không đảm bảo nguồn nước vào mùa hè, ốc bị chết hàng loạt. Không nản chí, anh Hoạch dành nhiều thời gian đi tìm hiểu thêm thực tế tại các mô hình nuôi ốc bươu hiệu quả để làm “vốn” cho mình. Rút kinh nghiệm từ lần nuôi trước, sang vụ nuôi thứ hai, anh nắm vững kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, nuôi thả nên ốc dần phát triển và sinh trưởng tốt. Để có đầu ra ổn định, anh Hoạch chủ động liên kết thị trường tiêu thụ ở các tỉnh lân cận và tham gia các hội, nhóm nuôi ốc bươu trên mạng xã hội để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm. Anh chia sẻ, ốc bươu là loài dễ nuôi, dễ chăm sóc, thức ăn của ốc khá đa dạng và có sẵn ở tự nhiên như rau, cỏ, củ, quả… Người nuôi cần duy trì mực nước trong hồ sâu hơn 1m. Mùa hè, thời tiết nắng nóng, anh thả bèo tấm và trồng hoa súng, vừa làm nguồn thức ăn bổ sung, vừa che nắng cho ốc. Vào mùa đông, ốc ngủ đông nên không cần cho ăn, chỉ cần thả bèo tây để tránh rét. Quá trình nuôi ốc trong vòng 3-4 tháng là có thể xuất bán với mức giá khoảng 60-70 nghìn đồng/kg. Ốc bươu sinh sản quanh năm, nhưng nếu để sinh sản tự nhiên tỷ lệ nở con đạt thấp. Để chủ động con giống và cung ứng cho thị trường, anh Hoạch đưa quy trình nuôi ốc bố mẹ sinh sản vào sản xuất. Hàng ngày, anh Hoạch đều gom trứng cho vào thùng ấp đảm bảo nguồn giống chất lượng. Anh thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ, giữ cho thùng ấp luôn đạt độ ẩm thích hợp tạo điều kiện cho trứng phát triển tốt. Theo anh, mùa hè ấp trứng từ 7-10 ngày là đưa ra ao nuôi ốc giống. Vào mùa đông, thời gian phải từ 15-20 ngày trứng mới nở thành con. Trong quá trình ấp trứng anh phun nước hai lần/ngày để giữ độ ẩm. Hàng năm, gia đình anh Hoạch xuất bán ra thị trường hơn 1 triệu con ốc giống. Mỗi năm từ sản xuất ốc giống và nuôi ốc thương phẩm cung cấp ra thị trường, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 300 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình anh Hoạch dự định mở rộng thêm 1 mẫu ao nuôi ốc bươu. Không chỉ gia đình anh Hoạch, trên địa bàn xã Xuân Châu hiện có khoảng 15ha nuôi thủy sản, nhiều hộ nuôi đạt hiệu quả kinh tế ổn định như hộ các ông: Nguyễn Văn Tung, Phạm Văn Hải… 

Xã Xuân Vinh là một trong những địa phương có nhiều lợi thế từ mạng lưới sông, ngòi, kênh mương nội đồng nên các mô hình nuôi thủy sản trên địa bàn khá hiệu quả. Hiện toàn xã có 40ha diện tích mặt nước đã được khai thác phát triển nuôi thủy sản với 2 vùng nuôi tập trung ven sông Sò và vùng Sau Tú với đối tượng nuôi chính là cá lăng và các loại cá truyền thống như trắm đen, trắm cỏ, chép… Hàng năm, sản lượng thủy sản toàn xã thu được ước đạt 100 tấn cá các loại. Nuôi thủy sản đã trở thành nghề chính của người dân trong xã, giúp đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương, Đảng ủy, UBND xã Xuân Vinh luôn xác định khai thác lợi thế tự nhiên để phát triển nuôi thủy sản, đa dạng các đối tượng nuôi là hướng đi chính để phát triển thành mũi nhọn kinh tế. Từ đó xã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân mở rộng diện tích và đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ban Nông nghiệp xã phối hợp với cán bộ Phòng NN và PTNT huyện phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật nuôi thủy sản giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ nuôi thủy sản tiêu biểu như hộ ông Hoàng Minh Thiện với diện tích 2ha nuôi cá nước ngọt truyền thống, mỗi năm thu hoạch 7 tấn cá; hộ ông Nguyễn Văn Yêu đầu tư ao nuôi cá vược với diện tích 1,5ha, thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm… 

Đồng chí Trần Tùng, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Xuân Trường cho biết: “Việc phát triển nghề nuôi thủy sản góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng nông sản hàng hóa, thuận lợi trong việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, từng bước tạo ra những sản phẩm đồng đều, đảm bảo chất lượng”. Thời gian tới, Phòng NN và PTNT sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn đầu tư nuôi thủy sản; thực hiện tốt việc quy hoạch nhằm khai thác lợi thế về đất đai. Đẩy mạnh công tác khuyến ngư, tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi giúp người nuôi thủy sản thành thạo các kỹ thuật, chủ động trong sản xuất, hạn chế rủi ro. Phấn đấu hết năm 2023 tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 4.000 tấn./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com