Điểm nhấn trong công tác quy hoạch của tỉnh kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực năm 2019 là các văn bản chỉ đạo điều hành về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn được ban hành kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi; làm cơ sở để tiến hành công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Để tạo đà bứt phá trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp với các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; quản lý thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.
Thi công dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển. |
Thực hiện Quyết định số 992/QĐ-TTg ngày 10-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 18-8-2021 để triển khai tổ chức thực hiện lập Quy hoạch tỉnh, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương phối hợp với các đơn vị tư vấn, cơ quan lập quy hoạch xây dựng các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các huyện, thành phố để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Căn cứ vào kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố xây dựng các nội dung để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Trên cơ sở nội dung đề xuất của các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Sở đã đôn đốc đơn vị tư vấn xây dựng Báo cáo tổng hợp thuyết minh quy hoạch tỉnh, hệ thống các bản đồ và cơ sở dữ liệu quy hoạch. Quá trình lập quy hoạch đã có sự trao đổi thường xuyên, liên tục giữa cơ quan lập quy hoạch, đơn vị tư vấn với các sở, ngành; giữa các sở, ngành với UBND các huyện, thành phố để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, sự liên kết giữa các nội dung của quy hoạch, xử lý các mâu thuẫn giữa các nội dung trong từng phương án quy hoạch. Sau khi hoàn thiện dự thảo quy hoạch, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh lấy ý kiến tham gia góp ý quy hoạch của các bộ, ngành Trung ương; 10 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Sở KH và ĐT đã thực hiện lấy ý kiến tham gia góp ý quy hoạch và báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (DCM) của 15 chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, ý kiến tham gia của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan, Sở KH và ĐT phối hợp với đơn vị tư vấn trao đổi, tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia (có báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến tham gia). Ngày 16-3-2023, Sở KH và KT đã có tờ trình gửi Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xem xét, thực hiện các thủ tục thẩm định Quy hoạch theo quy định.
Bên cạnh công tác lập Quy hoạch tỉnh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong quý I-2023, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác lập, quản lý quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đến đầu tháng 4-2023, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã thực hiện 47 kết quả thẩm định các dự án công trình giao thông do Sở, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh và các huyện làm chủ đầu tư đảm bảo về chất lượng, hiệu quả kinh tế kỹ thuật. Kiểm tra chất lượng trong quá trình thi công nghiệm thu hoàn thành 3 công trình; tham gia ý kiến lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 33 dự án. Cùng với đó, Sở GTVT đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, thẩm định các công trình giao thông theo phân cấp. Sở đã rà soát và định hướng phát triển các quy hoạch ngành GTVT trong quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Thực hiện kiểm tra, rà soát hồ sơ quy hoạch tỉnh Nam Định và yêu cầu đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh chỉnh sửa theo các ý kiến tham gia của Bộ GTVT và Sở phù hợp với định hướng phát triển của ngành GTVT tỉnh Nam Định. Qua đó, Sở GTVT đã đề suất bổ sung quy hoạch: tuyến đường ra Trạm kiểm soát Biên phòng Cồn Lu/Đồn Biên phòng Ba Lạt; quy hoạch tuyến nhánh đường tỉnh 489 trên địa bàn huyện Giao Thủy; bổ sung: 1 bến, cảng khách du lịch tại vị trí Km28+300 trên sông Đào, 1 bến, cảng thủy nội địa trên sông Ninh Cơ (khoảng Km3+00 đến Km3+500) tại địa phận xã Hải Ninh (Hải Hậu), các bến phao tại vị trí phù hợp trên các sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy có tuyến du lịch đường thủy đi qua,...
Sở Xây dựng đã thực hiện tốt công tác tham mưu, ban hành quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh; việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý Nhà nước về các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn theo quy định của pháp luật... Sở đang tích cực triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch trọng tâm do UBND tỉnh giao. Sở đã hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Ban Kinh tế ngân sách - HĐND tỉnh Quy hoạch xây dựng các vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy; Nghĩa Hưng - Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và dự toán. Quy hoạch phân khu IX.A - Điều chỉnh quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường Nam Định - Phủ Lý (đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định) - Khu vực phía bắc đường Nam Định - Phủ Lý đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương giao Sở Xây dựng tiếp tục tổ chức thực hiện lập, thẩm định, trình phê duyệt Quy hoạch phân khu IX.A từ nguồn vốn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước; Quy hoạch phân khu IX.B - Điều chỉnh quy hoạch phân khu hai bên tuyến đường Nam Định - Phủ Lý (đoạn đi qua địa phận tỉnh Nam Định) - Khu vực phía nam đường Nam Định - Phủ Lý đã được Hội đồng thẩm định của tỉnh thông qua, đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Ngoài ra, Sở Xây dựng đã tham gia ý kiến về hồ sơ quy hoạch chi tiết đối với 72/120 khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh; cho ý kiến đối với 164 hồ sơ quy hoạch chung xây dựng xã trên địa bàn tỉnh. Phối hợp thực hiện tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. Một số công trình trọng điểm đẩy nhanh tiến độ thi công dự án như: Xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển. Một số dự án khu đô thị mở rộng, khu dân cư tập trung tại các huyện đã được triển khai thực hiện theo kế hoạch, được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, đang tập trung lập các bước thiết kế và thẩm định.
Thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch. Theo đó, UBND tỉnh giao các Sở: KH và ĐT, Xây dựng, Ban Quản lý các KCN tỉnh và UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Tổ chức công bố công khai và thực hiện các nội dung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy, vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên và vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch phân khu hai bên Đại lộ Thiên Trường; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng các thị trấn đến năm 2030; Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ,… Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố rà soát lại quy hoạch của ngành, quy hoạch của địa phương để tổ chức thực hiện đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quản lý chặt chẽ và khai thác có hiệu quả quy hoạch hai bên các tuyến đường, khu vực có tiềm năng phát triển; hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung hoàn thành hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của cấp huyện./.
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin